Theo trang tin Businessworld.in (Ấn Độ), Lực lượng Không quân Ấn Độ (IAF) đang cắt giảm một nửa chương trình mua sắm máy bay chiến đấu lớn nhất của mình và đưa ra khả năng thay đổi mô hình mua sắm mới.
Cụ thể, chương trình mua sắm máy bay chiến đấu đa năng (MRFA) ước tính trị giá 20 tỷ USD cho 114 máy bay phản lực của nước ngoài đang được thu hẹp chỉ còn lại 57 máy bay.
Theo đó, đề xuất ban đầu về việc chế tạo các máy bay phản lực này ở Ấn Độ theo Mô hình Đối tác Chiến lược (SP) đầy tham vọng sẽ bị hủy và chương trình bị thu hẹp có khả năng được khởi động lại theo hạng mục Mua toàn cầu (Sản xuất tại Ấn Độ).
Tất cả 57 máy bay chiến đấu mới sẽ được sản xuất tại Ấn Độ với sự chuyển giao công nghệ từ nước ngoài cho một công ty Ấn Độ.
Việc cắt giảm chủ yếu là do chính sách Aatmanirbhar Bharat (Ấn Độ tự chủ) của Chính phủ nhằm giảm thiểu nhập khẩu quốc phòng và xây dựng một tổ hợp công nghiệp quốc phòng trong nước để đáp ứng các yêu cầu quân sự. Thậm chí, đề nghị của Hải quân Ấn Độ mua sắm 57 máy bay chiến đấu nhập khẩu triển khai trên tàu sân bay đã giảm xuống còn 26 chiếc.
Ấn Độ đã lên kế hoạch công bố một đấu thầu toàn cầu để mua 57 máy bay phản lực vào cuối năm 2022. IAF đã thăm dò thị trường toàn cầu để tìm mua 114 máy bay chiến đấu kể từ năm 2018 với các lựa chọn như F-21 của Lockheed Martin, F-15EX của Boeing và F/A-18 Super Hornet (Mỹ), Rafale của Dassault (Pháp), Saab của Gripen (Thụy Điển), Eurofighter của tập đoàn châu Âu, S-35 của Sukhoi và MiG-35 (Nga).