Vụ đốt rác thải điện tử ở Vĩnh Phúc: Cảnh báo tỷ lệ mắc ung thư ngày một tăng

Liên quan đến vụ đổ trộm, đốt rác thải điện tử độc hại xảy ra trên địa bàn thôn Yên Thịnh (xã Bình Dương, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), trao đổi báo Tin tức, lãnh đạo Trạm y tế xã Bình Dương cho biết: Hơn 3 năm trở lại đây, tình trạng người dân mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp và tiêu hóa, đặc biệt là ung thư, có dấu hiệu tăng cao.

Như báo Tin tức đã phản ánh, nhiều ngày qua, đống rác thải điện tử tự phát bốc cháy nghi ngút khiến người dân thôn Yên Thịnh (xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) bức xúc và cầu cứu các cơ quan chức năng, nhưng sự việc không được giải quyết. Điều đáng nói là đống rác này đã tồn tại nhiều năm qua, phần lớn là rác thải điện tử độc hại và rác thải nhựa.

Nằm cách bãi rác thải điện tử tự phát khoảng 2km, gia đình ông Lê Thế Thọ (trú tại thôn Hoa Phú, xã Bình Dương) đã nhiều năm phải sống trong nỗi lo về sức khỏe. Mỗi khi người ta đốt đống rác này, cả xóm chìm trong khói bụi mùi khét lẹt, đặc quánh rất khó chịu. “Cứ một tuần hai lần vào buổi chiều, nhà nào cũng phải đóng cửa kín bưng", ông Thọ bức xúc.

Chú thích ảnh
Ông Lê Thế Thọ bức xúc chia sẻ về tình trạng ô nhiễm rác thải điện tử.

Là Bí thư Chi bộ thôn Hoa Phú, ông Lê Thế Thọ đã nhiều lần kiến nghị những bức xúc của người dân đến các cấp chính quyền của xã, huyện, nhưng những nỗ lực này vẫn dừng lại ở mức phản ánh.

Bà Trịnh Thị T. (trú tại thôn Yên Thịnh) chia sẻ thêm: “Mỗi lần đống rác cháy, hít phải mùi khói đã không thể chịu được, mùi khét tỏa vào nhà, mọi người đều mất ngủ. Người già và trẻ nhỏ nhạy cảm nên thường xuyên bị ho. Tôi cũng nghe nói trong bóng đèn tivi có nhiều chất độc hại như thuỷ ngân, nhưng không hiểu nó sẽ tác động như thế nào đến sức khoẻ”.

Khi phóng viên mang những băn khoăn của người dân đến Trạm Y tế xã Bình Dương, Bác sĩ Kim Tiến Dũng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bình Dương khẳng định: Trong nhiều năm qua, tại đây ghi nhận có sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh ung thư, viêm đường hô hấp (nhất là phụ nữ và trẻ nhỏ). Người dân cũng đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng chính quyền thờ ơ, né tránh.

"Những nơi hứng chịu khói độc nhiều nhất là các thôn: Phong Doanh, Tứ Kỳ, Hà Trì, Hoa Phú, Hoa Đà, Yên Thịnh... Bên cạnh đó, việc đốt rác điện tử còn ảnh hưởng tới các trường mầm non, tiểu học, THCS và ngay cả Trạm y tế xã Bình Dương", ông Dũng cho biết.

Là cán bộ phụ trách hồ sơ, số liệu của trạm y tế xã này, bà Đặng Thị Ánh Tuyết khẳng định, tỉ lệ người dân trên địa bàn mắc các bệnh về đường hô hấp, mà đặc biệt là bệnh ung thư tăng cao.

"Trong 3 năm trở lại đây, tính riêng trong xã Bình Dương, số người mắc và tử vong do bệnh ung thư liên quan đến đường hô hấp và tiêu hóa tăng cao so với 5 năm về trước. Con số tử vong dao động trung bình từ 18 đến 19 người/năm", bà Tuyết cho hay.

Video bà Đặng Thị Ánh Tuyết thông tin về tỷ lệ mắc ung thư tại xã Bình Dương.

Chú thích ảnh
Thống kê của Trạm Y tế xã Bình Dương về tỉ lệ số người tử vong do ung thư tại đây.

Khi được hỏi về bãi rác thải điện tự tự phát đang bốc cháy nghi ngút, ông Đặng Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Bình Dương xác nhận: Trên địa bàn xã có tồn tại điểm tập kết tự phát rác thải điện tử độc hại, với diện tích khoảng 300-400 m2.

Theo ông Đặng Quốc Việt, rác thải tại khu vực này đa phần là màn hình tivi, máy tính mà hầu hết đều qua các nguồn thu gom không chính thức, là những người thu mua đồng nát, cơ sở thu gom tự phát và được tập kết về để tái chế. "Tình trạng này đã diễn ra từ khoảng 5 năm nay, sau khi các đơn vị thu mua không còn thu mua màn hình tivi, thì một số trường hợp người dân trong và ngoài địa bàn xã đã đổ trực tiếp loại rác thải này xuống khu vực tập kết tự phát", ông Việt nói.

Cũng theo ông Việt, chính quyền xã đã nhiều lần tuyên truyền về tác hại của chất thải rắn, đặc biệt là sự nguy hại cho sức khỏe người dân và tác động tiêu cực đến môi trường đối với chất thủy ngân có trong đèn hình tivi.

Video ông Đặng Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Bình Dương chia sẻ về tình trạng ô nhiễm rác thải điện tử trên địa bàn. 

Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và được biết: “Nguồn thải từ các nhà máy sản xuất được quản lý theo quy định hoạt động sản xuất công nghiệp, còn với chất thải điện tử (từ hộ gia đình) thì chưa được kiểm soát. Dù số lượng nhỏ nhưng âm ỉ, đốt liên tục thì chắc chắn môi trường không khí xung quanh rất độc hại, không loại trừ chất độc như Dioxin và Furan vì đốt ở nhiệt độ thấp và hở nên chất độc phát tán ra ngoài. Kim loại, chất độc trong các thiết bị điện tử phát tán ra ngoài, ngấm xuống đất, ngấm xuống nguồn nước, ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước mặt, nước ngầm. Đó là điều rất nguy hiểm.

Chú thích ảnh
Bãi rác với hàng triệu mảnh màn hình tivi và linh kiện điện tử bị người dân vứt bỏ tại mương dẫn nước tưới tiêu cho hoa màu ở thôn Yên Thịnh, xã Bình Dương, tỉnh Vĩnh Phúc.
Chú thích ảnh
TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Liên quan đến vụ đốt rác thải điện tử tự phát, ngày 26/5 vừa qua, UBND huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) đã ra văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND xã Bình Dương kiểm tra, báo cáo trước ngày 29/5. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đề nghị Công an tỉnh Vĩnh Phúc vào cuộc điều tra.

Báo Tin tức sẽ thông tin đến bạn đọc sớm nhất về kết quả điều tra này.

TN/Báo Tin tức
Đề nghị công an điều tra vụ tập kết, đốt rác thải điện tử tại xã Bình Dương, tỉnh Vĩnh Phúc
Đề nghị công an điều tra vụ tập kết, đốt rác thải điện tử tại xã Bình Dương, tỉnh Vĩnh Phúc

Chánh Văn phòng UBND huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), ông Vũ Đức Kim khẳng định, huyện đã đề nghị Công an phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Vĩnh Phúc) và các cơ quan liên quan khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong vụ tập kết, đốt rác thải điện tử tại xã Bình Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN