Điều này sẽ giúp khắc phục một cách cơ bản những vướng mắc, tồn tại sẵn có, đơn giản hóa những vấn đề đang được coi là phức tạp, là rào cản khiến các ngành chức năng "bó tay" trước sai phạm.
Cùng với việc hoàn thiện thể chế, Hà Nội cần tiếp tục huy động sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu các tổ chức Đảng, mà trước hết là trực tiếp xem xét, giải quyết từng vụ việc mới có thể mang lại hiệu quả.
Biến chủ trương thành hành động cụ thể
Chỉ thị số 08 - CT/TU ngày 26/5/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn thành phố” là một chủ trương cần thiết, khẳng định sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ thành phố đối với quản lý nhà nước về trật tự xây dựng đô thị.
Thực hiện chỉ thị này và nhiều chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành các quy định, đề ra những biện pháp, lộ trình giải quyết cụ thể như: Thí điểm sắp xếp lại lực lượng thanh tra xây dựng; tổ chức các cuộc thanh tra công vụ để kiểm tra các nội dung kiến nghị được cử tri, báo chí nêu; tiếp nhận ý kiến, khiếu nại của người dân, trên cơ sở đó tiến hành thực hiện nhiều kết luận thanh tra; tổ chức kiểm tra và rà soát, thống kê tất cả vi phạm còn tồn tại trên địa bàn...
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, trước đây, để xử lý công trình tồn đọng, các quận, huyện mới chỉ báo cáo về hành vi vi phạm, chưa nêu cụ thể tình trạng xây dựng của từng trường hợp. Vì vậy, Sở đã cử đoàn kiểm tra trực tiếp rà soát hồ sơ, đánh giá rõ từng vụ việc về quy mô vi phạm, hiện trạng thực tế.
Trên cơ sở đó, hướng dẫn các quận, huyện căn cứ quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng để xem xét, xử lý từng trường hợp. Công trình nào phù hợp quy hoạch, đủ điều kiện tồn tại thì tổ chức họp xin ý kiến của liên ngành, thống nhất biện pháp xử lý, báo cáo thành phố xem xét quyết định; nếu không sẽ kiên quyết tổ chức cưỡng chế, xử lý dứt điểm.
Tại quận Hai Bà Trưng, Chủ tịch UBND quận Vũ Đại Phong cho biết, cùng với việc chỉ đạo Đảng ủy các phường kiểm điểm thật sâu trong việc buông lỏng quản lý, đặc biệt là thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND phường khi để xảy ra vi phạm, được sự hướng dẫn và phối hợp của các ngành, các vi phạm tồn đọng trên địa bàn đã từng bước được tháo gỡ. Cụ thể, 2 công trình nhà ở riêng lẻ (107 phố Thanh Nhàn, 823 phố Bạch Đằng), dù đã có quyết định cưỡng chế nhưng nhờ sự kiên trì vận động, chủ đầu tư đã tự tháo dỡ các hạng mục vi phạm.
Tại quận Hoàn Kiếm, một số vi phạm tồn đọng cũng được tập trung xử lý kiên quyết. Chủ tịch UBND quận đã phân công một Phó Chủ tịch phụ trách hàng tháng phải tổ chức họp với các phường và Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị để kiểm điểm, đánh giá kỹ từng vụ việc.
Đến nay, các công trình vi phạm tại 54 - 84 Thợ Nhuộm, 128 - 130 Hàng Bông, 43 - 45 - 47 Hàng Đồng…, đã được lên phương án cưỡng chế. Đối với các công trình có khiếu kiện, quận đã xây dựng lại phương án cưỡng chế sau khi làm rõ các vướng mắc...
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội, sau khi có Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, trong năm 2018, Đoàn kiểm tra công vụ thành phố đã đôn đốc thực hiện 111 chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về các vấn đề cụ thể được dư luận báo chí quan tâm, trong đó có 45 vụ việc liên quan trực tiếp đến quản lý trật tự xây dựng.
Và trong năm qua, UBND thành phố Hà Nội đã đôn đốc Thanh tra thành phố có công bố kết luận đối với những vi phạm nghiêm trọng tại rừng Sóc Sơn để UBND huyện Sóc Sơn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng xử lý dứt điểm các vi phạm kéo dài...
Không để "trên nóng, dưới lạnh"
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng “lỗi hẹn” thời gian theo tiến độ. Để các vi phạm không còn "treo" và đặc biệt không để phát sinh vi phạm mới, UBND thành phố Hà Nội cần có nhiều giải pháp mạnh hơn và đồng bộ hơn nữa. Trường hợp các công trình do chủ doanh nghiệp vi phạm, nếu chủ đầu tư không khẩn trương khắc phục, thành phố phải cương quyết không cấp phép đầu tư các dự án mới.
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị, trước hết, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 08 - CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, yêu cầu sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành; gắn trách nhiệm với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc giám sát, đôn đốc thực hiện; trong đó, phải chú trọng tăng cường và xem xét trách nhiệm các Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng và thanh tra xây dựng.
Đối với nhóm vi phạm trật tự xây dựng tại các dự án, khu đô thị mới, UBND thành phố Hà Nội cần có giải pháp chỉ đạo nghiêm vì hiện nay giữa chính quyền địa phương và chủ đầu tư không rõ ràng trách nhiệm quản lý, dẫn đến hoàn toàn xây dựng tự do. "Chủ đầu tư không quản lý, phường xã thì bảo chưa được bàn giao nên nếu không có chỉ đạo trực tiếp thì sẽ lại bức xúc", bà Ngọc nhận định.
Riêng với các cấp ủy, phải đổi mới công tác tuyên truyền tới nhân dân, từ nhân dân để phát hiện những công trình vi phạm nhằm xử lý ngay từ đầu và nghiêm túc xử lý người không chấp hành.
Cùng với đó, Thành ủy chỉ đạo các ban đảng phối hợp với HĐND thành phố kiểm tra những cơ sở đảng, tổ chức cố tình không thực hiện nhiệm vụ hoặc chậm trễ, kéo dài, cố tình để vi phạm mới xảy ra; theo đó, Ban Nội chính, Uỷ ban kiểm tra Thành ủy cùng HĐND thành phố giám sát, kiểm tra.
Theo kế hoạch, HĐND thành phố Hà Nội sẽ có chuyên đề riêng để tiếp xúc cử tri và kiểm tra, giám sát lại hoạt động của các Đội Quản lý trật tự xây dựng.
Luật hóa chế tài xử lý
Xuất phát từ thực tế quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, Hà Nội cho rằng, điều quan trọng là cần luật hóa chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với các chủ đầu tư và cá nhân để xảy ra vi phạm.
Vì vậy, Hà Nội kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra năm 2010 theo hướng tổ chức Thanh tra chuyên ngành xây dựng 3 cấp tại các đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để nâng cao hiệu quả quản lý.
Đồng thời, xem xét sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về việc cấp giấy phép xây dựng đối với các nhà ở riêng lẻ ở nông thôn theo hướng chỉ quy định việc miễn phép xây dựng đối với các nhà ở riêng lẻ ở nông thôn tại khu vực chưa có quy hoạch xây dựng và quy hoạch nông thôn được phê duyệt.
Mặt khác, Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2017/NĐ - CP theo hướng giảm mức phạt đối với một số hành vi vi phạm phổ biến như sai quy hoạch, lấn chiếm không gian… để việc xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện, đảm bảo tính kịp thời, tăng tính chủ động cho chính quyền cơ sở, hạn chế việc chuyển hồ sơ tới Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng…
Về những bất cập trong xử lý vi phạm tồn đọng trên đất nông nghiệp, đất công ích và đất rừng, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, mặc dù sau 1/1/2018 đã có Nghị định 139/2017/NĐ - CP của Chính phủ, thay thế 2 Nghị định 121 và 180/NĐ - CP nhưng trên thực tế các quận, huyện vẫn thực hiện theo 2 Nghị định cũ.
"Nếu chỉ hạ độ cao công trình và vẫn để chủ vi phạm "ngồi đó" thì đến năm sau vi phạm vẫn y nguyên. Song, nếu vẫn áp dụng theo 2 Nghị định 121 và 180/NĐ - CP thì không thể giải quyết được dứt điểm vi phạm", ông Dục khẳng định.
Để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội cho biết, căn cứ Luật Thủ đô, nhiều lần HĐND thành phố đề xuất tăng mức xử phạt và giờ là thời điểm cần làm. Đề nghị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giao các ngành chuẩn bị, HĐND thành phố sẽ thông qua mức xử phạt đủ mạnh để “răn đe” các đối tượng vi phạm.
Sai phạm này chưa xử lý xong đã "mọc" ra sai phạm khác. Đã đến lúc Hà Nội cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt và khả thi hơn để chấm dứt những “cục nợ” sai phạm trật tự xây dựng trên địa bàn