Cầu Rạch Chiếc năm xưa. Ảnh tư liệu
Bài 1: Nhớ về trận đánh lịch sử tại cầu Rạch Chiếc
Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975 có nhiều trận đánh đã đi vào lịch sử dân tộc. Trong đó, có một trận đánh mang tên Trận đánh cầu Rạch Chiếc ở cửa ngõ Đông Bắc. Tại đây, các chiến sỹ đặc công biệt động của các đơn vị Z23, Z22 và D81, Lữ đoàn 316 chiến đấu anh dũng để chiếm giữ, đón đại quân tiến vào trung tâm thành phố.
Chấp nhận hy sinh
Cứ vào dịp tháng 4 hằng năm, Đại tá tình báo, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang) lại tất bật với nhiều hoạt động đoàn thể, trở thành nhân vật quan trọng của nhiều cuộc họp mặt nhân dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước. Ở tuổi 98, tuy mắt đã mờ, chân tay không còn linh hoạt như thời thanh xuân trai trẻ, nhưng tâm trí của người sĩ quan tình báo vẫn rất minh mẫn. Khi được hỏi về kỷ niệm của những tháng năm khói lửa, ông Tư Cang bồi hồi nhớ về những "từ khóa" của cuộc đời mình: “Cụm trưởng cụm tình báo H63”, “Trận đánh cầu Rạch Chiếc”, “nước mắt ngày gặp lại”…
Đại tá Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang), nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316 Đặc công - Biệt động.
Theo ông Tư Cang, trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, cầu Rạch Chiếc đóng vai trò vô cùng quan trọng, là cửa ngõ then chốt để quân ta tiến vào. Ông Tư Cang đã có những đóng góp to lớn trong trận đánh cầu Rạch Chiếc, góp phần làm nên chiến thắng vang dội.
Ông Tư Cang, nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316 (Lữ đoàn Đặc công - Biệt động) cho biết, trận đánh cầu Rạch Chiếc diễn ra rất quyết liệt do nằm ở gần Sài Gòn; quân địch tập trung lực lượng và vũ khí đông, cả trên không, dưới nước… Đây là trận đánh quyết liệt nhất của Lữ đoàn 316 kể từ khi thành lập hồi tháng 3/1974. Sự hy sinh anh dũng đó đã đánh đổi lại kết quả là cầu Rạch Chiếc được giữ nguyên, chào đón 2 cánh quân (trong tổng số 5 cánh quân) tiến vào trung tâm Sài Gòn, góp phần cho chiến dịch nhanh chóng giành thắng lợi, giữ được gần như nguyên vẹn thành phố Sài Gòn.
"Tinh thần của bộ đội ta là giao nhiệm vụ gì cũng phải hoàn thành, dù có phải hy sinh. Khi trên giao nhiệm vụ chiếm và giữ cầu Rạch Chiếc, chúng tôi phải chấp nhận hy sinh để làm tròn nhiệm vụ. Việc chiếm cầu rất nhanh, nhưng để giữ cầu thì kéo dài từ 2 đến 3 ngày. Anh em chiến đấu rất dũng cảm, nhưng cuối cùng vẫn phải chấp nhận hy sinh", ông Tư Cang chia sẻ.
Ông Tư Cang nhớ lại: "Đêm 27/4/1975, bầu không khí tại Sài Gòn căng thẳng tột độ. Trận chiến quyết định đã đến hồi gay cấn. Cầu Rạch Chiếc trở thành mục tiêu tấn công trọng điểm của quân ta. Lữ đoàn đặc công biệt động 316 do tôi làm Chính ủy đã dũng cảm vượt sông, tấn công cầu Rạch Chiếc. Tôi đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy các chiến sĩ, động viên tinh thần và đưa ra những quyết định sáng suốt, kịp thời. Trận đánh tại cầu Rạch Chiếc là trận đánh gần Sài Gòn nhất, tạo bàn đạp cho các đơn vị quân đội chủ lực tiến vào nội đô, góp phần quyết định dẫn tới ngày thống nhất đất nước. Để chiếm được cầu, tất cả các đơn vị Z23, Z22 (đại đội đặc công nước) và Tiểu đoàn 81 (D81, đặc công khô) thuộc Lữ đoàn 316, Bộ Tham mưu Miền đều tham gia. Sau khi trinh sát, các đơn vị đã thống nhất bắt đầu đánh chiếm cầu vào ngày 27/4/1975. Trước đó, tối 26/4, các đơn vị đã tập hợp, bàn bạc và thống nhất chọn phương án đánh cường tập, dùng B40 - B41 tiêu diệt các hỏa điểm chủ yếu của địch".
Người bắn phát B40 đầu tiên
Ông Nguyễn Đức Thọ, Trung úy Z23, Lữ đoàn Đặc công - Biệt động 316, vẫn không thể quên ký ức ngày đánh cầu Rạch Chiếc. Ông cũng chính là người đã bắn phát B40 đầu tiên, mở màn cho trận đánh. Trung úy Nguyễn Đức Thọ sinh năm 1955 tại xã Quảng Yên (Quảng Xương, Thanh Hóa). Năm 1972, ông tình nguyện xung phong nhập ngũ bằng huyết thư và được tuyển vào bộ đội đặc công thủy, tham gia khóa huấn luyện đặc biệt do bộ đội hải quân tổ chức. Khóa huấn luyện kéo dài một năm tại các vùng biển đảo Cát Hải (Hải Phòng) và Quảng Ninh.
Năm 1973, đơn vị của ông được lệnh hành quân theo đường Trường Sơn vào Bộ Tổng Tham mưu Trung ương Cục miền Nam tại căn cứ địa Tây Ninh. Tại đây, ông được phân công về đơn vị Z23 thuộc Lữ đoàn đặc công biệt động 316, trực thuộc Bộ Tổng tham mưu Miền.
Trung úy Nguyễn Đức Thọ, người bắn phát B40 mở đầu trận đánh chiếm giữ cầu Rạch Chiếc năm xưa.
Ông Nguyễn Đức Thọ xúc động kể: "Tháng 4/1975, sau khi thất bại tại Xuân Lộc, địch co cụm về Sài Gòn tử thủ. Lúc này, cầu Rạch Chiếc - cửa ngõ phía Đông vào Sài Gòn - được chính quyền Sài Gòn tăng cường hàng nghìn quân cùng nhiều vũ khí hiện đại để giữ cầu, thậm chí sẵn sàng đánh sập để ngăn quân ta tiến vào Sài Gòn".
Sau khi nhận lệnh chuẩn bị đánh chiếm giữ cầu Rạch Chiếc từ cấp trên, tất cả anh em trong đội D81, Z22, Z23 đã vào vị trí. Sáng 27/4, các đơn vị tham gia đánh chiếm cầu đã được trang bị đầy đủ vũ khí là B40 - 41, thủ pháo, lựu đạn… để bước vào trận chiến. Tuy nhiên, phải đến 17 giờ ngày 27/4, đồng chí Tư Thinh hạ lệnh chiến đấu. D81 được phân đánh chiếm giữ đầu cầu phía Nam (hướng Sài Gòn ra), Z22 - Z23 đánh đầu cầu phía Bắc (hướng Thủ Đức vào).
"Giờ G tới, tôi được phân công bắn phát B40 đầu tiên để tiêu diệt tháp canh, nhưng rất tiếc, phát đạn lại hụt mục tiêu. Ngay lúc đó, thượng sĩ Trần Đình Lạc hô: "Bắn tiếp Thọ ơi". Tôi đứng thẳng dậy, bắn tiếp quả thứ hai và làm một góc tháp canh sụp đổ, khẩu đại liên im bặt. Lúc này, các mũi tấn công của ta đồng loạt dùng thủ pháo, lựu đạn ném vào lô cốt, công sự khiến đối phương bất ngờ và bỏ chạy", ông Thọ nhớ lại.
Ông Thọ kể tiếp: "Sau khi bị đánh bất ngờ, bọn địch chốt cầu phải dùng xuồng rút chạy, nhưng chúng vẫn ngoan cố liên tục bắn trả vào khu vực xung quanh cầu. Đến rạng sáng 28/4, quân ta thiếu đạn, địch tập trung lực lượng phản kích quyết liệt. Các chiến sĩ đặc công anh dũng bám trụ bảo vệ cầu, ngâm mình trong bùn nước, đói rét, mệt lả. Nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh. Suốt 3 ngày đêm, quân ta không rời trận địa, đánh bật nhiều đợt phản kích của quân thù. Đến sáng 30/4/1975, khi các đơn vị của ta vượt qua cầu tiến về Sài Gòn, Lữ đoàn 316 mới hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ cầu Rạch Chiếc".
Ông Tư Cang và ông Nguyễn Đức Thọ trong một lần trở lại cầu Rạch Chiếc. Ảnh: NVCC cung cấp
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cứ gần đến ngày 30/4 lịch sử, những anh em còn lại của Z23, Z22 và người thân của các liệt sĩ lại cùng nhau làm lễ tưởng niệm, thả hoa đăng để tưởng nhớ anh linh các chiến sĩ. Đại tá Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang) chia sẻ: "Trong trận giằng co ác liệt đó, 52 cán bộ, chiến sĩ của lữ đoàn đã anh dũng hy sinh, nhưng đến nay mới chỉ tìm được hài cốt của 9 người, số còn lại đã hòa vào cùng với sông nước Rạch Chiếc. Sau chiến tranh, đơn vị và địa phương đã lập bia thờ. Để tiếp tục ghi tạc công lao của các liệt sĩ và thiết thực giáo dục truyền thống anh hùng, bất khuất cho lớp trẻ, cuối năm 2015, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh quyết định xây dựng công trình bia tưởng niệm trang nghiêm trên diện tích 12.000m2, thỏa lòng đồng đội và thân nhân các liệt sĩ".
Ngày nay, cầu Rạch Chiếc đã được tu sửa, nâng cấp, trở thành tuyến giao thông quan trọng kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh liên vùng. Dưới chân cầu, mặt nước yên ả, tàu thuyền xuôi ngược mưu sinh. Nhưng 50 năm trước, chính trong những ngày này, nơi đây từng sục sôi lửa đạn, ghi dấu tích oai hùng của những chiến sĩ đặc công, góp phần vào chiến thắng vĩ đại, thu non sông về một mối.
Bài cuối: Vượt khó kiến thiết lại Thành phố