Liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng đặc dụng tại xã Pá Khoang, Điện Biên

Rừng đặc dụng thuộc bản Đông Mệt, xã Pá Khoang, huyện Điện Biên liên tiếp bị tàn phá, với tổng diện tích lên đến hơn 8.310 m2.

Những thân cây mới bị chặt vẫn còn nhựa chảy ra. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Theo quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, rừng đặc dụng Mường Phăng có diện tích hơn 4.400 ha thuộc 2 xã Mường Phăng và Pá Khoang (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên).

Theo quy hoạch: Rừng đặc dụng Mường Phăng, ngoài khu rừng tự nhiên nguyên sinh còn có rừng phục hồi sau khai thác, đến nay trạng thái cây rừng đã có rừng đạt tới trạng thái loại 3 và có những hệ thống thực vật phục hồi rất tốt. Đặc trưng chủ yếu ở đây là các loại cây dẻ, tô hạp Điện Biên, cây vối thuốc và một số cây lá rộng, phân bố ở độ cao trên 900 mét so với mực nước biển.

Từ giữa tháng 7/2017 đến nay, tại diện tích rừng đặc dụng thuộc bản Đông Mệt, xã Pá Khoang, huyện Điện Biên liên tiếp xảy ra những vụ phá rừng với tổng diện tích hơn 8.310 m2 rừng đặc dụng bị phá.

Trong khi các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, xác minh, củng cố hồ sơ xử lý hai điểm phá rừng với tổng diện tích hơn 6.520 m2 tại các lô l, k thuộc khoảnh 4, tiểu khu 717b, trạng thái rừng IIb, quy hoạch đặc dụng, mức độ thiệt hại 80%, bị chặt phá từ ngày 15/7 đến ngày 4/8/2017, thì vào ngày 27/9, Ban Quản lý rừng Di tích và Cảnh quan môi trường Mường Phăng lại phát hiện thêm một vụ phá rừng mới, liền kề với vị trí diện tích 2.260 m2 bị phá trước đó.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, diện tích rừng bị phá mới là 1.790 m2, trạng thái rừng IIb. Người trực tiếp chỉ đạo cả hai vụ phá rừng với tổng diện tích hơn 8.310 m2 là ông Trần Lệ (Công ty Cổ phần Hoa Anh Đào); những diện tích rừng bị chặt phá này chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép ông Trần Lệ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng sang mục đích khác.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, nguyên nhân dẫn đến các vụ phá rừng đặc dụng xảy ra tại bản Đông Mệt, xã Pá Khoang là do nhận thức chưa đúng của ông Trần Lệ về các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ rừng và nhận thức chưa đúng về chủ trương của UBND tỉnh Điện Biên tổ chức sự kiện hoa Anh đào và lập dự án trồng hoa Anh đào phục vụ phát triển du lịch tỉnh Điện Biên tại Công văn số 1947/UBND-KGVX (ngày 12/7/2017) của tỉnh Điện Biên; mặt khác do ý chí chủ quan, cố tình thực hiện hành vi đến cùng của ông Trần Lệ.

Cùng với đó, khu vực xảy ra phá rừng nằm xa dân cư, địa hình phức tạp, đường sá đi lại rất khó khăn; hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng của cộng đồng khoán bảo vệ rừng, của chủ rừng, của lực lượng kiểm lâm địa bàn và chính quyền xã Pá Khoang chưa được thường xuyên, khi phát hiện thì biện pháp ngăn chặn chưa hiệu quả.

Lực lượng chức năng kiểm tra diện tích rừng mới bị chặt phá. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Theo ông Nguyễn Việt Cường, Giám đốc Ban Quản lý rừng Di tích và Cảnh quan môi trường Mường Phăng, trong vụ phá rừng lần thứ nhất với diện tích hơn 6.520 m2 rừng đặc dụng tại khoảnh 4, tiểu khu 717b bị chặt phá, xảy ra từ ngày 15/7 đến 4/8/2017 thì phải một tuần sau đơn vị mới phát hiện ra sự việc.

Ông Cường giải thích là do đường sá mùa mưa, thời điểm xảy ra vụ việc đơn vị đã cử anh em đi tập huấn hết.

Đến ngày 26/7/2017 Ban Quản lý rừng di tích và Cảnh quan môi trường Mường Phăng mới có Công văn số 78/BQL-KHKT gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên. Trong báo cáo này, Ban quản lý cho biết ông Trần Lệ thuê người để phá rừng với diện tích gần 4.600 m2.

Liên quan đến vụ phá rừng đặc dụng lần 2 với diện tích 1.790 m2 (Ban quản lý rừng di tích và Cảnh quan môi trường Mường Phăng phát hiện vào ngày 27/9/2017), chiều ngày 29/9, các cơ quan chức năng cùng lực lượng kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên đã tiến hành kiểm đếm, lập biên bản hiện trường sự việc này.

Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường vào ngày 29/9, tại điểm có diện tích 1.790 m2 rừng bị tàn phá trong vụ thứ 2 này là cảnh tan hoang, cành cây khô vẫn nằm ngổn ngang, phần thân cây chủ yếu đã được vận xuất khỏi hiện trường. Kiểm đếm sơ bộ, đã có hơn 70 gốc cây đường kính hàng chục cm đã bị cưa sát gốc, vết cắt có dấu hiệu sử dụng cưa xăng hạ cây.

Các thân cây bị chặt vẫn chưa được chuyển đi. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, việc phá rừng ở rừng đặc dụng Pá Khoang là hành vi có nhiều tình tiết tăng nặng, cố ý phá rừng đặc dụng trái pháp luật, thách thức cơ quan bảo vệ rừng.

Trước sự việc này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên đã đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Điện Biên xem xét và xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên xử lý vụ việc theo phương án truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại rừng theo quy định; đồng thời giao cho UBND huyện Điện Biên chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật.

Hải An - Tuấn Anh - Xuân Tư (TTXVN)
Kiên quyết xử lý đối tượng chủ mưu vụ phá rừng quy mô lớn tại Bình Định
Kiên quyết xử lý đối tượng chủ mưu vụ phá rừng quy mô lớn tại Bình Định

Ngày 29/9, tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng và triển khai nhiệm vụ quý IV/2017 của UBND tỉnh Bình Định, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã chỉ đạo: Kiên quyết tìm ra đối tượng chủ mưu trong vụ tàn phá rừng lớn nhất từ trước tới nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN