Rừng thuộc lâm phần do HTX Hợp Tiến Đắk Nông) quản lý bị phá trắng, đốt trụi để lấy đất sản xuất. Ảnh: TTXVN phát |
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Đắk Nông Đoàn Văn Quỳnh, người bị khởi tố bị can về hành vi hủy hoại rừng là ông Phạm Xuân Sang, nguyên Đội trưởng Đội phòng chống khủng bố, Phòng PA83 (Công an tỉnh Đắk Nông); buộc thôi việc đối với ông Nguyễn Văn Khoa, Kiểm lâm địa bàn xã Đắk Ha, huyện Đắk G’long.
Sau khi nghiên cứu báo cáo của các cơ quan, đơn vị về hình thức kiểm điểm, kỷ luật các cá nhân có liên quan và đối chiếu theo các quy định của pháp luật, quy định tại Quyết định số 44/2016/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND tỉnh về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của chủ rừng, các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, Sở Nội vụ đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương xét lại hình thức kỷ luật theo hướng tăng nặng đối với 7 cán bộ, công chức, viên chức. Nguyên nhân là hình thức kỷ luật còn nhẹ so với trách nhiệm và mức độ vi phạm.
Trong số các cán bộ bị đề nghị tăng nặng hình thức kỷ luật có nhiều cán bộ là người đứng đầu các đơn vị, địa phương để xảy ra các vụ phá rừng lớn nhưng chỉ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Cụ thể như ông Nguyễn Đình Dân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song với vai trò, trách nhiệm là người đứng đầu lực lượng Kiểm lâm huyện được phân công phụ trách quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, nhưng đã để xảy ra các vụ phá rừng với diện tích lớn (48,6ha) nên phải chịu trách nhiệm và xử lý trách nhiệm theo quy định.
Hay ông Đỗ Ngọc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long, được giao thực hiện trách nhiệm quản lý rừng, bảo vệ rừng đối với các diện tích rừng nằm trên địa giới hành chính của xã nhưng để xảy ra vụ phá rừng với diện tích 46,08ha nên phải chịu trách nhiệm và xử lý kỷ luật…
Từ đầu năm đến nay, tình hình phá rừng và vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng tại tỉnh Đắk Nông diễn biến rất phức tạp. Trên địa bàn xảy ra 247 vụ phá rừng (tăng 42% số vụ), làm thiệt hại khoảng 240 ha rừng (tăng 117% diện tích) so với cùng kỳ năm 2016.
Ngoài những nguyên nhân do cơ chế, chính sách thì sự buông lỏng quản lý, thậm chí tiếp tay của cán bộ cũng làm cho tình hình phá rừng ở Đắk Nông càng nghiêm trọng.