Anh Lê Văn Hồ tiếp gia đình người nghiện tại điểm tư vấn - sinh hoạt cộng đồng. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Nhiều người nghiện đã từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời nhờ sự hỗ trợ, động viên, chia sẻ của anh Lê Văn Hồ.
Dìu người nghiện ma túy bước qua bóng tối
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, năm 2010, anh Lê Văn Hồ được giao nhiệm vụ hỗ trợ người nghiện ma túy trên địa bàn phường 8, Quận 4.
Anh Hồ chia sẻ: Những ngày đầu vô cùng khó khăn bởi người nghiện ma túy và gia đình họ không tin tưởng, thậm chí né tránh. Một số người còn sợ bị “vòi vĩnh”, khiến việc tiếp cận đối tượng nghiện ma túy rất khó khăn. Trong khi đó, địa bàn phường 8 nói riêng và Quận 4 nói chung từ lâu là một trong những “điểm nóng” của thành phố với nhiều người nghiện ma túy, thậm chí có người nghiện từ trước năm 1975 đến nay. Những người nghiện này đa số không có công việc ổn định, kinh tế khó khăn. Cứ thế, những xóm nghèo trong phường hình thành và kéo dài dai dẳng hàng chục năm.
Với quyết tâm làm sạch môi trường sống, xóa tan bóng đen “cái chết trắng” ám ảnh người dân nơi đây, anh Lê Văn Hồ đã đến từng nhà, tiếp cận từng người nghiện, động viên, giải thích và hỗ trợ họ giải quyết vướng mắc trong cuộc sống.
Anh Lê Văn Hồ trong buổi sinh hoạt cộng đồng với những người sau cai nghiện và người tình nguyện viên. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Thời gian ấy, anh Hồ là chân “chạy việc” cho bà con nơi đây. Ai thiếu giấy tờ tùy thân được anh hỗ trợ làm giúp, ai không có thẻ bảo hiểm y tế anh tìm cách hỗ trợ, thậm chí, anh bỏ tiền để cho người người nghiện nghèo được uống thuốc Methadone… Như những “cơn mưa dầm thấm lâu”, dần dần anh Hồ được cộng đồng người nghiện ma túy và gia đình họ yêu mến, bắt đầu cởi mở, tin tưởng hơn. Tiếp cận để họ tin tưởng chỉ là bước đầu, quan trọng nhất là phải xốc được tinh thần, khơi quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy của người nghiện. Việc này vô cùng khó khăn bởi cám dỗ từ ma túy rất lớn, anh Hồ chia sẻ.
Từng bước một, trong 8 năm đảm trách nhiệm vụ, anh Lê Văn Hồ đã “dìu” được gần 100 người bước qua bóng tối, từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời. Đặc biệt, trong số đó có 47 người đã đoạn tuyệt với ma túy trên 3 năm. Đây là những con số ấn tượng đối với một người làm công tác vận động phòng chống ma túy.
Khi được hỏi về bí quyết, anh Hồ cười vui vẻ nói: “Thật ra chẳng có bí quyết gì đâu, cốt yếu là ở sự chân thành. Những người nghiện ma túy họ rất nhạy cảm, chỉ cần nhìn thái độ của mình là họ biết mình có thật tâm với họ hay không”.
Làm đổi thay xóm nghèo Qua tiếp xúc thường xuyên, anh Lê Văn Hồ nhận thấy, mỗi người dính vào ma túy có một hoàn cảnh riêng nhưng điểm chung sau khi lầm đường lỡ bước là sự tự ti, mặc cảm. Họ trở nên yếu đuối và dễ bị tác động từ cách ứng xử, lời nói hay cái nhìn không thiện cảm của xã hội. Chính những điều này đã góp phần đẩy họ rơi vào vòng luẩn quẩn, không thoát ra khỏi được ma túy. Anh Lê Văn Hồ luôn trăn trở làm sao phải thay đổi quan niệm của xã hội đối với người nghiện ma túy, giúp họ dễ dàng tiếp cận dịch vụ hỗ trợ, tư vấn tâm lý, cai nghiện... và quan trọng nhất, làm sao để họ có một công việc ổn định, từ đó tạo động lực thoát khỏi “vũng lầy” ma túy.
Anh Lê Văn Hồ, cán bộ làm công tác Lao động, Thương binh và Xã hội Phường 8, Quận 4 hướng dẫn nghề thanh niên sau cai dán decal xe. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Nghĩ là làm, năm 2014, anh Lê Văn Hồ bắt đầu tìm cách tạo việc làm cho người sau cai nghiện để giúp họ làm lại cuộc đời, không quay lại với ma túy. Anh liên hệ với nhiều đơn vị, thuyết phục họ nhận người nghiện ma túy vào làm việc. “Mỗi lần nhận được cái gật đầu đồng ý của các cơ sở nhận người nghiện ma túy vào làm việc, tôi mừng rơi nước mắt”, anh Lê Văn Hồ tâm sự.
Vừa xong đợt điều trị cai nghiện ma túy tập trung trở về địa phương cai nghiện bằng chất thay thế Methadone, em Đào Tòng Bá (22 tuổi) được anh Lê Văn Hồ hỗ trợ học nghề dán decal cho biết: Từ khi có việc làm, em không còn thời gian để nghĩ đến ma túy. Trượt dài trong ma túy khi còn quá trẻ, cuộc đời em tưởng như bế tắc vì nhiều lần cai nghiện rồi tái nghiện. Khi gặp anh Hồ, em được hướng dẫn đưa đi cai nghiện và giới thiệu học nghề. Học xong nghề, anh Hồ còn sắp xếp chỗ làm để em có thể mưu sinh, quên đi cám dỗ.
Cứ như thế, anh Lê Văn Hồ trở thành một người anh, người thân, điểm tựa cho cộng đồng những người đã từng sử dụng ma túy tại địa phương. Thực tế, nhiều người sau cai nghiện đã được anh Hồ hỗ trợ, giới thiệu việc làm. Có việc làm, thoát khỏi ma túy, cuộc sống nơi những xóm nghèo ảm đạm trước kia cũng dần hồi sinh.
Cảm kích trước sự chân thành của anh Hồ, nhiều người đã thoát khỏi ma túy quay trở lại trợ giúp anh trong công tác vận động, hỗ trợ người nghiện ma túy làm lại cuộc đời. Trường hợp của anh Nguyễn Thanh Vũ là một điển hình. Sau khi được anh Hồ hỗ trợ cai nghiện thành công, anh đã đồng hành cùng anh Hồ, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn, hỗ trợ người nghiện từ bỏ ma túy trở về với cuộc sống đời thường.
Nhiệt tình, yêu công việc, không ngại khó khăn và chân thành là những lời nhận xét của ông Nguyễn Huy Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường 8, Quận 4 khi nói về anh Lê Văn Hồ. Ông Phong cho biết: Chính anh Hồ đã tham mưu Ủy ban nhân dân phường thành lập tổ mô hình điểm tư vấn chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng và đến nay đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp giảm đáng kể tỷ lệ người nghiện ma túy trong cộng đồng.
Đến thăm điểm tư vấn do anh Lê Văn Hồ phụ trách, người ta không khỏi ngạc nhiên bởi dù đơn sơ nhưng lại là nơi mà những người đã từng sử dụng ma túy thường xuyên lui tới. Có nhiều người coi đây là ngôi nhà thứ 2 của mình bởi họ cảm nhận được sự quan tâm, sẻ chia từ anh Hồ và người cùng cảnh ngộ.