Thông tin từ Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho thấy số người nghiện ngày càng trẻ hóa. |
Ngày 27/6, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức hội thảo đánh giá công tác thi hành pháp luật về cai nghiện ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008.
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: Việc sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội và sự phát triển giống nòi. Vấn đề này đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp, khó kiểm soát; ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy mới, trong đó có những chất mà ngay sử dụng lần đầu tiên đã có thể dẫn đến hoang tưởng, ảo giác, mất khả năng kiểm soát hành vi, có thể tự sát, giết người.
Theo Cục phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH), tính đến cuối năm 2017, có trên 222.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó gần 50% có sử dụng Amphetamine (ATS) và chất hướng thần. Đặc biệt, theo khảo sát Bộ LĐTBXH, tại một số địa phương, từ năm 2016 tỷ lệ sử dụng ATS và chất hướng thần mới phát hiện tăng cao. Các tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Đà Nẵng, Trà Vinh có trên 80% sử dụng ATS và chất hướng thần. Ngoài ma túy truyền thống và ATS, thì các loại ma túy khác như: cần sa, “cỏ Mỹ”... xuất hiện ngày càng nhiều.
Điều đáng nói, hiện gần 2/3 thanh niên nghiện ma túy không có việc làm hoặc có việc làm, nhưng không ổn định. Đây là bài toán nan giải trong trong việc giải quyết tình trạng nghiện và giải quyết việc làm cho thanh niên trong bối cảnh dư thừa lao động hiện nay.
Theo Cơ quan Phòng, chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp quốc thì vấn đề lạm dụng ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, số người sử dụng chất kích thích dạng Amphetamine (ATS), chất hướng thần, gây ảo giác đang gia tăng mạnh, đặc biệt tại khu vực Châu Á.
Tại Việt Nam hiện nay chưa có thống kê toàn quốc về người sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, kết quả điều tra xã hội năm 2017 của Tổng cục Thống kê tại 6 tỉnh, thành phố cho thấy: Tỷ lệ người sử dụng trái phép chất ma túy là khoảng 0,66% dân số trong độ tuổi điều tra (từ 15 tuổi đến 64 tuổi); 8% sử dụng ma túy lần đầu dưới 18 tuổi, 60% số người sử dụng ma túy lần đầu dưới 25 tuổi.
“Kết quả này được điều tra tại 6 tỉnh, thành phố nên không phải là con số đại diện cho cả nước, nhưng cũng phản ánh tương đối chính xác tình hình của cả nước hiện nay” ông Lê Văn Khánh, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết.
Với vai trò trực tiếp điều tra các vụ án liên quan đến tội phạm ma túy, đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm ma túy cho biết, số người nghiện ma túy gia tăng theo từng năm và có nhiều diễn biến phức tạp, tỷ lệ tái nghiện rất cao với trên 90%, trong khi tỷ lệ cai thành công rất thấp, chỉ đạt khoảng 5%.
Để phòng chống ma túy hiệu quả, ông Vũ Văn Hậu cho rằng: "Gốc rễ của vấn đề phòng chống ma túy là phải giảm trên cả ba tiêu chí là giảm cung, giảm cầu và giảm hại. Cốt lõi là ngăn chặn sự gia tăng, từng bước làm giảm người nghiện, nhất là tình trạng người nghiện đang trẻ hóa".
Tuy nhiên, theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, rào cản lớn nhất hiện nay là đa số các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp không sẵn sàng tiếp nhận người sau cai nghiện. Vốn có hoàn cảnh khó khăn, không nghề nghiệp và việc làm lại nghiện ma túy nên họ ít có cơ hội phát triển, đa số phải kiếm sống bằng công việc nhạy cảm, nguy cơ tái nghiện rất cao.
Bên cạnh đó, theo đại diện các tổ chức chính phủ, địa phương, nhiều quy định của Luật PCMT và các luật có liên quan chưa cụ thể, không rõ ràng, nhiều nội dung phải luật định thì lại được quy định ở văn bản dưới luật, dẫn đến không phù hợp về thể thức, thẩm quyền nên hiệu lực không cao. Do đó, theo bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, đây là thời điểm mà các Bộ và các địa phương cần chuẩn bị các nội dung tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy.