Ngày Toàn dân phòng, chống ma túy 26/6:

Nghiện ma túy tổng hợp khó cai và gây hậu quả khôn lường

Người nghiện ma túy tổng hợp ngày càng nhiều và không ít người đã trở thành bệnh nhân tâm thần vì sử dụng lâu ngày.

Một đối tượng nghiện ma túy đang điều trị tại Cơ sở điều trị Methadone. Ảnh: TTXVN

Nhiều bạn trẻ nghĩ rằng các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần thường được gọi với tên "lóng" là: đá, thuốc lắc, viên nữ hoàng, ngọc điên, cỏ Mỹ... không gây nghiện, mức độ lệ thuộc không cao như ma túy truyền thống (heroin, thuốc phiện). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là quan niệm sai lầm, dẫn đến tình trạng sử dụng, lạm dụng ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng, đặc biệt có xu hướng trẻ hóa, từ đó gây nhiều hậu quả lớn cho xã hội, tạo áp lực, khó khăn cho công tác cai nghiện.

Nghiện ma túy tổng hợp gây hậu quả rất nguy hiểm

Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Phú Kiều, Viện trưởng Viện Nghiên cứu các bệnh hiểm nghèo cho biết, trung tâm đã thu nhận nhiều học viên là học sinh cấp 2, cấp 3 nhưng đã nghiện ma túy đá, thuốc lắc, cỏ Mỹ...

Nếu như người nghiện các chất dạng thuốc phiện truyền thống, heroin... còn có methadone điều trị thì việc cai nghiện ma túy tổng hợp rất khó khăn khi chúng ta chưa có một phác đồ điều trị hoàn chỉnh để áp dụng, nên chủ yếu phương pháp điều trị là tư vấn tâm lý với người nghiện để họ cai thuốc. Trong khi đó trạng thái cai các chất ma túy tổng hợp này là khá mờ nhạt, dẫn tới quan niệm sai lầm cho rằng sử dụng các chất ma túy mới là không gây nghiện giống như các chất dạng thuốc phiện.

Người nghiện ma túy tổng hợp ngày càng nhiều và không ít người đã trở thành bệnh nhân tâm thần vì sử dụng lâu ngày. Khi sử dụng nhiều và thường xuyên, người sử dụng có nhiều thay đổi bất thường về quy luật sinh hoạt và làm việc theo chiều hướng xấu.

Các đối tượng có thể lạm dụng một cách không thường xuyên, tuy nhiên hậu quả về mặt tâm thần như các triệu chứng loạn thần, trầm cảm, tự sát, kích động… lo ngại hơn là gây nên những hành vi vô cùng nguy hiểm cho cộng đồng, xã hội. Nhiều vụ đâm chém, giết người khi rơi vào trạng thái "ngáo đá" sau khi sử dụng ma túy đá trong thời gian qua là một lời cảnh tỉnh.

Viện Nghiên cứu sức khỏe tâm thần cho hay loạn thần ở người sử dụng ma túy tổng hợp chủ yếu là hoang tưởng chiếm tỷ lệ 68,2%, ảo giác là 72,7%, trầm cảm chiếm 23,8% và 15% trầm cảm trong thời gian 3 năm sau khi sử dụng ma túy tổng hợp. Những triệu chứng, hành vi trên gây trở ngại cho việc điều trị, cũng như nhiều khó khăn cho cơ sở cai nghiện.

Khó khăn trong công tác cai nghiện

Thống kê cho thấy, đến tháng 6/2018, cả nước có 120 cơ sở cai nghiện, trong đó có 105 cơ sở cai nghiện công lập và 15 cơ sở cai nghiện dân lập với 34.620 học viên. Chỉ 6 tháng đầu năm 2018, có tới 6.438 người được tiếp nhận, tư vấn, điều trị cai nghiện tại các cơ sở. Đến nay, tổng số người đang được điều trị cai nghiện tại các cơ sở là 34.620 học viên.

Trực tiếp đến các cơ sở cai nghiện ma túy mới thấy được những người trẻ tương lai của đất nước đang bị hủy hoại như nào bởi ma túy tổng hợp. Trung tâm lao động xã hội Gia Minh (Hải Phòng) mỗi năm tiếp nhận hàng trăm học viên đến cai nghiện, trong đó đa số là người trẻ. Có nhiều câu chuyện buồn đưa đẩy họ đến con đường nghiện ma túy, trong đó có những trường hợp sử dụng ma túy tổng hợp khi tuổi đời còn rất trẻ.

Sinh năm 1996, nhưng anh N.V.H (quê ở Lê Chân, Hải Phòng) đã sử dụng ma túy từ năm lớp 7. "Năm tôi học lớp 7, trong nhóm bạn chơi có 3 người sử dụng ma túy đã rủ rê cùng sử dụng. Phần vì tò mò, một phần vì thiếu hiểu biết nên đã thử dùng, sau đó nghiện lúc nào cũng không biết" - anh N.V.H chia sẻ và thừa nhận "chính việc đó đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của mình, việc học hành đến lúc đấy là không tập trung được nữa, thể trạng sức khỏe hết sức gầy yếu, không thể làm bất cứ được việc gì, kinh tế gia đình ngày một đi xuống".

Quyết định đi cai nghiện từ năm 2014, cai được thuốc rồi lại tái nghiện, nhiều lần ra vào các trung tâm cai nghiện, anh N.V.H nuối tiếc "chỉ vì tò mò, đua đòi dùng thử mà cuộc đời mình đã rẽ sang một hướng khác".

Đáng quan ngại là những trường hợp như anh N.V.H đang có xu hướng gia tăng. Trung tâm cai nghiện Vũ Oai (Hoành Bồ, Quảng Ninh), trong kỳ đầu năm 2018 tiếp nhận tổng số 774 người nghiện thì có đến 472 người nghiện ma túy tổng hợp. Trong đó, số người nghiện ma túy "đá" vào cai nghiện tại cơ sở có xu hướng gia tăng (363 đối tượng).

Ông Lê Minh Sơn - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh kiêm Giám đốc Trung tâm cai nghiện Vũ cho biết: Tại trung tâm, số người nghiện ma túy đá thường không làm chủ được hành vi, gây khó khăn trong tiếp nhận cũng như tổ chức các hoạt động cắt cơn, điều trị, tổ chức sinh hoạt, học tập, lao động...


"Điều đáng buồn là những người nghiện ma túy tổng hợp rất khó cai hoàn toàn. Có nhiều trường hợp, học viên cứ hoàn thành chương trình cai nghiện một thời gian ngắn lại tiếp tục phải quay trở lại trung tâm. Có người quay đi quay lại đến 4 - 5 lần nhưng vẫn không cai được" - ông Sơn chia sẻ.

Trước thực trạng khó khăn trong công tác cai nghiện, Đại tá Tạ Đức Ninh, Trưởng phòng Thường trực Chương trình quốc gia Phòng, chống ma tuý (Cục Tham mưu Cảnh sát, Bộ Công an) cho rằng, để đạt được mục tiêu kìm chế, ngăn chặn hướng tới đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội, cùng công tác đấu tranh với tội phạm ma túy thì phòng ngừa là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

"Bởi khi đã nghiện rồi thì cai nghiện hoàn toàn là rất khó khăn. Do đó, phòng ngừa ma túy nhằm ngăn chặn không để xảy ra nghiện hoặc dự tính các biện pháp đối phó trước khi tình hình xảy ra là giải pháp triệt để nhất" - Đại tá Tạ Đức Ninh nhấn mạnh.

Trong đó, đáng lưu ý nhất là hình thức: Phòng ngừa ban đầu nhằm vào nhóm đối tượng là những người chưa bao giờ liên quan đến ma túy và phòng ngừa chuyên biệt nhằm vào những đối tượng có "nguy cơ mắc nghiện cao". Trong đó, biện pháp phòng ngừa ban đầu dựa vào cộng đồng, tại nơi làm việc, trong trường học, từ gia đình. Hình thức phòng ngừa này đã góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn đầu vào của tệ nạn ma túy.

Cùng với việc phòng ngừa đại trà cho toàn xã hội, thời gian gần đây, công tác phòng ngừa chuyên biệt dành cho nhóm đối tượng có "nguy cơ mắc nghiện cao" đã được các cấp, các ngành, địa phương dành nhiều sự quan tâm hơn trước. Các hoạt động tư vấn nhóm, tư vấn cá nhân, tiếp cận trực tiếp với “nhóm thanh niên đường phố”, nhóm phụ nữ trẻ hoạt động mại dâm… với mục tiêu cung cấp, phổ biến các kỹ năng rất cần thiết như: Kỹ năng nhận biết và đánh giá nguy cơ mắc nghiện; cách thức hóa giải các vướng mắc về tâm lý trong cuộc sống; kỹ năng từ chối các cám dỗ,... giúp các nhóm đối tượng "có nguy cơ mắc nghiện cao” này đưa ra các quyết định đúng đắn, bảo vệ họ trước sự tấn công của tệ nạn ma túy.

Xuân Tùng (TTXVN)
Theo chân các chiến sĩ Cảnh sát biển đi tuyên truyền phòng, chống ma túy
Theo chân các chiến sĩ Cảnh sát biển đi tuyên truyền phòng, chống ma túy

Một ngày nắng tháng 6, chúng tôi theo chân lực lượng phòng chống tội phạm ma túy (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1) và Phòng PCMT và tội phạm (Bộ Chỉ huy BĐBP Hải Phòng) về các xã Lập Lễ, Phả Lễ (huyện Thủy Nguyên), đảo Cát Hải, đảo Cát Bà (huyện Cát Hải) của Hải Phòng cùng tham gia tuyên truyền về ma túy cho cán bộ và nhân dân nơi đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN