Sau một thời gian triển khai, toàn bộ khu phía Nam của dự án đã đi vào hoạt động với diện tích gần 120ha, thu hút 18 doanh nghiệp trong nước vào đầu tư, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Năm 2017, dự án tiếp tục triển khai toàn bộ khu phía Bắc với diện tích hơn 230ha. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai khu phía Bắc, dự án đã gặp nhiều khó khăn do người dân chưa thực sự hợp tác.
"Đón đầu" chờ trục lợi từ dự án
Cơi nới nhà, dựng cột sắt lợp tôn làm nơi chăn nuôi, làm hàng rào sắt bao vây đất, thậm chí nhiều ngôi nhà không móng, không gạch, không vách… đang được nhiều hộ dân khu 6, xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ dựng tạm lên để chờ đền bù của Dự án Khu công nghiệp Phú Hà. Mặc dù biết dự án đã quy hoạch, song nhiều người dân vẫn cố tình đua nhau dựng nhà, công trình để “đón đầu” chờ dự án triển khai sẽ được hưởng lợi.
Ông Trần Văn Thọ, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 6 cho hay, dự án triển khai được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ bởi đây là chủ trương của Đảng và Nhà nước. Khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện cho con em trong khu vực có việc làm, ổn định đời sống…Tuy nhiên, do dự án triển khai chậm; các văn bản thông báo, quyết định triển khai đến nhân dân chưa kịp thời. Việc hỗ trợ và tái định cư dự án; thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm...cũng chậm dẫn đến nhiều người dân trong khu xây nhà tạm để đảm bảo an sinh.
Trong khi đó, ông Mai Nhật Đậu, Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Hà Lộc cho biết, ngay khi dự án triển khai, các cấp chính quyền liên quan cũng như chủ đầu tư dự án đã có những văn bản thông báo phạm vi, quy hoạch của dự án tới đông đảo người dân, đồng thời phối hợp với người dân kiểm kê, kiểm đếm tài sản trên đất để có phương án đền bù theo đúng quy định. Theo đó, xã Hà Lộc có khoảng hơn 100ha thuộc diện phải thu hồi, trong đó có khoảng 20ha diện tích đất ở và đất vườn, còn lại là đất nông nghiệp. Hiện đã có khoảng 160 hộ dân tự ý cơi nới, lợp tôn khắp sân và làm các công trình phụ…Việc người dân xây dựng nhà tạm, công trình chăn nuôi…là trái với chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Trở lại câu chuyện người dân đồng loạt dựng các công trình khung sắt, mái tôn mà không phải xây nhà bằng vật liệu thông thường, truyền thống… theo đại diện cán bộ địa chính xã Hà Lộc làm bằng sắt, lợp tôn khi đền bù thì mức đền bù sẽ cao, mặt khác khi buộc phải tháo dỡ người dân sẽ tận dụng những nguyên vật liệu này để có thể sử dụng vào việc khác.
Bên cạnh việc cơi nới, dựng nhà tạm trái phép trong khu vực của dự án đã được quy hoạch, người dân xã Hà Lộc còn băn khoăn khi mức giá đền bù còn thấp, cây cối, hoa màu trên đất có những cây áp giá thấp không đúng với giá trị thực như cây sơn… Việc đền bù diện tích tại khu tái định cư mới còn nhỏ, chưa đáp ứng được cho người dân…
Trước sự việc trên, ông Mai Nhật Đậu cho hay, về giá đền bù tài sản trên đất, các thắc mắc kiến nghị về khu tái định cư, giải phóng mặt bằng, xã sẽ trình UBND thị xã Phú Thọ để sớm có cách giải quyết cho người dân sao cho hợp tình, hợp lý. Đối với việc, cơi nới nhà tạm trái phép, xã đã thành lập hai tổ công tác đến từng hộ dân tuyên truyền các quy định của luật đất đai, xây dựng, quy hoạch…đồng thời yêu cầu người dân tự tháo dỡ để đảm bảo cho dự án được triển khai theo đúng tiến độ. Tuy nhiên, nhiều hộ không hợp tác nên địa phương phải lập biên bản xử phạt.
Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp
Ông Hoàng Anh Vũ - Phó Chủ tịch UBND thị xã Phú Thọ cho biết, việc triển khai xây dựng khu công nghiệp Phú Hà là chủ trương lớn của tỉnh Phú Thọ. Đây là dự án có diện tích thu hồi lớn, trong đó có nhiều diện tích đất nông nghiệp không có sổ đỏ và liên quan đến nhiều hộ dân, do vậy rất cần sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người dân để tháo gỡ khó khăn. Quan điểm của thị xã là không để cho nhân dân bị thiệt trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng nhưng cũng kiên quyết không để những phần tử lợi dụng cơ hội nhằm trục lợi.
Giải quyết những thắc mắc, kiến nghị của người dân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Phú Thọ cho hay, dự án Khu công nghiệp Phú Hà đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Căn cứ vào quy hoạch của Chính phủ, tỉnh Phú Thọ phê duyệt đồng ý cho triển khai thực hiện dự án và giao cho Tổng Công ty Viglacera làm chủ đầu tư, vì vậy việc áp giá đền bù, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư phải được thực hiện dựa trên pháp luật Việt Nam, Luật Đất đai hiện hành... Đối với việc người dân đã tự cơi nới, xây dựng nhà trái phép trong vùng dự án, UBND thị xã đã chỉ đạo các cấp các ngành tuyên truyền, vận động người dân tự tháo dỡ. Trường hợp các hộ dân cố tình không tháo dỡ, UBND thị xã kiên quyết, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền thị xã Phú Thọ tiếp tục tuyên truyền vận động người dân chấp hành tốt các chính sách của nhà nước về bồi thường hỗ trợ tái định cư, cùng chung tay tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc do một bộ phận người dân chưa hiểu về chính sách pháp luật của nhà nước gây cản trở trong công tác giải phóng mặt bằng xây dựng Khu công nghiệp Phú Hà.