Đời sống công nhân dịp cuối năm - Bài 2: Doanh nghiệp 'buộc' phải cho công nhân nghỉ việc

Theo các doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động tại TP Hồ Chí Minh, sở dĩ họ phải cho công nhân nghỉ việc trước Tết Nguyên đán là vì tình thế ép buộc. Bởi, khi lượng đơn hàng sụt giảm nhưng vẫn duy trì lượng công nhân như cũ thì khó đảm bảo việc làm cho tất cả; đồng thời cũng khiến doanh nghiệp rơi vào khó khăn hơn khi phải "gồng" để trả lương.

Giảm lao động vì tình thế 

Lý giải về việc phải cho hơn 1.200 công nhân nghỉ việc từ tháng 12/2022, bà Phạm Thị Út, Phó Tổng giám đốc Công ty Tỷ Hùng cho biết, đơn hàng giày da của công ty chủ yếu từ châu Âu. Năm 2022, tình hình của đơn vị hoạt động không ổn định, nhất là vào những tháng cuối năm vì đơn hàng giảm đến 70 - 80%, chỉ còn những đơn hàng nhỏ lẻ.

"Gắn bó với công nhân hàng chục năm qua, chúng tôi luôn xem công nhân là tài sản vô giá của nhà máy, nên lãnh đạo công ty khó khăn lắm mới quyết định cho 1.200 công nhân nghỉ việc và cố gắng chi trả trợ cấp theo quy định", bà Phạm Thị Út cho biết.

Chú thích ảnh
Công ty Tỷ Hùng (quận Bình Tân) vừa phải cắt giảm 1.200 công nhân vì khó khăn đơn hàng.

Bà Phạm Thị Út cho biết thêm, Công ty Tỷ Hùng có công ty mẹ ở Đài Loan( Trung Quốc); tại Việt Nam công ty có 3 nhà máy ở TP Hồ Chí Minh, Bến Tre và Đồng Tháp. Thông thường mỗi tháng, nhà máy tại TP Hồ Chí Minh nhận làm 200.000 - 250.000 đôi giày, nhưng đến tháng 9/2022 chỉ còn từ 75.000 - 80.000 đôi, nên công ty không thể cầm cự được nữa, buộc phải cho công nhân nghỉ việc.

“Hiện công ty còn 658 người làm việc. Dù thế nào, chúng tôi vẫn duy trì 500 - 600 người, không hoãn, không giảm giờ làm. Đây chủ yếu là nhân sự nằm ở chuyền nhỏ và bộ phận khai thác mẫu, khi khách hàng đưa đơn hàng xuống thì khai thác mẫu cho 2 điểm còn lại ở tỉnh. Đối với những công nhân cho nghỉ việc, có những người đã làm 15- 17 năm, độ tuổi dao động từ 28 - 40, một vài người lớn tuổi hơn là 45 - 46 tuổi. Thông thường, người lao động làm đủ 12 tháng thì thưởng Tết sẽ được 1 tháng lương. 1.200 người nghỉ việc đợt này cũng được hưởng gần 1 tháng lương theo chính sách của công ty”, bà Phạm Thị Út cho biết thêm.

Không chỉ ở Công ty Tỷ Hùng, tình trạng cắt giảm lao động đang diễn ra khá nhiều tại các doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam. Theo các doanh nghiệp, đây là việc "cực chẳng đã mới phải làm" và cũng khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu. Bà Phạm Thị Châu, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty TNHH Vexos Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7) cho biết, hơn tháng qua, nhà máy bị thiếu nguyên phụ liệu và không xuất được hàng. Nếu duy trì số lao động như hiện tại, các công nhân không còn tăng ca nhiều như trước và thu nhập cũng giảm.

Theo bà Phạm Thị Châu, trong công ty lúc nào cũng có người "lửng lơ muốn nghỉ", một số người trình bày nguyện vọng thôi việc. Do đó, công ty có phương án cho những trường hợp nghỉ việc thời điểm này sẽ được hỗ trợ hai tháng lương. "Lúc này ra đi hay ở lại là lựa chọn của công nhân. Nhân viên nghỉ sẽ không tuyển mới mà thêm thời gian tăng ca cho lao động còn lại. Tuy nhiên giám đốc cũng chỉ cho nghỉ 3% và nhà máy vẫn đang cố gắng xoay xở để có việc làm, đảm bảo thu nhập, giữ chân công nhân trong dịp cuối năm", bà Châu cho biết.

Tương tự, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty Dony khẳng định, không doanh nghiệp nào muốn giải thể, cắt giảm lao động trừ khi quá sức cầm cự. Tại công ty, phương châm của doanh nghiệp là vẫn nỗ lực giữ chân lao động chứ không cắt giảm. Về chế độ phúc lợi, công ty vẫn duy trì các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để người lao động yên tâm làm việc và chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp.

Đơn hàng sụt giảm mạnh

Là người làm việc trong ngành may mặc hơn 30 năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 gặp cảnh công nhân thiếu việc, nhà máy thiếu đơn hàng diện rộng trước Tết Nguyên đán 2023. Ông Phạm Xuân Hồng cho biết, theo thống kê, các nhà máy bị giảm 30 - 50% đơn hàng nên buộc phải giảm giờ làm, cho công nhân nghỉ luân phiên. "Tình hình lúc này còn khó hơn thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Lúc dịch COVID-19 lan rộng, mình có niềm tin dịch sẽ được khống chế và doanh nghiệp có cơ sở đề xuất chính phủ hỗ trợ cho công nhân. Giờ đây, chúng tôi cực kỳ lúng túng", ông Phạm Xuân Hồng cho biết.

"Chúng tôi đang lo những tháng cuối năm và 6 tháng đầu năm 2023 sẽ còn khó khăn hơn. Bởi hiện nay, nhiều nhà máy sản xuất có rất ít đơn hàng cho năm mới, trong khi việc xoay xở tìm thêm thị trường không phải dễ. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nhận các đơn hàng giá thấp, thậm chí lỗ để duy trì việc cho công nhân nhưng cũng khó khăn cho doanh nghiệp", ông Phạm Xuân Hồng cho biết thêm.

Chú thích ảnh
Nhiều doanh nghiệp may mặc, da giày gặp khó khăn về đơn hàng nên phải cắt giảm lao động dịp cuối năm.

Theo Hiệp Hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, đơn hàng tại các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may như Mỹ, châu Âu hiện đã giảm rõ rệt; như châu Âu giảm 60%, Mỹ giảm 30 - 40%. Lượng hàng tồn kho tăng, chiếm tới 20 - 25% tại các doanh nghiệp. Từ quý 4/2022 và dự báo quý 1/2023, doanh nghiệp không có khách hàng mới. Các công ty cạnh tranh đơn hàng khá gay gắt; nhiều khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 40 - 50%. Điều này đã khiến không ít doanh nghiệp phải cắt giảm lao động và quy mô sản xuất.

Chia sẻ khó khăn vì đơn hàng sụt giảm, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Định cho biết, nếu như nửa đầu năm 2022, công ty có mức tăng trưởng 30% so với cùng kỳ, thì ở nửa cuối năm, những khó khăn từ các thị trường nhập khẩu đã khiến doanh nghiệp bị giảm đơn hàng 40 - 50%. Đơn hàng chủ lực sang thị trường EU giảm đột ngột, để đảm bảo hoạt động và giữ việc cho hơn 1.500 công nhân, doanh nghiệp buộc phải thay đổi, tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường ngách như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á…

Trong khi đó, bà Bùi Thị Ninh, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng giày dép, áo quần, nội thất của người dân châu Âu, Mỹ (vốn là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam) giảm nên các nhà máy gia công cho các nhãn hàng bị ảnh hưởng nặng nề. Ngoài ra, nhiều công ty hoạt động trong các ngành phụ trợ cho thị trường Nhật, doanh thu cũng sụt giảm do đồng yen mất giá.

Chia sẻ về tình hình khó khăn chung của doanh nghiệp dịp cuối năm, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, những tháng cuối năm, bên cạnh các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để hoàn thành tiến độ theo hợp đồng sản xuất, có một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, buộc phải cắt giảm lao động như Công ty TNHH Samho, Công ty Tỷ Hùng… "Khi khảo sát nhanh 234 doanh nghiệp có quy mô từ 200 lao động trở lên, chúng tôi ghi nhận 109 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, 125 doanh nghiệp không có nhu cầu, 8 doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, 83 doanh nghiệp thiếu đơn hàng nên buộc phải cắt giảm lao động dịp cuối năm 2022", ông Nguyễn Văn Lâm cho biết. 

Bài 3: Xoay xở tìm việc cuối năm

Bài, ảnh: PV/Báo Tin tức
Đời sống công nhân dịp cuối năm - Bài 1: Bất ngờ thất nghiệp khi Tết đã cận kề
Đời sống công nhân dịp cuối năm - Bài 1: Bất ngờ thất nghiệp khi Tết đã cận kề

Thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, liên tục có doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng, buộc phải cắt giảm giờ làm, thậm chí phải đóng cửa nhà máy. Tình trạng này đã khiến nhiều công nhân tại TP Hồ Chí Minh "bỗng dưng" rơi vào cảnh mất việc. Để hỗ trợ người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn này, các đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đã chung tay thực hiện các giải pháp tổng thể, quyết liệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN