Ngày 11/4, sau hàng giờ len lỏi giữa các hẻm núi dưới trời nắng gay gắt, phóng viên đã có mặt tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu. Đập vào mắt chúng tôi là tình trạng người dân địa phương và một số tỉnh phía bắc vào đây lén lút khai thác vàng trái phép.
Hầu hết, người dân khai thác quặng một cách thủ công, tức là đào lấy quặng rồi cho vào bao tải, chở về nơi xay và đãi quặng để lấy vàng. Theo thông tin từ phía xã Tam Lãnh, trung bình mỗi ngày có khoảng từ 60 người đến 70 người đến khu vực mỏ vàng Bồng Miêu khai thác vàng trái phép.
Một số người đào quặng ở những khu vực lộ thiên, một số người đã chui vào những hầm đã có sẵn, thậm chí là phá cả cây chống hầm để lấy quặng. Nguy cơ sập hầm gây chết người rất cao nhưng họ vẫn bất chấp. Được biết, trung bình mỗi người lao động khai thác vàng trái phép có thu nhập từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/ngày.
Được biết, đây là khu vực do Công ty vàng Bồng Miêu trước đây được cấp phép khai thác nhưng hiện giấy phép đã hết hạn và đang bỏ hoang. Khu vực được cấp phép trên diện tích 320 ha, trong đó có 220 ha là mỏ lộ thiên và diện tích còn lại là khu vực núi Kẽm.
Do còn nợ thuế và giấy phép khai thác hết hạn, Công ty vàng Bồng Miêu chỉ còn để lại một số ít người ở lại bảo vệ nhà máy, còn khu vực mỏ không quản được nên “vàng tặc” mặc sức hoành hành.
Ông Nguyễn Tấn Hòa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tam Lãnh cho biết, Công ty vàng Bồng Miêu rút đi đã để lại hệ lụy to lớn cho địa phương.Thứ nhất, công ty đang nợ thuế nhà nước. Hai là, số lao động trước đây là công nhân cho nhà máy hiện thất nghiệp nên quay lại đào quặng vàng trái phép, gây mất trật tự trị an. Ba là, theo cam kết, sau khi đào lấy quặng, công ty phải hoàn thổ và trồng cây xanh để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đến nay Công ty vàng Bồng Miêu vẫn không thực hiện như đã cam kết.
Do không được quản lý, diện tích khu mỏ đã bị người dân khai thác vàng trái phép đến đây dựng lán trại để khai thác vàng. Một số “vàng tặc” đã phá các cửa hầm trước đây để giật các cọc chống rồi len lỏi trong các hầm có chiều dài hàng trăm mét để khai thác vàng.
Mặc dù cơ quan chức năng của xã Tam Lãnh đã tổ chức tiến hành truy quét nhưng cũng không thể giữ nổi khu vực mỏ. Bởi vì, mỗi lần truy quét, những người khai thác vàng trái phép lại trốn vào khu vực rừng núi để tránh cơ quan chức năng. Sau khi lực lượng chức năng rút, họ lại ra khai thác lại.
Ông Vũ Minh Tuấn, Phó Trưởng Công an xã Tam Lãnh cho biết: Do lực lượng mỏng, mỗi lần tổ chức truy quét cũng chỉ từ 1 ngày đến 3 ngày rồi rút. Khi đến hiện trường, “vàng tặc” đã rút sâu vào trong khu vực rừng núi, không thể xử lý được. Nếu phát hiện được những máy móc, trang thiết bị của những người làm vàng cũng chỉ phá hủy tại chỗ mà thôi. Sau khi rút quân, sự việc lại đâu vào đấy.
Ngày 5/3, lực lượng Công an xã tiến hành mật phục và phát hiện ra vụ vận chuyển cyanua trái phép để phục vụ việc đãi vàng. Đối tượng đã bỏ cả xe máy và cyanua để chạy thoát thân. Tại hiện trường, Công an xã thu giữ 50kg cyanua và đã bàn giao cho Công an huyện Phú Ninh xử lý theo quy định của pháp luật.
Tình trạng khai thác vàng làm ô nhiễm môi trường, tàn phá thiên nhiên, gây mất trật tự trị an tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu là quá rõ ràng, thậm chí, dẫn đến chết người.
Ông Nguyễn Cảnh, Bí thư Huyện ủy Phú Ninh cho biết: Việc Công ty vàng Bồng Miêu không thực hiện việc hoàn thổ, bảo vệ môi trường đã gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Giấy phép khai thác của công ty đã hết hạn từ tháng 3/2016. Tuy nhiên, đến nay, công ty vẫn chưa bàn giao lại mỏ cho địa phương và cơ quan chức năng để quản lý, bảo vệ.
Chính vì vậy, người làm vàng trái phép vẫn đến đây khai thác làm mất trật tự trị an, gây nguy hiểm đến tính mạng. Huyện đề nghị lãnh đạo tỉnh, các bộ, ngành Trung ương sớm có hướng xử lý triệt để vấn đề; làm thế nào để vừa khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nhưng cũng phải bảo vệ môi trường, đảm bảo trật tự trị an.