Báo động tình trạng khai thác bằng lăng ở khu vực đèo Mang Yang, Gia Lai

Thời gian gần đây, tại khu vực đèo Mang Yang - khu vực giáp ranh giữa 2 huyện Mang Yang và Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) diễn ra tình trạng nhiều người dân ngang nhiên khai thác cây bằng lăng về bán cho thương lái. Tình trạng trên diễn ra công khai nhưng không thấy bóng dáng của lực lượng chức năng có biện pháp ngăn chặn.

Chú thích ảnh
Các cây bằng lăng bị lấy đi phần gốc, còn phần thân, cành lá bị bỏ lại. 

Giữa cái nắng nóng bỏng rát, trong vai công nhân đi kiểm tra đường dây 500kV, chúng tôi thâm nhập vào khu vực rừng nằm gần đèo Mang Yang- nơi đang diễn ra nạn khai thác cây bằng lăng. Ngay ở bìa rừng, có 2 người đang đào xới một gốc bằng lăng to bằng thân người lớn. Chẳng chút sợ hãi, người đàn ông tự xưng tên T cho biết: Ở đây người ta đi đào bằng lăng nhiều lắm, thường là người dân của xã H’ra (huyện Mang Yang) hay xã Hà Tam (huyện Đak Pơ). Đào xong gom lại rồi có xe tới chở xuống Quy Nhơn bán. Nay đang hút hàng lắm, đào gốc này xong còn 4, 5 gốc ở trên kia nữa.

Từ sự chỉ dẫn của người đàn ông tên T, chúng tôi men theo con đường mòn dẫn thẳng lên thẳng đỉnh núi. Vừa bước qua khỏi bìa rừng, những hố lớn nhỏ - “tàn tích” của các vụ đào bằng lăng để lại nham nhở. Xung quanh, các thân, cành bằng lăng đổ ngổn ngang, nhiều thân cây lá vẫn còn xanh tươi và rỉ nhựa. Càng đi sâu vào trong, vết tích của các vụ đào bằng lăng càng nhiều. Chỉ trong một khu vực rộng chưa đầy 1 ha - cách Quốc lộ 19 khoảng 1 km, phóng viên đã xác định có gần 50 gốc bằng lăng bị đào lấy phần gốc, chỉ còn phần thân, cành ngổn ngang.

Theo quan sát, ở khu vực này, cây bằng lăng lớn hay nhỏ đều bị khai thác triệt để. Hầu hết, các cây bằng lăng được cắt rễ, bứng lấy phần gốc, còn các thân, cành bị bỏ lại tại chỗ. Phần gốc được các đối tượng vận chuyển về khu vực tập kết tại ven đường Quốc lộ 19 sau đó dùng xe máy cày vận chuyển ra khỏi rừng trên Quốc lộ 19. Chiều 15/7/2020, chúng tôi đã phát hiện một bãi tập kết với hơn 10 cây bằng lăng có đường kính khoảng 30 cm. Tuy nhiên đến sáng 16/7, toàn bộ số cây này đã “bốc hơi” khỏi bìa rừng; trên con đường mòn từ Quốc lộ 19 dẫn vào bãi tập kết cũng có nhiều dấu vết của xe máy cày. 

Người đàn ông tên T cho biết thêm: Thời gian gần đây mặt hàng bằng lăng đang “ăn” mạnh, chủ yếu được vận chuyển về Bình Định hoặc ra phía Bắc. Với các loại gốc bằng lăng không kén khách, chỉ cần có thế đẹp, to nhỏ gì đều được các thương lái thu gom. “Bằng lăng chỉ cần vanh (tức chu vi gốc) hơn 100 là người ta mua hết. Mình đào, nhờ người bốc lên xe rồi chuyển về, có loại thì mang về để ươm, ghép hoa tường vi vào rồi mới bán, có loại thì chuyển về dưới Bình Định tập kết bán cho thương lái, khi nào đủ container sẽ vận chuyển ra phía Bắc tiêu thụ. Khách hàng ngoài Bắc nhiều lắm nên có bao nhiêu cũng hết", ông T tiết lộ. 

Trước vấn nạn khai thác ồ ạt cây bằng lăng, chúng tôi đã liên hệ làm việc với các đơn vị chức năng trên địa bàn. Ông Trần Đức Đại - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang cho biết: “Đơn vị đã nắm thông tin về tình trạng này, đây là hành vi rất đáng lên án vì làm mất sự đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên rừng. Hạt Kiểm lâm đã chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn và phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã nhắc nhở, tuyên truyền, nếu người dân không chấp hành hoặc phát hiện những đối tượng khai thác cây rừng tự nhiên làm cây cảnh sẽ xử lý. Từ đầu năm đến giờ đơn vị chưa xác minh được cụ thể các đối tượng, trường hợp vi phạm để xử phạt nhưng sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, chủ rừng và ngành chức năng để tuần tra, ngăn chặn việc khai thác cây rừng làm cây cảnh”. 

Trong khi đó, ông Phan Thanh Hải, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê chỉ thừa nhận; “Có một nhóm 4 đối tượng đồng bào ở xã H’ra xuống đào 2 gốc bằng lăng rồi chở về bằng xe máy tuần trước. Ngoài ra, nói chung ổn cả”.

Tin, ảnh: Quang Thái (TTXVN)
Báo động tình trạng mất cắp di vật, hiện vật trong các di tích Hà Nội
Báo động tình trạng mất cắp di vật, hiện vật trong các di tích Hà Nội

Một con số khiến mọi người không khỏi giật mình: 20 di tích trên địa bàn 7 quận, huyện tại Hà Nội xảy ra tình trạng mất cắp di vật, hiện vật từ năm 2019 đến nay, trong đó các vụ tập trung vào đầu năm 2020. Điều đó, đang đặt ra tình trạng báo động về mất cắp di vật, hiện vật ngày càng gia tăng, với mức độ nghiêm trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN