Làm giàu trên mảnh đất khó

Với mô hình chăn nuôi và cung ứng dịch vụ xây dựng mỗi năm cho thu nhập hơn 300 triệu đồng, anh Phạm Văn Đức là nông dân làm kinh tế giỏi có tiếng tại thôn Cốc Lải, xã Cao Tân, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn).

Lập gia đình năm 2000, do vốn ít, lại không có đất, anh Đức gặp không ít khó khăn. Song với bản chất chăm chỉ của người nông dân, cuộc sống của anh khá dần lên. Năm 2002, khi điện lưới quốc gia bắt đầu đến Cao Tân, anh Đức mạnh dạn vay mượn tiền mua một chiếc máy xát lúa. Ngày đó, máy xát lúa còn hiếm nên lúc vào mùa vụ, anh làm không kịp với nhu cầu của bà con. Việc mở máy xát lúa đã mang lại cho anh một số tiền không nhỏ. Từ đó, anh mạnh dạn mở rộng đầu tư, làm chuồng trại chăn nuôi lợn và gà vịt. Đến nay, chuồng lợn của anh mỗi năm cho xuất chuồng 100 con lợn, đạt doanh thu hơn 160 triệu đồng/năm.

Anh Đức khởi đầu sự nghiệp bằng chiếc máy xay xát.

Năm 2011, anh đầu tư thêm xe ô tô tải để chở hàng nông sản cho bà con xung quanh, đồng thời, mua một chiếc máy đóng gạch xi măng cát, là loại gạch bà con thường dùng để xây chuồng trại. Mỗi năm, anh bán được hơn 30.000 viên gạch, cho thu nhập trên 30 triệu đồng/năm. Sẵn có gạch, anh chủ động liên hệ tìm nhà cung cấp xi măng, cát phục vụ nhu cầu xây dựng ở địa phương. Với mô hình chăn nuôi và dịch vụ xây dựng, mỗi năm gia đình anh thu về hơn 300 triệu đồng. Nhờ vậy, năm 2013, anh đã xây được ngôi nhà khang trang với giá trị hơn 1 tỷ đồng.

Anh Đức chia sẻ: "Trên Pắc Nặm dân ít, đời sống còn khó khăn nên làm kinh tế cũng vất vả lắm. Muốn đầu tư làm nhiều, nuôi nhiều lại không có người mua. Vì thế, tôi phải chăm chỉ làm lụng nhiều nghề, mỗi thứ cho thu nhập một ít mới có thu nhập khá như vậy. Sắp tới, tôi chuẩn bị đầu tư thêm giàn máy xát lúa trị giá gần 70 triệu đồng để phục vụ bà con thay cho giàn máy cũ hiện đã xuống cấp".
Bài và ảnh: Vũ Hoàng Giang
Nông dân Khmer phát triển nông nghiệp đô thị
Nông dân Khmer phát triển nông nghiệp đô thị

Hoa lan là loài hoa kiểng đặc sắc được nhiều người ưa chuộng phục vụ cho trang trí, đám tiệc, lễ hội... Hơn nữa, đây là loại cây trồng cho hoa quanh năm, giúp cho người trồng có nguồn thu ổn định, nên nhiều hộ nông dân Khmer đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng để trồng hoa lan theo hướng nông nghiệp đô thị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN