Điều chỉnh số lượng bị hại
Trong phần tranh luận, luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC) và một số bị cáo khác cho rằng, chỉ có cơ sở xác định 133 nhà đầu tư hiện đang nắm giữ cổ phiếu ROS ban đầu hình thành từ vốn góp khống là bị hại của vụ án, không có cơ sở xác định 30.403 nhà đầu tư là bị hại vì có nhiều người trùng tên, địa chỉ và bị cáo Quyết không có ý thức chiếm đoạt tài sản.
Về quan điểm này, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng: Trong tổng số 430 triệu cổ phiếu ROS giá trị là 4.300 tỷ đồng được niêm yết trên sàn chứng khoán thì FAROS chỉ có hơn 1.197 tỷ đồng là vốn góp thật, còn lại hơn 3.102 tỷ đồng là vốn khống. Các nhà đầu tư ban đầu đã bỏ một lượng tiền thật vào 30.403 tài khoản chứng khoán để mua hơn 391 triệu cổ phiếu ROS có giá trị nâng khống, bị thiệt hại hơn 3.621 tỷ đồng. Những nhà đầu tư này có đủ căn cứ để xác định là bị hại của vụ án. Đến nay có 133 người có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại; số bị hại còn lại được quyền tiếp tục yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại theo quy định.
Đối với 30.403 tài khoản chứng khoán đã mua hơn 391 triệu cổ phiếu ROS có giá trị nâng khống, qua rà soát, Viện Kiểm sát thấy có trùng tên người sử dụng tài khoản như luật sư đã đề cập. Theo thống kê, có 25.853 bị hại sử dụng 30.403 tài khoản chứng khoán để mua hơn 391 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 4.818 tỷ đồng. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát đánh giá việc xác định lại số bị hại không làm ảnh hưởng hoặc thay đổi kết quả, điều tra truy tố của Cơ quan tố tụng. Bởi vì 30.403 tài khoản chứng khoán đã mua hơn 391 triệu cổ phiếu có giá trị nâng khống của bị cáo Trịnh Văn Quyết và bị thiệt hại hơn 3.621 tỷ đồng, tương đương với số tiền bị cáo đã chiếm đoạt.
Đối đáp với luận cứ này của Viện Kiểm sát, luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết nêu, nhiều bị hại trong danh sách hơn 25.000 nhà đầu tư bị hại chưa được tiếp cận với các cơ quan tố tụng để nói lên ý kiến của mình. Nhiều người cho rằng, họ bán cổ phiếu ROS có lãi rồi nên không có yêu cầu bồi thường.
Trong quan điểm buộc tội, Viện Kiểm sát không quy kết toàn bộ 4.300 tỷ đồng vốn góp chủ sở hữu của Công ty Faros là khống, mà xác định trong đó có hơn 1.197 tỷ đồng là vốn thật, còn hơn 3.102 tỷ đồng là vốn góp khống. Kết quả điều tra và kết quả xét xử công khai tại phiên tòa đã xác định rõ, đến thời điểm này, bị cáo Trịnh Văn Quyết không còn sở hữu số lượng cổ phiếu đã bán tại Công ty FAROS. Toàn bộ số tiền của các nhà đầu tư giao dịch qua 30.403 tài khoản chứng khoán đã được bị cáo sử dụng vào mục đích cá nhân, do vậy có đủ cơ sở xác định bị cáo Quyết phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Bên cạnh đó, căn cứ theo thực tiễn diễn biến tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát đã xem xét thêm một số tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo và quyết định giảm nhẹ mức đề nghị hình phạt đối với bị cáo Trần Văn Sinh (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh) và Nguyễn Thanh Bình (cựu Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty RTS) cùng mức đề nghị từ 7 - 8 năm tù. Trước đó, bị cáo Sinh bị Viện Kiểm sát đề nghị từ 8 - 9 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", bị cáo Bình bị đề nghị từ 8 - 9 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Ghi nhận sự thành khẩn và hợp tác
Trong phần bào chữa của các luật sư và lời bào chữa bổ sung của các bị cáo, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, diễn biến hành vi của các bị cáo như Viện Kiểm sát đã nêu tại bản cáo trạng và luận tội. Các luật sư cũng đề nghị, Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ để các bị cáo được hưởng hình phạt nhẹ hơn mức mà đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Quang Lâm (cựu Tổng Giám đốc Công ty Faros) bày tỏ sự đồng tình với bản cáo trạng về việc bị cáo Lâm đã ký các biên bản, Nghị quyết Hội đồng quản trị, 3 hợp đồng ủy thác đầu tư… đã giúp sức cho bị cáo Quyết thực hiện một số công đoạn trong quá trình phạm tội. Tuy nhiên, luật sư cũng trình bày bối cảnh thực hiện hành vi để mong Hội đồng xét xử xem xét về việc bị cáo Lâm không cố ý thực hiện và không “tạo điều kiện về tinh thần, vật chất cho việc thực hiện tội phạm”.
Cụ thể, luật sư của bị cáo Lâm đã phân tích nhiều luận điểm; trong đó nhấn mạnh, bị cáo Lâm là công đoạn ký cuối cùng tại các biên bản, nghị quyết, hợp đồng theo quy trình. Điều này có nghĩa là hồ sơ, tài liệu đã được đại diện các bộ phận, phòng, ban chức năng chuyên môn như Phòng Kế toán, Phòng Pháp lý… thẩm tra, hoặc ký nháy, tổng hợp trình theo quy trình, trước khi ký cuối. Do không có bất kỳ cảnh báo nào nên bị cáo Lâm cho rằng, việc ký các văn bản này là đúng quy trình, đúng quy định của công ty và pháp luật. Mặt khác, trước khi ký, bị cáo Lâm đều hỏi ý kiến của bị cáo Quyết và được bị cáo Quyết trả lời: “Việc này là để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của công ty cũng như của Tập đoàn”. Do vậy, bị cáo Lâm tự hiểu việc ký này là phù hợp với định hướng của công ty và đúng quy định pháp luật.
Luật sư nhấn mạnh, đây cũng là bài học sâu sắc không chỉ cho bị cáo Lâm mà còn cho rất nhiều cán bộ quản lý phải luôn thận trọng khi thực hiện hành vi pháp lý, đặc biệt là việc đặt bút ký các tài liệu, văn bản, hợp đồng.
Đại diện Viện Kiểm sát đồng tình và đánh giá cao quan điểm bào chữa của luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Đỗ Quang Lâm; đồng thời cho rằng, bài học đắt giá này là lời cảnh tỉnh cho những trường hợp tương tự như bị cáo Lâm và các bị cáo khác khi thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình.