Trả lời thẩm vấn của Hội đồng xét xử, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã truy tố. Tuy nhiên, các bị cáo cho rằng mình chỉ là người làm công ăn lương, làm việc theo chỉ đạo của Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường là Bùi Quang Huy. Do vậy, các bị cáo mong muốn được Hội đồng xét xử xem xét tính chất, mức độ vi phạm của các bị cáo để cân nhắc khi lượng hình.
Là người đầu tiên trả lời thẩm vấn, bị cáo Trần Ngọc Ánh (Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) thừa nhận có tham gia các nhóm “chat” trên mạng xã hội để trao đổi, liên hệ với các nhà cung cấp hàng hóa ở nước ngoài, trao đổi loại hàng, giá cả, số lượng… Từ năm 2017, thực hiện chỉ đạo của Bùi Quang Huy, Ánh bắt đầu cùng với Bùi Quang Huy tham gia trực tiếp đàm phán với 12 nhà cung cấp (trong tổng số 16 nhà cung cấp hàng hóa cho Công ty Nhật Cường).
Ánh khai, nguồn hàng điện tử do Bùi Quang Huy đặt mua từ các nhà cung cấp nước ngoài và thuê các đường dây vận chuyển hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam, phần lớn không có hóa đơn chứng từ. Bị cáo Ánh thừa nhận sai phạm như bản Cáo trạng của Viện Kiểm sát đã truy tố, mong Hội đồng xét xử xem xét mức độ, thời điểm tham gia của bị cáo trong vụ án.
Theo cáo trạng, từ năm 2014 đến tháng 5/2019, Trần Ngọc Ánh với vai trò là Phó Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường được Bùi Quang Huy giao nhiệm vụ phụ trách toàn bộ hoạt động kinh doanh và theo dõi, quản lý hàng hóa mua vào bán ra, thuê các địa điểm để mở cửa hàng phục vụ việc tiêu thụ hàng hóa tại Công ty Nhật Cường.
Trong quá trình phụ trách kinh doanh, Trần Ngọc Ánh biết rõ Công ty Nhật Cường nhập các mặt hàng điện thoại di động các loại, máy tính các loại hiệu Apple iPad, hiệu Apple Macbook; các loại máy nghe nhạc hiệu Apple; đồng hồ thông minh hiệu Apple Watch và các phụ kiện chuột Macbook, sạc, cáp, tai nghe từ Hồng Kông, Singapore... mà không lập hợp đồng mua bán, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc và không khai báo cơ quan chức năng Việt Nam.
Toàn bộ hoạt động mua bán hàng hóa từ nước ngoài không khai báo do Bùi Quang Huy trực tiếp chỉ đạo và được theo dõi, ghi chép trên hệ thống phần mềm ERP của Công ty Nhật Cường là “Nhập khẩu không VAT”. Theo chỉ đạo của Bùi Quang Huy, Trần Ngọc Ánh trực tiếp và cùng Đỗ Quốc Huy (Giám đốc bán hàng), Hoàng Văn Phong (Trưởng ngành hàng Apple) giao dịch mua bán với các nhà cung cấp và các đường dây vận chuyển do Bùi Quang Huy đã tạo lập trên phần mềm Wechat, WhatsApp để thống nhất giá cả, số lượng, chủng loại hàng hóa, thống nhất thời gian, địa điểm giao nhận hàng hóa.
Sau khi giao dịch, chốt số lượng hàng, đơn giá với nhà cung cấp, những người trực tiếp giao dịch mua bán hàng với nhà cung cấp gửi thông tin về đơn hàng đã đặt mua qua email hoặc qua phần mềm Wechat, WhatsApp trên điện thoại di động cho Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường) để thực hiện việc thanh toán. Khi hàng về Việt Nam, Trần Ngọc Ánh thông báo cho Nông Văn Lư (nhân viên Công ty Nhật Cường) đi nhận hàng và thanh toán tiền vận chuyển cho bên vận chuyển hàng.
Viện Kiểm sát xác định, Trần Ngọc Ánh phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm là người thực hành, trực tiếp cùng Bùi Quang Huy thực hiện hành vi buôn lậu 255.311 sản phẩm, với tổng trị giá hơn 2.927 tỷ đồng.
Khai trước Tòa, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc khai, Ngọc chịu trách nhiệm thu tiền bán hàng, chi tiền theo các hoạt động của công ty theo đề xuất của các phòng. Ngọc khai chỉ sử dụng phần mềm kế toán ERP và tất cả các nhân viên tại Công ty Nhật Cường đều được cấp quyền hoạt động trên phần mềm ERP để thực hiện công việc của mình. Riêng phần mềm kế toán MISA do bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng (Kế toán trưởng Công ty Nhật Cường) quản lý. Việc phân công này là do Bùi Quang Huy chỉ đạo, các bị cáo chỉ thực hiện theo.
Bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Buôn lậu” với hành vi đồng phạm, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc thừa nhận vi phạm và mong được Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ, vai trò, vị trí của bị cáo trong vụ án.
Ngoài tội danh “Buôn lậu”, Nguyễn Bảo Ngọc còn bị Viện Kiểm sát truy tố thêm tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngọc không thừa nhận hành vi này và cho rằng bị cáo không quản lý, không phụ trách hệ thống sổ sách kế toán, không quản lý phần mềm MISA của Công ty Nhật Cường. Tuy nhiên, bị cáo Ngọc cũng thừa nhận bản thân từng phụ trách hệ thống phần mềm kế toán ERP, trong đó có thống kê nguồn hàng vào - ra của Công ty Nhật Cường, trong đó có nhiều nguồn hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ.
Viện Kiểm sát xác định bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc có nhiệm vụ có nhiệm vụ quản lý, theo dõi thu, chi toàn bộ hoạt động kinh doanh tại Công ty Nhật Cường, đồng thời được Bùi Quang Huy và Trần Ngọc Ánh giao nhiệm vụ quản lý, theo dõi và thanh toán tiền mua hàng nhập lậu của 16 nhà cung cấp và tiền vận chuyển cho 9 nhà vận chuyển.
Sau khi nhận được thông tin về đơn hàng, Nguyễn Bảo Ngọc trực tiếp và chỉ đạo một số nhân viên Công ty Nhật Cường thanh toán tiền mua hàng hóa bằng các hình thức: thanh toán trực tiếp cho các đối tượng của nhà cung cấp; chuyển khoản vào các tài khoản cá nhân theo yêu cầu của nhà cung cấp; chuyển tiền mặt hoặc chuyển khoản vào tài khoản của một số cá nhân ở các tiệm vàng tại phố Hà Trung và phố Hàng Dầu (Hà Nội) để thanh toán cho các nhà cung cấp. Trong việc thanh toán tiền cước phí vận chuyển, Nguyễn Bảo Ngọc chỉ đạo thủ quỹ công ty chi tiền mặt để Nông Văn Lư đưa cho đối tượng vận chuyển khi nhận hàng; chuyển tiền vào tài khoản của một số cá nhân do đường dây vận chuyển yêu cầu; người của đường dây vận chuyển trực tiếp đến Công ty Nhật Cường nhận tiền mặt.
Khai tại tòa, các bị cáo: Nguyễn Thị Bích Hằng, Đỗ Quốc Huy, Hoàng Văn Phong… đều nhận thức được hành vi vi phạm của mình. Song, các bị cáo cũng cùng cho rằng việc làm của mình là theo sự chỉ đạo của Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường Bùi Quang Huy, bản thân các bị cáo không được hưởng lợi từ việc làm của mình. Chỉ đến khi làm việc với cơ quan điều tra, các bị cáo mới nhận ra hành vi đó là vi phạm pháp luật.
Sáng 6/5, phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi.