Các bị cáo trước vành móng ngựa trong phiên xét xử ngày 2/10. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Tại phiên xử, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố trước Tòa đã phân tích trong hợp đồng, thỏa thuận góp vốn ghi rõ khách hàng nộp tiền để góp vốn, cho vay… để đầu tư cho dự án B5 Cầu Diễn. Tuy nhiên, trong phiếu thu tiền lại ghi mục đích thu tiền là để xây dựng căn hộ tại dự án B5 Cầu Diễn.
Trong phiên tòa, nhiều bị hại cho rằng đã quá tin tưởng vào vai trò của bị cáo Châu Thị Thu Nga là đại biểu Quốc hội, nên không tìm hiểu, xem xét kỹ các tài liệu, hồ sơ của dự án mà Housing Group cung cấp.
Bị hại Vũ Thị Phương Lan cho biết, khi đến sàn giao dịch của Housing Group, nhân viên tại đây đã đưa cho bà Lan các tài liệu liên quan đến dự án nhưng bà Lan không biết là thật hay giả vì chỉ được quan sát bằng mắt thường. Khi luật sư hỏi về việc nếu muốn mua một căn hộ, tại sao bà Lan không đề nghị Housing Group đưa cho ký Hợp đồng mua nhà ở hoặc hợp đồng mua căn hộ mà lại ký vào thỏa thuận vay vốn để cho Housing Group vay vốn?
Về việc này, bà Lan trả lời: Trong trường hợp này bà Lan cùng các bị hại khác chọn mua nhà theo kiểu mua “lúa non”. Vào thời điểm đó, bà biết quy định của pháp luật không cho phép các doanh nghiệp được bán nhà khi chưa làm xong móng cho nên không thể có hợp đồng mua bán nhà được. Bản chất của thỏa thuận vay vốn này chính là một dạng hợp đồng mua nhà chứ không phải vay. Bà Lan giải thích: “Nếu có tiền gửi vào ngân hàng thì tôi chỉ quan tâm đến số lãi nhận được chứ không quan tâm đến việc ngân hàng sẽ làm gì với tiền của mình. Thỏa thuận giữa khách hàng và Housing Group chính là thỏa thuận về quyền mua căn hộ trong tương lai mà Housing sẽ có. Trong thỏa thuận đó ghi rõ lãi suất 0,6%/tháng và trong 12 tháng nếu không đồng ý khách hàng sẽ được rút lại vốn”.
Thực tế, theo bà Lan, bà cũng như các bị hại khác ký thỏa thuận đó là để có quyền mua căn hộ chứ không dại gì cho Housing Group vay với lãi suất 0,6/tháng, trong khi lãi suất bình thường bên ngoài là 11-13%.
Bà Lan cũng cho biết thêm: Theo hợp đồng, sau 12 tháng không thấy triển khai dự án, bà cùng nhiều bị hại đã đến đòi tiền nhưng Housing Group lại yêu cầu các bị hại này phải tìm người thế chân vào suất đã “đặt mua”. Bà Lan nhấn mạnh: “Lương tâm của chúng tôi không cho phép chúng tôi làm điều đó”.
Trình bày trước Tòa, ông Nguyễn Xuân Tú (là người được bị hại Nguyễn Thị Hải Hà ủy quyền) cho biết, chị Hà đã nộp 428 triệu đồng nhưng cho đến nay chưa nhận lại được đồng nào. Nhiều bị hại cũng cho rằng, với tình trạng hiện nay, khu đất B5 đã giải phóng mặt bằng cơ bản đã xong, tiền của các bị hại cũng đã góp vào Housing Group nhưng không thể đòi lại do bị cáo Nga khai đã chi tiêu hết. Do đó, cũng như nhiều bị hại khác, ông Tú mong muốn Nhà nước có giải pháp nào đó giúp dự án tiếp tục được triển khai, để các bị hại không bị thiệt thòi.
Tại phiên tòa, luật sư hỏi bị cáo Châu Thị Thu Nga, sau khi bị bắt, bị cáo đã làm gì để tiếp tục triển khai dự án B5 Cầu Diễn? Bị cáo Châu Thị Thu Nga tiếp tục khẳng định dự án B5 triển khai không chỉ có nguồn vốn huy động từ người dân đóng góp mà có nhiều nguồn vốn khác nhau.
Theo bị cáo Châu Thị Thu Nga, Housing Group hợp tác với Công ty Công Anh là công ty có nguồn vốn từ nước ngoài. Sau đó nguồn tiền về chậm, Housing cũng đã tìm được một đối tác khác cam kết chuyển 150 triệu USD và thủ tục đang được triển khai thì bị cáo Châu Thị Thu Nga bị bắt. Ngoài ra, bị cáo Nga còn ủy quyền cho người khác được quyền sở hữu toàn bộ cổ phần của bị cáo ở Công ty để giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án B5. "Chúng tôi không lừa đảo, từ đầu đến cuối chúng tôi cũng chỉ có nguyện vọng triển khai dự án B5 Cầu Diễn. Housing đã có đối tác để tiếp tục triển khai dự án, để bảo đảm quyền lợi cho bà con" - bị cáo Nga nói.
Tòa tuyên bố kết thúc phần xét hỏi, sáng thứ 2 (9/10) phiên tòa chuyển sang phần tranh tụng, đại diện Viện Kiểm sát sẽ đọc bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.