Xét xử vụ 'bầu' Kiên: Tranh cãi về trách nhiệm ủy thác tiền gửi

Chiều 23/5, phiên xét xử Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn những người có liên quan đến hoạt động ủy thác tiền gửi của Ngân hàng ACB tại Ngân hàng VietinBank.

Trả lời thẩm vấn, đại diện Ngân hàng VietinBank chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Huỳnh Thị Huyền Như trước khi bị bắt đã giữ chức quyền trưởng phòng giao dịch. Huyền Như đã mượn danh nghĩa của chi nhánh Ngân hàng VietinBank Thành phố Hồ Chí Minh để sử dụng các thủ đoạn gian dối, chiếm đoạt số tiền gửi của Ngân hàng ACB.

Cảnh sát dẫn giải bị cáo Nguyễn Đức Kiên vào phòng xử án. Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN


Vị đại diện này cũng giải thích: Đúng là có 32 hợp đồng có dấu của VietinBank chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo lời của Huyền Như thì 32 hợp đồng đó chỉ mang tính nguyên tắc. Tại thời điểm ký hợp đồng chưa phát sinh, chưa có dấu hiệu gian dối. Sau khi có 32 hợp đồng này thì mới phát sinh. Sự buông lỏng quản lý của ACB đã tạo điều kiện để Huyền Như lợi dụng kẽ hở trong việc quản lý tiền của nhân viên ACB để chiếm đoạt tiền của Ngân hàng này.

Trên cơ sở đó, vị đại diện Ngân hàng VietinBank chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định cơ quan này không phải chịu trách nhiệm về số tiền mà nhân viên ACB đã gửi vào VietinBank.

Tuy nhiên, khi được hỏi về trách nhiệm đối với số tiền Ngân hàng ACB gửi vào VietinBank, đại diện Ngân hàng ACB khẳng định: Về con số 718 tỷ đồng, trách nhiệm thuộc về Ngân hàng VietinBank chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.

Khi nghe 2 đại diện của hai Ngân hàng trả lời, Nguyễn Đức Kiên đã xin phép chủ tọa cho phát biểu: Thứ nhất, đại diện Ngân hàng VietinBank và chị Huyền Như đã trình bày sai bản chất vụ việc. Nội dung sự việc là như sau: Nhân viên Ngân hàng ACB nhận ủy thác của ACB không phải giao dịch với cá nhân chị Huyền Như mà là nhân viên ACB giao dịch với chị Huyền Như là quyền trưởng phòng giao dịch – đơn vị trực thuộc chi nhánh Ngân hàng VietinBank thành phố Hồ Chí Minh. Đây là các hành vi được thực hiện giữa các nhân viên của ACB với một tổ chức được ủy quyền của chi nhánh Ngân hàng VietinBank. Vì vậy chi nhánh gân hàng VietinBank này phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Thứ hai, bản chất của dịch vụ này, với kinh nghiệm làm trong hệ thống ngân hàng nhiều năm, Kiên cho rằng Ngân hàng VietinBank là một Ngân hàng lớn được quản lý chặt chẽ bằng hệ thống công nghệ thông tin. Mọi giao dịch đều được thể hiện trên sổ cái của Ngân hàng VietinBank. Và nếu như Ngân hàng VietinBank nói không biết thì cũng rất dễ dàng kiểm tra. Kiên đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) lấy lại bộ mật mã của Ngân hàng VietinBank để điều tra, làm rõ. Theo đó, Nguyễn Đức Kiên cho rằng, Ngân hàng VietinBank phải chịu trách nhiệm với hành vi do nhân viên của mình gây ra.

Trước đó, tại phiên xử buổi sáng, Hội đồng xét xử đã xét hỏi bị cáo Lý Xuân Hải về việc ủy thác cho nhân viên ACB gửi tiền tại Vietinbank. Hải khai, biên bản họp Hội đồng quản trị đã giao việc ủy thác gửi tiền trên cho 2 người là Hải và kế toán trưởng Nguyễn Văn Hòa. Tiếp đó, Hải đã giao cho kế toán trưởng Nguyễn Văn Hòa trực tiếp triển khai nghiệp vụ này, Hải không đôn đốc, không kiểm tra và cũng không chỉ đạo.

Đại diện VKS đã thẩm vấn Nguyễn Văn Hòa về quá trình giao cho nhân viên đi liên hệ, gửi tiền của ACB vào các Ngân hàng khác. Nguyễn Văn Hòa khai không nhớ cụ thể số tiền đã gửi và số tiền chênh lệch.

Huỳnh Thị Huyền Như bị Tòa gọi lên xét hỏi với tư cách nhân chứng bắt buộc. Huyền Như cho biết trước đó không có quan hệ với Huỳnh Bảo Ngọc (Phó Phòng quản lý quỹ, Ngân hàng ACB) cho đến khi được Ngọc liên hệ để tìm hiểu việc gửi tiền. Trên cơ sở các điều kiện lãi suất, hoa hồng để gửi tiền vào Vietinbank, Như cho biết một số khách hàng gửi với lãi suất 14% nhưng đòi có thêm hoa hồng và Như trực tiếp giải quyết chi thêm số hoa hồng này. Ngọc liên hệ với Như và đề nghị Như mở trước một số tài khoản cho số người gửi mà Ngọc giới thiệu… Thông thường, khách hàng muốn mở tài khoản tại ngân hàng thì phải đến trực tiếp, nhưng các khách hàng đến từ ACB đã không thực hiện việc đó nên nhân viên Vietinbank không thể đối chiếu, kiểm tra. Đó là sơ hở của ACB. ACB cũng không có phản hồi nào về các hợp đồng gửi mà Như thông báo. Các chủ tài khoản này cũng không kiểm tra, không phát hiện ra việc các tài khoản này bị Huyền Như xâm phạm, tạo điều kiện cho Huyền Như làm giả hợp đồng để chiếm đoạt khoảng 500 tỷ đồng…

Trong phần nghỉ giải lao giữa phiên xử, Hội đồng xét xử đã tạo điều kiện cho các bị cáo đã được tiếp xúc với người nhà. Nguyễn Đức Kiên đã được gặp vợ ngay tại khu vực dành cho bị cáo trước vành móng ngựa dưới sự giám sát của lực lượng cảnh sát.

Sáng 24/5, phiên xử được tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo.


Kim Anh

Xét xử 'bầu' Kiên - lời cảnh tỉnh cho các ngân hàng
Xét xử 'bầu' Kiên - lời cảnh tỉnh cho các ngân hàng

Bên lề phiên họp Quốc hội, PGS.TS Bùi Thị An - đại biểu quốc hội Hà Nội cho rằng, cần làm rõ bản chất vụ án phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á châu (ACB) để cảnh tỉnh các ngân hàng thương mại cổ phần hoạt động theo đúng quy định pháp luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN