​Xét xử vụ AIC: Nhiều bị cáo bỏ trốn gửi đơn xin hợp tác với Tòa án

Tại phiên tòa sáng 23/12, nhiều luật sư bào chữa cho một số bị cáo bỏ trốn cho biết thân chủ của mình đã gửi đơn xin hợp tác với Tòa án.

Chú thích ảnh
Các bị cáo tại phiên tòa, sáng 21/12. Ảnh minh họa: An Đăng/TTXVN

Sáng 23/12, tiếp tục xét hỏi tại phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) và 35 bị cáo vi phạm quy định về đấu thầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đưa và nhận hối lộ. Tại phiên tòa, nhiều luật sư bào chữa cho một số bị cáo bỏ trốn cho biết thân chủ của mình đã gửi đơn xin hợp tác với Tòa án.

Trong vụ án này, có tổng số 36 bị cáo bị đưa ra xét xử, trong đó có 8 bị cáo đã xuất cảnh, đang bỏ trốn và bị Cơ quan điều tra truy nã. Việc 8 bị cáo này bỏ trốn bị xác định là đã gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án. Cơ quan điều tra đã phát thư kêu gọi ra trình diện hoặc đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, thực hiện quyền bào chữa theo quy định; trường hợp không ra đầu thú coi như từ bỏ quyền bào chữa và bị truy tố, xét xử.

Tại phiên xử sáng 23/12, luật sư Nguyễn Văn Tú (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết - nguyên Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội) cho biết, bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết đã gửi đơn tới Hội đồng xét xử. Trong đó trình bày về việc bị cáo Thuyết đã xuất cảnh sang Mỹ từ tháng 4/2021 để giám hộ cho 2 con đang theo học tại đây. Bị cáo Thuyết xuất cảnh từ trước khi các cơ quan tố tụng tiến hành xác minh vụ án này. Bị cáo Thuyết đã gửi đơn tới Hội đồng xét xử xác định tôn trọng toàn bộ nội dung Kết luận điều tra và nội dung Cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Bị cáo Thuyết xin được xét xử vắng mặt và xin chấp hành mọi phán quyết của Tòa. Bản thân bị cáo Thuyết cũng đã nhờ gia đình nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính gần 2 tỷ đồng. Đồng thời, bị cáo Thuyết bày tỏ mong mỏi Hội đồng xét xử có một phán quyết công tâm, khách quan, thấu tình, đạt lý.

Đơn của bị cáo Thuyết đã được gửi tới Hội đồng xét xử trước khi diễn ra phiên tòa. Hội đồng xét xử đã chấp thuận đơn xin xét xử vắng mặt của bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết và kêu gọi các bị cáo bỏ trốn còn lại tiếp tục ra đầu thú để được hưởng khoan hồng của pháp luật.

Cũng trong phần trình bày sáng 23/12, các luật sư bào chữa của 2 bị cáo bỏ trốn khác là bị cáo Đỗ Mỹ Hạnh (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cát Vân Sa) và Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty Việt Tiên) đã thông báo về việc thân chủ của họ đã gửi đơn và tâm thư đến Tòa bày tỏ nguyện vọng hợp tác cùng các cơ quan tố tụng.

Cụ thể, bị cáo Hạnh đã gửi tâm thư bày tỏ mong muốn được xét xử công tâm, khách quan và xin chấp nhận phán quyết của Tòa.

Theo cáo trạng, Công ty Cát Vân Sa do bị cáo Đỗ Mỹ Hạnh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Hoàng Thế Quỳnh (nhân viên Công ty AIC) đã liên hệ với Đỗ Mỹ Hạnh đặt vấn đề nhờ ký bảng báo giá thiết bị y tế của dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai. Do muốn bán thiết bị y tế cho dự án thông qua Công ty AIC nên Đỗ Mỹ Hạnh đồng ý và chỉ đạo Trần Thị Hoa Trang - Kế toán trưởng Công ty Cát Vân Sa ký 13 bảng báo giá của các gói thầu từ Gói số 64 đến 77 (trừ Gói số 66) do nhóm của Hoàng Thế Quỳnh lập sẵn. Sau đó, Hoàng Thế Quỳnh gửi 13 bảng báo giá này đến Công ty Thẩm định giá Thế Hệ Mới để làm căn cứ xác định giá của chứng thư thẩm định theo mức giá của Công ty AIC.

Sau khi Công ty AIC trúng thầu, Công ty Cát Vân Sa ký hợp đồng kinh tế bán 42 thiết bị y tế cho Công ty TCI đưa vào dự án, thu lợi nhuận số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, Đỗ Mỹ Hạnh khai nhận hành vi của mình. Sau đó, Hạnh bỏ trốn, Cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã nhưng không có kết quả. Căn cứ các tài liệu chứng cứ, lời khai nhận của Đỗ Mỹ Hạnh phù hợp với lời khai của các bị cáo và người liên quan khác trong vụ án, cơ quan tố tụng xác định: Đỗ Mỹ Hạnh đã thực hiện hành vi thông thầu thông qua việc ký khống 13 bảng báo giá thiết bị để chuyển cho đơn vị tư vấn thẩm định giá. Sau đó, Công ty AIC và các công ty "quân đỏ" trúng 13 gói thầu theo mức giá của các báo giá trên, gây thiệt hại số tiền hơn 128 tỷ đồng.

Đối với bị cáo Ngô Thế Vinh, trong đơn gửi tới Hội đồng xét xử, bị cáo Vinh trình bày hoàn cảnh đang chăm sóc con ốm ở Mỹ, bị cáo cũng đang phải điều trị bệnh theo chỉ định của bác sĩ tại đây, không kịp về Việt Nam tham dự phiên tòa nên mong muốn sẽ hợp tác, chấp hành các yêu cầu của cơ quan tố tụng.

Theo sự phân công của Hoàng Thế Quỳnh, Nguyễn Quang Minh (cũng là nhân viên Công ty AIC) liên hệ với Ngô Thế Vinh đặt vấn đề làm "quân xanh" cho Công ty AIC tham gia đấu thầu tại dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai. Vì muốn bán thiết bị y tế cho Dự án thông qua Công ty AIC nên Ngô Thế Vinh đồng ý lập hồ sơ pháp lý và ký hợp thức Hồ sơ dự thầu 10 gói thầu của dự án, gồm gói số 64, 65, 67, 69, 72, 73, 74, 75, 76 và 77 do nhóm Hoàng Thế Quỳnh, Lê Chí Tuân (trưởng nhóm hồ sơ – Ban Quản lý dự án 1 Công ty AIC) thiết lập đứng tên Công ty Việt Tiên.

Để hợp thức Hồ sơ dự thầu của Công ty Việt Tiên, trước đó Ngô Thế Vinh đã ký giấy giới thiệu chuyển cho Nguyễn Quang Minh để mua hồ sơ dự thầu. Ngoài ra, Vinh còn cung cấp cho Minh báo giá thiết bị của các hãng sản xuất (Kavo - Đức, Keer và Gendex - Mỹ, Satelcc - Pháp) và lập hồ sơ kỹ thuật thiết bị y tế của gói thầu số 70, 71. Công ty Việt Tiên làm "quân xanh" để Công ty AIC và các công ty "quân đỏ" trúng 10 gói thầu, gây thiệt hại số tiền gần 75 tỷ đồng.

Sau khi Công ty AIC trúng thầu, Công ty Việt Tiên ký 3 hợp đồng bán 11 thiết bị y tế cho Công ty TCI để cung cấp vào dự án, qua đó thu lợi nhuận số tiền 120 triệu đồng.

Quá trình điều tra, Ngô Thế Vinh khai nhận hành vi của mình, sau đó Vinh bỏ trốn; Cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã nhưng không có kết quả. Căn cứ lời khai nhận của Ngô Thế Vinh phù hợp với lời khai của Hoàng Thế Quỳnh, Nguyễn Quang Minh, Lê Chí Tuân… và các tài liệu, chứng cứ khác, Cơ quan tố tụng đã xác định: Ngô Thế Vinh đã thực hiện hành vi thông thầu thông qua việc làm "quân xanh" giúp Công ty AIC trúng 10 gói thầu, gây thiệt hại số tiền gần 75 tỷ đồng.

Chiều 23/12, phiên tòa tiếp tục với phần luật sư tham gia xét hỏi các bị cáo.

Kim Anh (TTXVN)
Xét xử vụ AIC: Thời gian điều tra vụ án là đúng luật định
Xét xử vụ AIC: Thời gian điều tra vụ án là đúng luật định

Chiều 22/12, tại phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tiến bộ - viết tắt là Công ty AIC) và 35 bị cáo vi phạm quy định về đấu thầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đưa và nhận hối lộ, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa đã tiến hành xét hỏi các bị cáo. Tại phiên tòa, công tố viên khẳng định: “Thời gian tiến hành điều tra vụ án AIC là đúng luật định”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN