Xét xử 'kì án' giang hồ bến xe Miền Đông: Các bị cáo cho rằng bị điều tra viên ép cung

Sau 7 lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, sáng 12/7, TAND TP Hồ Chí Minh đã đưa vụ án “giang hồ bảo kê khu vực bến xe Miền Đông” do Nguyễn Trọng Ngôn cầm đầu ra xét xử. Chủ toạ phiên toà là Thẩm phán Vũ Thanh Lâm.

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ 2010-2013, tại khu vực bến xe Miền Đông nổi lên băng nhóm tội phạm do Nguyễn Trọng Ngôn (tức Tí điên) cầm đầu, gây ra nhiều vụ cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản của các nhà xe. Với phương thức thủ đoạn hoạt động trắng trợn, manh động của các đối tượng đã gây hoang mang lo sợ cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là các công ty vận tải hành khách, người dân sống xung quanh khu vực bến xe Miền Đông.

 

Băng nhóm do Ngôn cầm đầu gồm các đối tượng: Dương Văn Lành, Đinh Trọng Quý (tức Quý thối), Hồ Sỹ Quý (tức Quý điên)  Nguyễn Công Chính (tức Chín rồng)  Nguyễn Quốc Mạnh, Ngô Quang Đồng, Đàm Huy Hải, Nguyễn Tăng Tiến, Nguyễn Đình Thiện (tức Bi Huế)  Ngô Thiên (tức Chúc Nẫu)…

Bị cáo Nguyễn Trọng Ngôn tại tòa.

Cáo trạng vụ án cho rằng, từ năm 2010, Nguyễn Trọng Ngôn đứng ra tụ tập cho các đối tượng thành băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen tại khu vực bến xe Miền Đông. Băng nhóm cùa Ngôn sẵn sàng đánh bất cứ người nào gây mâu thuẫn với Ngôn và băng nhóm đối tượng của Ngôn để dằn mặt và tạo “uy tín” tại khu vực bến xe Miền Đông.

 

Trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến khi bắt giữ, Nguyễn Trọng Ngôn và đồng bọn đã gây ra nhiều vụ cố ý gây thương tích trên địa bàn bến xe Miền Đông. Cụ thể, Nguyễn Trọng Ngôn và đồng bọn thực hiện ba vụ cố ý gây thương tích đối với ông Lê Đức Lợi với tỉ lệ thương tật trên 58%, ông Nguyễn Hữu Bình (tỉ lệ thương tật 20,8%) và vụ cố ý gây thương tích cho ông Vũ Đức Duy.

 

Tại phiên toà, các luật sư đề nghị HĐXX cho triệu tập nhân chứng để làm rõ một số tình tiết trong vụ án, do đây là vụ án mà chứng cứ chủ yếu dựa vào lời khai. Trước đó để đảm bảo an toàn cho nhân chứng, Toà án đã trả hồ sơ và yêu cầu CQĐT triệu tập các nhân chứng đến cơ quan cảnh sát điều tra để các luật sư thực hiện xét hỏi nhân chứng. Tuy nhiên, các luật sư đã không đến vì cho rằng buổi xét hỏi không có thân chủ của mình để đối chất và thư mời luật sư của CQĐT chỉ mời để “chứng kiến” chứ không cho tham gia quá trình xét hỏi.

 

Trong phần xét hỏi tại phiên tòa, ngoại trừ bị cáo Hồ Sỹ Quý chấp nhận toàn bộ lời khai tại CQĐT, các bị cáo còn lại đồng loạt phản cung, cho rằng đã bị điều tra viên Đào Văn Khoa đánh đập, ép cung bắt khai nhận không đúng sự thật.

 

Bị cáo Lành, người được HĐXX hỏi đầu tiên, khẳng định mình không đánh ông Lợi và không đánh ông Bình như cáo trạng quy kết. Lành khai, do làm ăn ở bến xe, nghe hô hoán đánh nhau nên chạy đến xem và thấy Hồ Sỹ Quý, Nguyễn Quốc Mạnh ở hiện trường vụ xô xát nhưng không nhìn thấy ai trực tiếp đánh.

 

“Tại CQĐT bị cáo bị ép, dẫn cung, nói mày nhận tội đi rồi được về, không tao giam mày… bắt giam vợ con mày. Các điều tra viên đánh, chích điện Nguyễn Trọng Ngôn ngay trước mặt bị cáo nên bị cáo sợ, phải khai theo yêu cầu của điều tra viên (Đào Văn Khoa). Bị cáo khẳng định không tham gia đánh, chỉ có mặt và chứng kiến vụ ông Bình bị đánh”, Lành khai.

 

Tương tự, các bị cáo Ngô Quang Đồng, Đinh Trọng Quý, Nguyễn Quốc Mạnh cũng đồng loạt cho rằng chính điều tra viên Đào Văn Khoa đã đánh đập, ép cung bắt kí vào biên bản ghi lời khai chứ các bị cáo này hoàn toàn không biết vụ đánh ông Lợi và chỉ là người đến xem khi nghe đánh nhau trong vụ đánh ông Bình.

 

Bị cáo đầu vụ Nguyễn Trong Ngôn còn đưa ra “chứng cứ ngoại phạm” trong cả hai vụ đánh ông Lợi và ông Bình là cả hai vụ đánh nhau đều xảy ra lúc chiều tối, trong khi bị cáo Ngôn trong nhiều năm làm việc tại bến xe Miền Đông chỉ làm ca sáng, điều này chính Công ty An Sinh – nơi bị cáo Ngôn làm việc trước khi bị bắt có thể xác nhận.

 

Bị cáo Ngôn khai: “Trong suốt quá trình điều tra viên lấy lời khai, không một lần nào có sự chứng kiến của luật sư và đại diện Viện kiểm sát. Bị cáo nhiều lần bị đánh đập, bóp d… (hạ bộ) để buộc chấp nhận tham gia đánh ông Lợi và ông Bình… Bị cáo còn bị điều tra viên Đào Văn Khoa đánh đập đầu vào cạnh bàn chảy máu rất nhiều nhưng không được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Điều tra viên Đào Văn Khoa ép bị cáo phải kí nhận tự mình đập đầu vào tường sau đó mới cho đưa đi bệnh viện 30/4 để cấp cứu. Vì máu chảy nhiều bị cáo sợ chết, không còn làm gì được nên buộc phải kí nhận vào bản cung do điều tra viên viết sẵn”.

 

Có mặt tại tòa, người bị hại trong vụ án là anh Nguyễn Hữu Bình cũng khẳng định không nhận ra ai đánh mình, nhưng sau đó nghe kể lại thì biết có Lành và Quý cùng một vài người nữa có mặt trong lúc xảy ra vụ việc.

 

Đáng chú ý, trong khi trao đổi với chúng tôi, anh Bình khẳng định, bị cáo Mạnh không thể là người tham gia đánh anh được vì anh và bị cáo Mạnh là người quen biết, gặp nhau hàng ngày. Dù vậy, cáo trạng vẫn kết luận Mạnh là một trong những bị cáo tham gia đánh anh Bình.

 

Báo Tin Tức sẽ tiếp tục thông tin về những diễn biến mới trong những phiên xét xử sau.

 

Lê Hiền/Báo Tin Tức
Bắt tạm giam cán bộ Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Bắt tạm giam cán bộ Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Đại tá Phạm Văn Ngân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Vĩnh Long đang điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Nguyễn Văn Tâm (sinh năm 1977), cán bộ Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN