Vụ Sài Gòn Đại Ninh: Tiến hành xét hỏi các bị cáo 

Chiều 16/1, trong phần xét hỏi tại phiên tòa xét xử vụ án Sài Gòn Đại Ninh, các bị cáo khai khi nhận tiền do Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh - Công ty Sài Gòn Đại Ninh) đưa đều nghĩ đó chỉ là “quà cảm ơn” của doanh nghiệp mà không cho đó là tiền nhận hối lộ.

Chú thích ảnh
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Cao Trí mua lại 100% cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh - chủ đầu tư dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Trước đó, dự án này đã bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm và kiến nghị tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của dự án.

Bị cáo Trí đã lợi dụng mối quan hệ, dùng tiền, lợi ích vật chất để móc nối, câu kết với một số cá nhân ở Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy Lâm Đồng và UBND tỉnh Lâm Đồng để thực hiện hành vi thay đổi, điều chỉnh trái pháp luật quyết định của Nhà nước.

Cụ thể, Nguyễn Cao Trí đã nhiều lần đưa hối lộ tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng cho các bị cáo tại Thanh tra Chính phủ và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng để các bị cáo thực hiện các hành vi sai phạm, giúp Trí đạt được mục đích thay đổi Kết luận thanh tra, từ chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của Dự án thành không thu hồi, cho giãn tiến độ và tiếp tục thực hiện Dự án trái quy định của pháp luật.

Trong đó, bị cáo Trí gửi “quà cảm ơn” 200 triệu đồng cho bị cáo Mai Tiến Dũng (cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) và hỗ trợ 380 triệu đồng tiền mua quà lưu niệm là bộ ấm chén cho lễ kỷ niệm của Văn phòng Chính phủ. Bị cáo Dũng đã phối hợp với gia đình nộp 580 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

Khai tại Tòa, bị cáo Dũng cho biết, ngày 4/10/2020, Trí cầm theo đơn kiến nghị đến phòng làm việc của bị cáo nhờ chuyển giúp. Nội dung đơn không nằm trong lĩnh vực phụ trách song bị cáo Dũng vẫn chuyển giúp và bút phê "chuyển vụ I". Tại cuộc gặp này, bị cáo Dũng nhận 200 triệu đồng của bị cáo Trí. Bị cáo Dũng thừa nhận hành vi của mình là sai, xin nhận trách nhiệm trước lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân, song cho rằng bị cáo "không mặc cả hay thỏa thuận gì" và 200 triệu đồng do bị cáo Trí "tự cho".

Trả lời thẩm vấn của Hội đồng xét xử, bị cáo Trần Bích Ngọc (cựu Vụ trưởng Vụ theo dõi công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Vụ I), Văn phòng Chính phủ) khai: Công ty Sài Gòn Đại Ninh có tất cả 7 đơn kiến nghị gửi đến Văn phòng Chính phủ. Các đơn này đã được chuyển sang Thanh tra Chính phủ theo thẩm quyền hoặc lưu  lại do trùng nội dung. Suốt quá trình này, bị cáo Trí nhiều lần gọi điện thoại giục bị cáo Ngọc xử lý sớm đơn kiến nghị và đã đưa cho bị cáo Ngọc 50 triệu đồng. Bị cáo Ngọc khai: Khi đó chỉ nghĩ đơn giản rằng đây là một món quà song sau này làm việc với cơ quan điều tra mới biết đó là sai phạm. Bị cáo hết sức ân hận và mong Hội đồng xét xử xem xét thêm về bối cảnh phạm tội đang là giai đoạn giao thoa của hai Luật Thanh tra năm 2010 và 2020. Đến khi Luật Thanh tra 2020 có hiệu lực thì mới có quy định cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục xử lý các kiến nghị, khiếu nại của tổ chức liên quan kết luận thanh tra.

Theo cáo trạng, bị cáo Ngọc đã tham mưu, xin ý kiến và truyền đạt ý kiến của lãnh đạo Chính phủ về việc chuyển đơn, giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra, giải quyết phản ánh của Sài Gòn Đại Ninh. Bị cáo đã trình các văn bản trái quy định, tạo tiền đề cho thanh tra lập tổ công tác xác minh. Đồng thời, còn tham mưu, đề xuất lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Chính phủ đồng thuận với kết luận thanh tra sửa đổi để cho gia hạn, giãn tiến độ dự án trái pháp luật.

Tại tòa, bị cáo Trần Văn Hiệp (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng) khai việc giúp đỡ Nguyễn Cao Trí để dự án không bị thu hồi đã được Trí cảm ơn 4,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, bị cáo làm việc này không vì động cơ vụ lợi mà vì dự án Đại Ninh là dự án lớn được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng tỉnh Lâm Đồng nhưng đã chậm tiến độ hơn 10 năm, qua 3 kỳ đại hội. Do đó, đến khi bị cáo nhậm chức Chủ tịch tỉnh hồi tháng 11/2020 đã rất sốt ruột muốn hoàn thành dự án. Đồng thời, do biết doanh nghiệp của Nguyễn Cao Trí là đơn vị có năng lực nên bị cáo rất tin tưởng về tính khả thi của dự án.

Bị cáo Hiệp khai thêm, khoản tiền cảm ơn 4,2 tỷ đồng này được bị cáo dùng chủ yếu vào công tác thiện nguyện. Gia đình bị cáo đã thu thập những chứng từ liên quan, đồng thời cũng khắc phục và nộp đủ số tiền vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra.

Tương tự, bị cáo Trần Đức Quận (cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng) cũng cho hay, việc đưa dự án Đại Ninh, cũng như tất cả các dự án chậm tiến độ được triển khai trở thành mục tiêu rất lớn khi bị cáo được giữ chức Bí thư Tỉnh ủy. Đặc biệt, dự án Đại Ninh nằm trong Nghị quyết đại hội tỉnh nhưng 3 nhiệm kỳ chưa được hoàn thành. Do đó, mặc dù thực tế thẩm quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án thuộc UBND tỉnh nhưng với cương vị Bí thư Tỉnh ủy, bị cáo Quận vẫn đôn đốc thực hiện.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng thừa nhận được Nguyễn Cao Trí cảm ơn 5 lần với tổng số 2,1 tỷ đồng, song khai bị cáo không đòi hỏi, không ép buộc doanh nghiệp phải đưa tiền. Có nhiều lần Trí nhờ bị cáo lưu tâm giúp để dự án sớm được triển khai và bị cáo coi đó cũng là trách nhiệm của mình với cương vị Bí thư Tỉnh ủy…

Chiều 16/1, phiên tòa kết thúc phần xét hỏi. Sáng 17/1, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố sẽ trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo trong vụ án.

Kim Anh (TTXVN)
Vụ Sài Gòn Đại Ninh: Sai phạm vụ án 'tiếp tay' cho 4 vụ phá 3.522 m2 rừng
Vụ Sài Gòn Đại Ninh: Sai phạm vụ án 'tiếp tay' cho 4 vụ phá 3.522 m2 rừng

Sáng 16/1, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 10 bị cáo trong vụ án Sài Gòn Đại Ninh về các tội: “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN