Vụ rừng nguyên liệu giấy ở Lâm Đồng 'biến mất': Sẽ giải tỏa cây trồng trái phép

Ngày 7/11, ông Thủy Ngọc Phúc, Giám đốc Xí nghiệp nguyên liệu giấy Lâm Đồng (trực thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai, tỉnh Đồng Nai) cho biết, trong hai ngày 6 và 7/11, Xí nghiệp cùng với cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm tiến hành thẩm tra diện tích rừng trên địa bàn huyện thuộc Xí nghiệp quản lý đang bị tái lấn chiếm; sau đó sẽ có kế hoạch giải tỏa trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Khu vực trồng rừng nguyên liệu giấy (giáp ranh thôn 3, xã B’Lá với xã Lộc Quảng, Bảo Lâm) nhìn từ trên cao.

Trước đó, Xí nghiệp nguyên liệu giấy Lâm Đồng đã xây dựng các phương án giải tỏa cây trồng trái phép trên 82,98ha trong tổng số 91ha đất bị tái lấn chiếm với tại các xã B’Lá, Lộc Quảng, Lộc Phú và thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm. Những diện tích này bị tái lấn chiếm nhiều lần, đang được trồng cà phê, chè, dâu tằm, bắp…và có cả chòi xây dựng trái phép. Những diện tích còn lại nằm rải rác ở các xã khác của huyện Bảo Lâm sẽ được xử lý sau. Sau khi giải tỏa, thu hồi, diện tích đất trên sẽ được trồng lại rừng nguyên liệu giấy theo đúng quy định.

Liên quan đến việc nhiều diện tích đất trồng rừng nguyên liệu giấy có hiện tượng cho thuê hoặc bị thiếu hụt như TTXVN đã có bài phản ánh ngày 2/1, ông Phúc lý giải, năm 2007 Ban Quản lý rừng Phòng hộ Đạm Bri bàn giao 635,3ha đất có rừng cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai quản lý. Đến thời điểm kiểm kê tháng 1/2018, diện tích rừng trồng chỉ còn 463,71ha, bị “hao hụt” so với mốc bàn giao rừng. Theo ông Phúc nguyên nhân là do có hơn 100ha đang trồng nhưng chưa thành rừng, 76ha đất trống do đã trồng rừng nhiều lần nhưng bị đốt phá và 91ha đất bị lấn chiếm trồng cây nông nghiệp nên không đưa vào kiểm kê.

Hiện nay, diện tích này chủ yếu nằm trong 254ha đã được Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai ký hợp tác đầu tư trồng rừng nguyên liệu giấy với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đông Nương (huyện Bảo Lâm) từ tháng 5/2015. Tuy nhiên sau 3 năm hợp tác, diện tích đất rừng trồng cây nông nghiệp nhiều hơn đất trồng rừng nguyên liệu do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đông Nương để người dân lấn chiếm trồng cây nông nghiệp và công ty này tự trồng dâu. Cụ thể, diện tích trồng rừng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đông Nương đạt yêu cầu là 85,39ha; diện tích chưa thi công trồng rừng là 76,62ha; diện tích đất đang canh tác cây nông nghiệp là 91,89ha.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai đã yêu cầu Công ty Đông Nương tự giải tỏa các diện tích cây trồng như bơ, chè, cà phê, chanh dây tại Tiểu khu 450 (xã Lộc Quảng) để trồng rừng nguyên liệu giấy theo đúng quy định; yêu cầu Công ty Đông Nương chủ động, khẩn trương trồng lại 76ha rừng bị phá, bị cháy ngay trong mùa mưa 2019; đồng thời, phối hợp với Xí nghiệp nguyên liệu giấy Lâm Đồng và các cơ quan chức năng của huyện để giải tỏa, thu hồi 91ha hiện đang bị người dân lấn chiếm trồng cây nông nghiệp trái phép như kế hoạch nêu trên.

Đối với thông tin đất trồng rừng được cho thuê với giá 15 triệu đồng/ha để trồng cây nông nghiệp như bài phản ánh của TTXVN đã nêu, ông Thủy Ngọc Phúc cho biết sẽ phối hợp với cơ quan chức năng địa phương và đề nghị điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tin, ảnh: Nguyễn Dũng (TTXVN)
Lâm Đồng: 'Biến mất' hàng trăm ha rừng nguyên liệu giấy
Lâm Đồng: 'Biến mất' hàng trăm ha rừng nguyên liệu giấy

Hàng trăm ha đất lâm nghiệp ở huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) được bàn giao cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai (Đồng Nai) để trồng rừng nguyên liệu giấy. Thế nhưng sau hàng chục năm, nhiều diện tích đã được “phủ xanh” dâu tằm hoặc cây nông nghiệp khác, trong khi hàng trăm ha rừng nguyên liệu giấy đã “biến mất”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN