Vụ phá trắng gần 20ha rừng ở Đắk Lắk: Chủ rừng và bảo vệ rừng 'không hề hay biết'

Gần 20ha rừng tại tiểu khu 238, do Ủy ban nhân dân xã Ea Bung, huyện Ea Súp (Đắk Lắk) quản lý bị các đối tượng phá trắng, cạo trọc, lấn chiếm đất trong một thời gian dài nhưng chính quyền địa phương, các đơn vị bảo vệ rừng không hề hay biết.

Sau khi triệt hạ cây rừng, các đối tượng đã cắt các thân gỗ thành từng khúc có chiều dài 2m vận chuyển ra đường, tập kết khu vực bìa rừng.

Phá trắng rừng tự nhiên

Ngày 17/5, phóng viên TTXVN đã tìm về tiểu khu 238, xã Ea Bung, huyện Ea Súp để phản ánh về vụ hủy hoại rừng. Vị trí rừng bị tàn phá nằm ở khu vực địa hình tương đối bằng phẳng, dọc hai bên đường đi vào khu vực lõi rừng. Khoảng cách từ điểm phá rừng này đến Ủy ban nhân dân xã Ea Bung hơn 30km và cách Đồn biên phòng 739 (Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Lắk) và Trạm Kiểm lâm số 8 (Vườn Quốc gia Yok Đôn) khoảng 15km.

Diện tích rừng bị “phá trắng” được xác định là rừng tự nhiên tại các khoảnh 6,7 của tiểu khu 238. Tại hiện trường, nhiều vạt rừng lớn đã bị cưa hạ, nằm la liệt. Càng tiến sâu vào lõi rừng, diện tích rừng bị “cạo trọc” ngày càng nhiều. Sau khi triệt hạ cây rừng, các đối tượng đã cắt các thân gỗ thành từng khúc dài 2m, vận chuyển ra đường, tập kết thành từng đống.

Theo nhận định của lực lượng chức năng, rừng bị tàn phá là rừng gỗ “dầu” có đường kính từ 20-60cm; trong đó 8ha đã bị phá trước đó gần 1 tháng thì lá, cành cây đã khô, hơn 10ha vừa mới bị cưa hạ lá còn xanh, thân cây bị cắt còn ứa nhựa. Mục đích của việc triệt hạ các cánh rừng không phải để khai thác lâm sản mà chủ yếu là lấn chiếm đất trồng cây công nghiệp và hoa màu.

Để chuẩn bị cho cuộc “đại phẫu rừng”, các đối tượng đã dựng 3 lán trại, mang theo các dụng cụ để nấu ăn, nước uống, dao rựa, xăng, cưa máy. Dấu vết từ các lán trại cho thấy các đối tượng đã ở đây một thời gian dài nhưng không hề có lực lượng quản lý, bảo vệ rừng nào phát hiện ra.

Liên quan đến vụ việc này, Thiếu tá Trịnh Xuân Nguyện - Đồn trưởng Đồn biên phòng 739 cho biết, ngày 14/5, trong lúc tuần tra, cán bộ chiến sỹ của Đồn đã phát hiện và bắt giữ một nhóm 4 đối tượng gồm: Ma Văn Tuân, xã Ea Lê (đang nấu cơm) cùng Nguyễn Văn Chung (sinh năm 1985, trú tại thôn 14, xã Ea Lê), Phan Văn Dương (sinh năm 1985), Lê Văn Dương (sinh năm 1983), đều trú tại thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp) đang trực tiếp phá rừng. Đơn vị đã bàn giao 3 đối tượng đang trực tiếp phá rừng cho Công an huyện Ea Súp, điều tra, xử lý theo quy định.

Chủ rừng “bất lực” nhìn rừng bị tàn phá

Từ tiểu khu 238, chúng tôi tìm đến Ủy ban nhân dân xã Ea Bung. Ông Nguyễn Ngọc Luật, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cho biết, Ea Bung có diện tích đất lâm nghiệp và đất rừng là 25.000ha, riêng tại tiểu khu 238 có diện tích rừng tự nhiên 1.000ha (được UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho xã quản lý từ năm 1996). Sau khi vụ việc phá rừng xảy ra, Ủy ban nhân dân xã đã cử cán bộ phối hợp với Kiểm lâm, Công an huyện Ea Súp tiến hành đo đạc lại diện tích rừng bị phá lấn chiếm, cắt cử lực lượng bảo vệ hiện trường vụ phá rừng.

Ông Trương Văn Dự - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp khẳng định, để xảy ra vụ phá rừng có phần trách nhiệm của Kiểm lâm và chính quyền địa phương. Chiều 14/5, lực lượng Kiểm lâm, Công an, Viện Kiểm sát huyện đã phối hợp với Đồn biên phòng 739 tiến hành lập biên bản hiện trường vụ việc. Ngày 15/5, Hạt Kiểm lâm huyện đã có văn bản số 86 BC-HKL đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp chỉ đạo xã Ea Bung bố trí lực lượng bảo vệ hiện trường vụ phá rừng bị phá, lấn chiếm, đồng thời tăng cường bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên TTXVN tại hiện trường vụ phá rừng không hề có một kiểm lâm hay cán bộ quản lý bảo vệ rừng nào. Lý giải về việc này, ông Nguyễn Ngọc Luật - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Bung cho biết, hiện nay việc quản lý bảo vệ rừng ở tiểu khu 238 đang gặp rất nhiều khó khăn do trụ sở hành chính của xã cách tiểu khu này hơn 30km; địa phương có diện tích đất lâm nghiệp và rừng rất lớn nhưng chỉ có một kiểm lâm địa bàn, cán bộ đa phần làm kiêm nhiệm. Hiện đang là đầu mùa mưa, các đối tượng thường đi theo nhóm chặt phá rừng vào ban đêm và rạng sáng để trồng cây màu nên việc mật phục bắt quả tang, ngăn chặn rất khó khăn.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Luật, khi vụ việc phá rừng được phát hiện, xã được giao trực tiếp bảo vệ hiện trường, thu gom vận chuyển lâm sản khai thác trái phép. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là địa phương chưa có kinh phí, phương tiện, nhân lực để bảo vệ, vận chuyển lâm sản khai thác trái phép về phục vụ công tác điều tra theo quy định.

Việc các cánh rừng tự nhiên ở xã Ea Bung đang bị tàn phá do thiếu sự quản lý của chủ rừng và lực lượng bảo vệ rừng đang là “miếng mồi ngon” cho các đối tượng "lâm tặc" lợi dụng để hủy hoại rừng, lấn chiếm đất rừng. Các ngành chức năng của huyện Ea Súp cần vào cuộc làm rõ động cơ, mục đích của việc phá rừng trái pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng hủy hoại rừng theo quy định.

Bài, ảnh: Phạm Cường (TTXVN)
Yêu cầu kiểm điểm cá nhân, tập thể để xảy ra phá rừng lấy đất nuôi tôm tại Cà Mau
Yêu cầu kiểm điểm cá nhân, tập thể để xảy ra phá rừng lấy đất nuôi tôm tại Cà Mau

Thời gian qua, nhiều hộ dân tại các ấp Tân Tiến, Tân Trung thuộc xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển rất bức xúc trước hành vi của một hộ dân tự ý phá rừng lấy đất nuôi tôm kéo dài hơn 4 năm qua nhưng không được ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN