Vụ bị cáo tự vẫn ở Cà Mau: Bản án tuyên đúng người, đúng tội, đúng pháp luật

Trước thông tin liên quan đến một bị cáo ở Cà Mau tự vẫn vì cho rằng bản án oan sai, ngày 22/3, phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau Hà Thanh Hùng để làm rõ thông tin dư luận quan tâm.

Theo hồ sơ ban đầu, cả 5 bị cáo gồm Trần Duy Phương (Phương Max), Trần Duy Phương (Phương Kio), Lê Minh Lỉnh, Nguyễn Phát Lợi và Đoàn Thế Nguyễn đều thừa nhận tất cả hành vi phạm tội của mình. Hành vi và lời khai của các bị cáo hoàn toàn trùng khớp nhau. Tuy vậy, bị cáo Lỉnh kêu oan nhưng không cung cấp được chứng cứ để chứng minh mình bị oan. Trong khi đó, các bị cáo Trần Duy Phương (Phương Max), Trần Duy Phương (Phương Kio), Nguyễn Phát Lợi và Đoàn Thế Nguyễn đã nộp tiền bồi thường cho bị hại là 100 triệu đồng.

Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết, mặc dù bị cáo Lỉnh không phải là người trực tiếp gây án, nhưng bị cáo với vai trò là đồng phạm, hỗ trợ giúp sức đánh Nguyễn Hoàng Nam và Nguyễn Vũ Kha, khiến Nguyễn Vũ Kha bị thương tật với tỷ lệ 25%. Do vậy, Bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau tuyên y án sơ thẩm là đúng người, đúng tội, không bỏ sót lọt tội phạm, đúng theo trình tự, quy định của pháp luật.

Liên quan đến việc bị cáo Lỉnh tự vẫn, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau Hà Thanh Hùng chia sẻ đây là sự việc đáng tiếc. Nếu bị cáo cho rằng bị oan thì có thể đề nghị Tòa án cấp trên xem xét giải quyết.

Trước đó, Bản án hình sự sơ thẩm số: 49/2023/HS-ST ngày 25/8/2023 của Tòa án nhân dân huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đã tuyên xử bị cáo Trần Duy Phương (Phương Max) 3 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”; các bị cáo Trần Duy Phương (Phương Kio), Lê Minh Lỉnh, Nguyễn Phát Lợi, Đoàn Thế Nguyễn cùng bị phạt 2 năm 6 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Ngày 5/9/2023, các bị cáo Trần Duy Phương (Phương Max), Trần Duy Phương (Phương Kio), Nguyễn Phát Lợi, Lê Minh Lỉnh đều kháng cáo đề nghị hủy án sơ thẩm vì cho rằng án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, đánh giá không công tâm khách quan, có dấu hiệu làm giả, làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau đề nghị áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355, 356 Bộ luật Tố tụng hình sự; đề nghị không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

Sau khi Tòa tuyên án và nắm thông tin bị cáo Lỉnh kêu oan, Văn phòng UBND tỉnh đã truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh kiểm tra, báo cáo lại quá trình thực hiện công tác xét xử.

Theo Tòa án nhân dân tỉnh, khi tuyên án xong, 5 bị cáo ra khỏi trụ sở Tòa án vẫn đảm bảo an ninh, trật tự. Trong vụ án này, bị cáo Lê Minh Lỉnh phạm tội với vai trò giúp sức. Các chứng cứ chứng minh cho hành vi phạm tội của Lỉnh đã đầy đủ, chính bị cáo Lỉnh đã viết nhiều bản tường trình, tham gia bản cung và thừa nhận nội dung có tham gia giúp sức cho Trần Duy Phương (Phương Max) đánh Nguyễn Hoàng Nam. Lời nhận tội của Lỉnh phù hợp với với kết quả điều tra của các bị cáo còn lại và những người chứng kiến sự việc, phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường, biên bản nhận dạng người.

Công tác xét xử đúng theo trình tự, quy định của pháp luật và Bản án tuyên đúng người, đúng tội, không bỏ sót lọt tội phạm.

KH (TTXVN)
Chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của ngành Kiểm sát
Chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của ngành Kiểm sát

Chiều 25/12, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Hội nghị triển khai công tác ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024, được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến các điểm cầu trong toàn quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN