Vai trò chủ mưu của bị cáo Hứa Thị Phấn Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giữ quyền công tố tại tòa nhận định, từ những chứng cứ, kết quả thẩm vấn công khai tại tòa đã đủ cơ sở kết luận hành vi phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” như truy tố của bản cáo trạng đối với bị cáo Hứa Thị Phấn và 27 đồng phạm trong việc nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (Phường 6, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) bán cho Ngân hàng Đại Tín chiếm đoạt 1.105 tỷ đồng; hạch toán thu - chi khống đẩy dư nợ cho nhóm Phương Trang, vi phạm luật kế toán gây thiệt hại cho ngân hàng Đại Tín 5.256 tỷ đồng.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử ngày 21/5. Ảnh: Thành Chung/TTXVN |
Kiểm sát viên cho rằng, bị cáo Hứa Thị Phấn đã quản lý điều hành Ngân hàng Đại Tín bằng thủ đoạn “ngân hàng trong ngân hàng”, tức là Hội đồng Quản trị, Ban Điều hành Ngân hàng chỉ là hình thức và đều do Hứa Thị Phấn điều hành, kể cả đối với hoạt động của hai Chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang, qua đó thực hiện các hoạt động trái pháp luật.
Trong vụ án này, bị cáo Hứa Thị Phấn giữ vai trò chủ mưu, đề ra các thủ đoạn tinh vi và bất chấp hậu quả, sắp đặt đưa người thân, người quen vào những vị trí trong Ngân hàng Đại Tín, cho đứng tên tài sản, cổ phần để lợi dụng, lôi kéo vào con đường phạm tội. Các bị cáo Bùi Thị Kim Loan (thư ký của Hứa Thị Phấn, kế toán Công ty Phú Mỹ), Ngô Thị Ngân (nguyên thủ quỹ chính Ngân hàng) đã giúp sức đắc lực cho Hứa Thị Phấn thực hiện hành vi phạm tội. Trong đó, bị cáo Bùi Thị Kim Loan không những giúp sức cho Hứa Thị Phấn mà còn trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội.
Trong quá trình điều tra cũng như xét xử, bị cáo Hứa Thị Phấn không làm việc với Cơ quan điều tra vì lý do không đủ sức khỏe. Thế nhưng, bị cáo này vẫn có thể trực tiếp ký những hồ sơ kháng nghị trong vụ án kinh tế khác xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank). Cùng với đó, bị cáo Bùi Thị Kim Loan đã gây sức ép với Hội đồng xét xử bằng việc liên tục mang con nhỏ lên phiên tòa. Mặc dù được tạo điều kiện tối đa để tham gia phiên tòa nhưng bị cáo này vẫn khai báo quanh co, không thừa nhận hành vi phạm tội.
Các bị cáo nguyên là lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín gồm: Ngô Kim Huệ (nguyên Phó Tổng Giám đốc), Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam (nguyên Tổng Giám đốc), Lâm Hồng Trinh (nguyên Phó Tổng Giám đốc), Ngô Thị Đoan Trang (nguyên Phó Tổng Giám đốc), Vũ Thị Như Thảo (nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn) và Nguyễn Công Tụ (nguyên Giám đốc Công ty TrustAsset) đã không thực hiện đúng các quy định phát luật trong lĩnh vực tín dụng, thẩm định giá, kế toán, hạch toán từ đó tiếp tay, tạo điều kiện cho Hứa Thị Phấn phạm tội. Hệ lụy là hàng loạt nhân viên ngân hàng, vì thực hiện chỉ đạo của cấp trên mà vướng vào lao lý.
Từ những lập luận trên, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Hứa Thị Phấn 20 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, 20 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hợp hình phạt chung và tổng hợp với bản án có hiệu lực pháp luật trước đó trong vụ án OceanBank là 30 năm tù.
Cùng hai tội danh này, bị cáo Bùi Thị Kim Loan bị đề nghị mức án 28 - 30 năm tù; bị cáo Ngô Kim Huệ, Ngô Thị Ngân bị đề nghị từ 10 - 12 năm tù. Các bị cáo còn lại bị đề nghị các mức án từ 3 năm tù treo đến 8 năm tù giam.
Tiếp tục kê biên hàng loạt bất động sản Về trách nhiệm dân sự, đại diện Viện Kiểm sát Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc bị cáo Hứa Thị Phấn phải bồi thường hơn 6.300 tỷ đồng thiệt hại cho Ngân hàng Thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xây dựng Việt Nam; đề nghị Công ty Cổ phần đầu tư Phương Trang hoàn trả khoản nợ gốc 3.936 tỷ đồng và các khoản lãi phát sinh cho Ngân hàng CB.
Đồng thời, đề nghị tiếp tục duy trì kê biên 43 bất động sản mà Công ty Cổ phần đầu tư Phương Trang đang thế chấp tại Ngân hàng CB; riêng dự án Bình Điền đề nghị giải tỏa kê biên trả lại cho Công ty Cổ phần đầu tư Phương Trang do xác định trong khoản vay này Công ty Phương Trang không được giải ngân. Ngoài ra, Kiểm sát viên đề nghị giải tỏa kê biên, trả lại ô tô hiệu Maybach cho Công ty Thiên Tân.
Đối với 114 bất động sản trong quá trình chuyển giao cổ phần giữa nhóm Phú Mỹ và nhóm Thiên Thanh, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị tiếp tục kê biên và giải quyết trong giai đoạn sau của vụ án. Ngoài ra, Viện Kiểm sát cũng đề nghị tiếp tục giữ kê biên toàn bộ các tài sản của Hứa Thị Phấn và các tài sản mà các bị cáo trong vụ án đứng tên để đảm bảo khắc phục hậu quả của vụ án.
Sau phần luận tội của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân, phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.