Theo kết quả quan trắc của Trung tâm Tài nguyên và Bảo vệ môi trường Vĩnh Phúc, nước mặt khu vực làng nghề truyền thống có dấu hiệu ô nhiễm, 9/22 làng nghề nước mặt bị ô nhiễm COD, BOD 5 (các chỉ số ô nhiễm BOD 5 vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,02 - 11,7 lần, COD vượt từ 1,13 - 6,4 lần). Ô nhiễm nhất là làng nghề tái chế nhựa Đông Mẫu, xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc (COD vượt 2,9 lần, BOD 5 vượt 3 lần, TSS vượt 3,6 lần). Có 6/22 mẫu nước thải làng nghề bị ô nhiễm COD, BOD 5 (BOD 5 vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,02 - 11,7 lần, COD vượt từ 1,13 - 6,4 lần).
Phân tích mẫu không khí tại một số làng nghề cho thấy, làng nghề rèn Lý Nhân ô nhiễm SO2 vượt 1,42 lần, còn một số làng nghề chưa vượt quy chuẩn cho phép về CO, NO2 , hơi xăng, độ ồn, độ rung... nhưng nồng đồ các chỉ số tương đối cao. Môi trường đất tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chưa bị ô nhiễm bởi các kim loại nặng. Song về lâu dài, hoạt động sản xuất tại các làng nghề đang gây ô nhiễm môi trường nước và môi trường không khí mà hệ lụy của nó là ô nhiễm môi trường đất trong tương lai.
Phần lớn các cơ sở sản xuất tại các làng nghề có quy mô nhỏ, tận dụng lao động nông nhàn, cơ sở sản xuất đặt ngay tại các hộ gia đình và trong các khu dân cư đông người. Các chất ô nhiễm do hoạt động sản xuất tác động trực tiếp tới cộng đồng xung quanh. Lĩnh vực sản xuất nghề tiềm ẩn nhiều yếu tố gây ô nhiễm môi trường. Công nghệ sản xuất tại các làng nghề ở trình độ thấp, lạc hậu, tận dụng các máy móc trang thiết bị cũ, không đồng bộ, lượng chất thải lớn. Các cơ sở sản xuất không có các phương tiện giảm thiểu, xử lý các chất ô nhiễm, chất thải xả thải trực tiếp ra môi trường xung quanh. Cơ sở hạ tầng của các địa phương làng nghề ở mức thấp, không có các hệ thống thu gom xử lý chất thải hoặc không đáp ứng được yêu cầu sản xuất làng nghề.
Do đó, việc cấp thiết nhất hiện nay là phải triển khai các biện pháp xử lý, giảm thiểu ô nhiễm tại các địa phương gặp nhiều khó khăn, bất cập và chưa có các biện pháp bảo vệ môi trường hiệu quả.
Trước hết, Vĩnh Phúc sẽ nâng cao năng lực công tác truyền thông môi trường trong các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, đặc biệt là cán bộ cấp huyện và cấp xã, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng trong các hoạt động truyền thông. Đa dạng hóa công tác truyền thông môi trường nhằm thay đổi nhận thức, thói quen, tập quán sản xuất, sinh hoạt của người dân tại các làng nghề, các hộ sản xuất, kinh doanh.
Tỉnh cũng tăng cường các hoạt động phối hợp thanh tra, kiểm tra, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Mạnh Cường