Vì sao gần hai năm chưa xử?

Vụ tranh chấp kinh tế giữa Công ty TNHH Trúc Nghinh Phong (Trúc Nghinh Phong) và Công ty C.A.D đã dẫn đến vụ kiện dân sự; trong đó nguyên đơn là Trúc Nghinh Phong. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà TAND quận Bình Thạnh đã thụ lý hồ sơ vụ kiện gần hai năm qua vẫn không xét xử.

Quá trình vụ kiện

Tháng 11/2008, Công ty Xây dựng Trúc Nghinh Phong (bên B) do ông Nghiêm Phạm Anh Tuấn làm Giám đốc, có ký hợp đồng nhận thầu thi công xây lắp hai khu biệt thự Deluxe Villa D1, D2 tại công trình khu du lịch sinh thái biển FuSion Maia Danang với Công ty Xây dựng C.A.D (bên A) do ông Nguyễn Công Hòa làm Giám đốc, tổng giá trị hợp đồng hơn 2 tỷ đồng.

Theo thỏa thuận, Công ty XD Trúc Nghinh Phong nhận trước 5% giá trị hợp đồng để trả chi phí vận chuyển công nhân, thiết bị, máy móc của bên A từ TP.HCM ra Đà Nẵng, sau đó bên B tự bỏ vốn ra để thi công công trình cho bên A, và cứ sau 15 ngày thi công thì bên A thanh toán từng đợt (dựa theo khối lượng đã nghiệm thu) để bên B có tiền tiếp tục thi công.

Lợi dụng điều kiện này của hợp đồng, ngay từ những đợt thanh toán đầu tiên, C.A.D đã bắt đầu chiếm dụng vốn. Sau 4 đợt nghiệm thu (từ ngày 15/2/2009 đến ngày 30/3/2009), C.A.D cố tình không trả nợ. Đến nay C.A.D còn nợ Trúc Nghinh Phong hơn 500 triệu đồng. Sau nhiều lần đề nghị gặp giám đốc Công ty XD C.A.D để giải quyết công nợ, nhưng ông Nguyễn Công Hòa lánh mặt, đẩy việc này cho những nhân viên không có thẩm quyền nên vấn đề không được giải quyết.

Sự việc chưa giải quyết xong thì ngày 3/4/2009, ông Nguyễn Công Hòa lại đơn phương chấm dứt hợp đồng và chiếm đoạt vật tư, thiết bị, máy móc của bên B, ngăn cản không cho bên B tiếp tục thi công, không tiến hành nghiệm thu các vật tư, hạng mục dở dang, ngang nhiên sử dụng máy móc và vật tư của bên B để thi công công trình, trong lúc hợp đồng đến 4/5/2009 mới kết thúc.

Vì vậy, ngày 9/4/2009, bên B làm đơn gửi lên UBND phường 4, quận 3, TP. HCM, nơi có văn phòng đại diện của Công ty C.A.D đề nghị được tiếp xúc với giám đốc để giải quyết công nợ. UBND phường 4, quận 3 đã mời đại diện C.A.D lên hòa giải, cả hai lần ông Nguyễn Công Hòa lánh mặt và cử nhân viên không có thẩm quyền đến làm việc, vì vậy việc hòa giải không thành. Bà Chủ tịch UBND phường 4, quận 3 đành bất lực và khuyên bên B kiện ra tòa.

Ngày 10/8/2009, trong buổi tiếp xúc giữa nguyên đơn (bên B), và bị đơn (bên A) để lấy lời khai, Công ty C.A.D sau nhiều lần quanh co, cuối cùng đã thừa nhận còn nợ bên B số tiền hơn 530 triệu đồng.

Bản chất của vấn đề, theo thừa nhận của C.A.D là việc C.A.D đã bán thầu cho công ty khác. Trong khi C.A.D với vốn điều lệ đăng ký là 5 tỷ đồng lại nhận thầu những dự án lớn của Công ty 559 trên 100 tỷ đồng nên nếu không bán thầu thì cũng không đủ năng lực thi công.

Vì sao hoãn phiên tòa?

Sau một năm khởi kiện và nhiều lần kiến nghị của Trúc Nghinh Phong, TAND quận Bình Thạnh mới mở phiên tòa xét xử vụ án vào 14 giờ ngày 4/5/2010. Điều này TAND quận Bình Thạnh đã vi phạm những quy định về tố tụng dân sự vì theo luật qui định, vụ án kinh tế từ lúc thụ lý cho đến khi đưa ra xét xử không được quá 6 tháng. Tuy nhiên, khi cả hai bên nguyên đơn, bị đơn cùng các luật sư đã tề tựu đông đủ thì đến… 15 giờ, ông Lương Quốc Việt, Thư ký Tòa án tuyên bố hoãn phiên tòa với lý do Công ty Hải Phú có đơn xin tham gia tố tụng.

Trong các phiên hòa giải lần thứ nhất và lần thứ hai, TAND quận Bình Thạnh có mời Công ty Xây dựng Hải Phú (Công ty Hải Phú) lên làm việc. Tuy nhiên Công ty Hải Phú đã từ chối. Đến lần hòa giải thứ ba ngày 11/11/2009, đại diện Công ty Hải Phú, đã phát biểu quan điểm của công ty là: “Phía công ty chúng tôi không còn quyền và lợi ích gì đối với Công ty C.A.D, chúng tôi chỉ cung cấp vật tư cho Công ty TNHH Trúc Nghinh Phong nên chúng tôi chỉ giải quyết riêng với Công ty TNHH Trúc Nghinh Phong. Nếu có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ đối với công ty chúng tôi, chúng tôi sẽ có đơn yêu cầu bằng một vụ kiện khác”. Như vậy Công ty Hải Phú đã từ chối tham gia tố tụng và như vậy tòa không có lý do gì để kéo dài vụ án.

Nhưng không hiểu sao, đến 15 giờ ngày 5/5/2010, Công ty Hải Phú lại nộp đơn tham gia tố tụng. Nhưng công ty này chỉ nộp đơn mà không nộp án phí. Theo phản ánh của nguyên đơn là ông Nghiêm Phạm Anh Tuấn, rằng ông đã hỏi nhiều lần là tại sao phiên tòa kéo dài vậy, Thư ký tòa Lương Quốc Việt đã trả lời ông Tuấn là chờ Công ty Hải Phú nộp án phí. Thẩm phán Lương Thanh Mười và Thư ký Lương Quốc Việt (hai quan chức thụ lý vụ án này) lại một lần nữa vi phạm Luật Tố tụng Dân sự. Luật Tố tụng Dân sự quy định: “Một tháng khi có đơn, phía nguyên đơn phải nộp án phí, nếu không đúng hạn thì tòa không thụ lý vụ án” (trích điều 37 “Những quy định pháp luật về tố tụng dân sự”). Thế nhưng điều kỳ lạ là Công ty Hải Phú sau gần 7 tháng nộp đơn xin tham gia tố tụng mới nộp án phí mà Tòa án quận Bình Thạnh vẫn chấp nhận.

Đến đây bạn đọc sẽ đặt câu hỏi, Hải Phú có quan hệ gì với bên nguyên và bên bị trong vụ án này mà những thay đổi của tòa lại phụ thuộc vào gần như hoàn toàn thái độ của Hải Phú? Chúng tôi xin tóm tắt mối quan hệ "dích dắc" của bộ ba C.A.D - Trúc Nghinh Phong - Hải Phú.

Mối quan hệ mua bán thầu

Sau gần hai năm vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử. Trúc Nghinh Phong đã làm đơn gửi ông Chánh án Tòa án quận Bình Thạnh xin thay đổi thẩm phán Lương Thanh Mười và Thư ký Tòa án Lương Quốc Việt với lý do hai vị này đã vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng Dân sự, cố tình kéo dài vụ án, gây cho nguyên đơn quá nhiều thiệt hại về vật chất và tinh thần.

Công ty C.A.D nhận thầu công trình resort Fusion Maia ngày 2/10/2008 với chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư 559. Sau đó C.A.D chia thành nhiều hạng mục nhỏ và giao khoán lại cho các nhà thầu phụ, trong đó có Công ty Trúc Nghinh Phong và Công ty Hải Phú.

Tuy nhiên, vào ngày 1/1/2009, Công ty C.A.D lại "qua mặt" cả chủ đầu tư và các nhà thầu phụ ký biên bản "ngầm" hợp tác với Công ty Hải Phú, theo đó, gần như "khoán" toàn bộ công việc cho Công ty Hải Phú, nhưng chức danh trên công trường thì Công ty Hải Phú vẫn là thầu phụ. Sau thỏa thuận ngầm này, Công ty Hải Phú đã "thay mặt" C.A.D đứng ra lấy cho cả công trường các loại vật liệu như thép, bê tông... Chính vì vậy, Công ty Trúc Nghinh Phong phải lấy thép và bêtông thông qua Công ty Hải Phú và thỏa thuận sẽ thanh toán dần theo tiến độ thanh toán của nhà thầu chính là Công ty C.A.D.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà C.A.D đơn phương chấm dứt hợp đồng với Công ty Trúc Nghinh Phong vào ngày 3/4/2009. Sau đó ngày 16/4/2009 và ngày 20/4/2009 thì giữa Công ty C.A.D, Công ty Hải Phú và Công ty 559 (chủ đầu tư) có 2 biên bản thỏa thuận liên tiếp nhằm chấm dứt hợp đồng với Công ty C.A.D và chuyển giao toàn bộ công việc cũng như thanh toán các khoản nợ cho Công ty Hải Phú. Trong quá trình Công ty Trúc Nghinh Phong khởi kiện Công ty C.A.D thì Công ty Hải Phú luôn khẳng định phần công nợ vật tư thép và bê tông của Công ty Trúc Nghinh Phong với Công ty Hải Phú không ảnh hưởng tới công nợ 4 đợt nghiệm thu cuối của Công ty C.A.D với Công ty Trúc Nghinh Phong.

Tuy nhiên, khi tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 10/5/2010 thì Công ty Hải Phú có đơn tham gia vụ kiện với tư cách là bên có quyền và nghĩa vụ liên quan. Đây là một tình tiết để kéo dài vụ án.

Đây là vụ án kinh tế đã kéo dài quá lâu, nếu Công ty C.A.D (bị đơn) bị phá sản khi phiên tòa chưa kịp xử thì những tổn thất đối với bên B là Công ty Trúc Nghinh Phong sẽ được giải quyết như thế nào?

N.Hoàng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN