Vi phạm bản quyền phần mềm vẫn cao

Sau một số năm có những bứt phá khá lạc quan, năm 2013, tỷ lệ máy tính cài đặt phần mềm không có bản quyền tại Việt Nam lại lên tới 81%, giữ nguyên tỷ lệ năm 2011, với tổng số tiền vi phạm ước tính là 620 triệu USD. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, đây cũng đã được coi là một tín hiệu tốt cho cuộc chiến chống vi phạm bản quyền của Việt Nam.


Vẫn tồn tại nhiều vấn nạn


Trong một cuộc trò chuyện mới đây với phóng viên báo Tin Tức, ông Vũ Ngọc Hoan, quyền Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam đã đưa ra những thông tin khá lạc quan, theo đó, trong chặng đường 10 năm chiến dịch chống vi phạm bản quyền phần mềm máy tính của Việt Nam, chúng ta đã đạt được những bước tiến khá dài trong công cuộc bảo hộ bản quyền chương trình máy tính.

 

Công bố bản “Điều tra phần mềm toàn cầu” do BSA (Liên minh phần mềm) thực hiện.

 

Công tác thực thi bảo hộ quyền tác giả đối với phần mềm máy tính trong thời gian qua có nhiều tiến bộ, bảo vệ được quyền lợi cho chủ sở hữu quyền nước ngoài đồng thời bảo vệ quyền lợi cho cá nhân, tổ chức trong nước. Công tác tuyên truyền pháp luật về quyền tác giả được thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và dành cho nhiều đối tượng khác nhau nhằm tăng cường hiểu biết về quyền tác giả đối với chương trình máy tính.

Cục Bản quyền tác giả và Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Liên minh phần mềm doanh nghiệp BSA ký kết Biên bả̉n ghi nhớ về Chương trình hợp tác bảo vệ bản quyền chương trình máy tính và đã tiến hành nhiều hoạt động để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính.

Cuối năm 2013, Công ty Microsoft và Lạc Việt kiện Công ty TNHH Gold Long John Đồng Nai ra tòa do sử dụng trái phép phần mềm của hai doanh nghiệp này. Đây là vụ kiện ra tòa đầu tiên để xử lý vi phạm trong lĩnh vực bản quyền phần mềm. Chỉ hai tháng sau, vụ kiện đã khép lại khi Công ty Gold Long John đã chấp thuận xin lỗi công khai và đền bù 100% giá trị phần mềm vi phạm cho chủ sở hữu. Sau 9 năm xử lý hành chính, vụ việc này khẳng định hệ thống pháp luật của chúng ta đã sẵn sàng cho việc xử lý vi phạm bản quyền phần mềm nghiêm khắc hơn.


Cũng theo ông Vũ Ngọc Hoan, đánh giá từ kết quả nghiên cứu của tổ chức BSA, Việt Nam đã giảm khoảng 11% tỷ lệ vi phạm quyền tác giả đối với chương trình máy tính trong 10 năm qua và Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, công nhận là một trong những quốc gia đạt được tiến bộ đáng kể trong việc bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính.


Tuy nhiên, cũng chính ông Vũ Ngọc Hoan phải thừa nhận rằng, dù mức giảm này là một con số ấn tượng thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tăng cường bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính, nhưng tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam vẫn còn cao hơn nhiều so với mức trung bình trong khu vực.


Điều này đã được “làm rõ” trong kết quả của bản “Điều tra phần mềm toàn cầu” do BSA (Liên minh phần mềm) thực hiện 2 năm/lần, vừa được công bố trên thế giới vào cuối tháng 6/2014. Theo đó, như đã nêu trên, tỷ lệ máy tính cài đặt phần mềm không có giấy phép tại Việt Nam là 81% trong năm 2013, tương đương tỷ lệ trong năm 2011. Giá trị thương mại của số lượng phần mềm không có giấy phép được cài đặt này là 620 triệu USD.


Đã có tín hiệu vui


Phân tích nguyên nhân của việc giữ nguyên tỷ lệ vi phạm so với năm 2011, ông Đào Anh Tuấn, đại diện BSA tại Việt Nam cho biết: “Tốc độ gia tăng cao của số người tiêu dùng (các hộ gia đình, cá nhân) sử dụng máy tính cá nhân (9%) và số lượng máy tính trôi nổi không rõ nguồn gốc (10%) đã tạo áp lực làm tăng tỷ lệ phần mềm không có giấy phép tại Việt Nam”.


Tuy nhiên, theo ông Đào Anh Tuấn, chính vì trong bối cảnh như vậy, nên thực ra việc giữ được tỷ lệ tổng thể không tăng so với năm 2011 đã được coi là một nỗ lực lớn của Chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến phần mềm này. “Với những nỗ lực rất lớn của Chính phủ nói chung và các đối tác trong Chương trình hợp tác bảo vệ bản quyền chương trình máy tính nói riêng trong việc kiểm soát việc sử dụng phần mềm có giấy phép trong khối doanh nghiệp, nên đã giữ được tỷ lệ tổng thể không tăng”, ông Đào Anh Tuấn chia sẻ.


“Trong những năm qua, Chính phủ đã đạt được những thành tựu đáng kể trong cuộc chiến chống lại việc sử dụng phần mềm không có giấy phép. Hệ thống pháp luật hiện nay đã đủ mạnh để xử lý các vụ việc liên quan đến hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm”, ông Tuấn khẳng định.


Còn về phía cơ quan chức năng của Việt Nam, ông Trần Văn Minh, Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cho biết: “Việc thực thi pháp luật nhằm bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là bản quyền phần mềm, đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ. Trong đó, phải kể đến Chỉ thị số 36/2008/CT-TTg về việc tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, bao gồm cả bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 31/12/2008.

Chúng tôi vừa tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện chỉ thị số 36 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nêu bật những kết quả đạt được trong bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính. Tính đến cuối năm 2013, trong giai đoạn 5 năm, lực lượng thanh tra liên ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 338 doanh nghiệp, kiểm tra 14.562 máy tính và xử phạt với tổng số tiền phạt lên tới 3,5 tỷ đồng. Tôi tin rằng, với quyết tâm của chính phủ, với sự hợp tác của các chủ sở hữu và sự tuân thủ của các doanh nghiệp, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ phần mềm không có giấy phép tại Việt Nam xuống còn 70%, ngang bằng với tỷ lệ khu vực trong những năm tới”.


Bài và ảnh: P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN