Truy tố ổ nhóm 45 đối tượng lập công ty thu hồi nợ để cưỡng đoạt tài sản

Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố nhóm 45 bị can trong vụ án cưỡng đoạt tài sản qua hình thức thu hồi nợ, xiết nợ.

Trong đó, các đối tượng dùng các thủ đoạn nhắn tin chửi bới, đe dọa người thân, đồng nghiệp của khách hàng, cắt ghép hình ảnh bị hại vào các hình ảnh đồi trụy, các thông tin không đúng sự thật… nhằm tạo sức ép buộc họ phải trả nợ các khoản vay.

Trong vụ án này, 3 bị can đều ở Thành phố Hồ Chí Minh, gồm: Trần Hồng Tiến (sinh năm 1974, trú phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1), Nguyễn Đức Khoa (sinh năm 1991, trú phường Tam Bình, thành phố Thủ Đức), Võ Thị Cẩm Vân (sinh năm 1984, trú phường Linh Chiểu, thành phố Thủ Đức) cùng 42 bị can khác bị Viện Kiểm sát truy tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170, Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, năm 2017, Lê Quốc Thống (sinh năm 1978, trú Phường 13, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang bỏ trốn) và Trần Hồng Tiến cùng nhau thành lập nhiều công ty để mua lại các khoản nợ xấu của Công ty tài chính Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Mirae Asset Việt Nam (Công ty Mirae Asset); sau đó tổ chức thu hồi nợ. Cả hai thường xuyên thành lập các công ty mới (có cùng hoạt động như nhau) nhằm che giấu và trốn tránh, không để các cơ quan chức năng phát hiện hoạt động thu hồi nợ trái pháp luật.

Tài liệu điều tra thể hiện, các công ty được đăng ký kinh doanh nhiều trụ sở làm việc khác nhau nhưng thực tế chỉ làm việc tại một địa chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Những công ty này (gọi chung là Công ty) đều do Thống và Tiến làm chủ, tổ chức nhân sự và có cùng hoạt động như nhau; hoạt động bằng hình thức mua các khoản nợ xấu mà khách hàng đã vay của Công ty Mirae Asset nhưng không có khả năng trả với giá mua bằng 12 - 15% giá trị của tổng số tiền khách nợ.

Từ ngày 2/7/2018 đến ngày 30/8/2022, Lê Quốc Thống cùng Trần Hồng Tiến và Lê Hiền Thảo (đại diện các công ty, hiện đang bỏ trốn) đã ký thỏa thuận mua lại 238.160 hợp đồng vay của các khách hàng cá nhân vay của Công ty Mirae Asset. Tổng giá trị 238.160 hợp đồng là hơn 3.555 tỷ đồng, Công ty đã đòi được hơn 571 tỷ đồng.

Sau khi có các thông tin khách hàng và khoản nợ từ Công ty Mirae Asset, bộ phận vận hành (Accout) cùng bộ phận kỹ thuật (IT) sẽ cập nhật các thông tin khoản vay của khách hàng vào hệ thống riêng của Công ty; sau đó phân chia vào từng tài khoản của nhân viên Bộ phận thu hồi nợ để trực tiếp đòi nợ bằng cách gọi điện, yêu cầu khách hàng trả tiền hoặc gọi điện cho người thân, đồng nghiệp để gây sức ép buộc khách hàng phải trả tiền.

Cụ thể, các bị can dùng nhiều số điện thoại khác nhau (sử dụng các sim “rác”) liên tục gọi trong thời gian dài, nhắn tin chửi bới, đe dọa người thân, đồng nghiệp của khách hàng dù họ không liên quan đến khoản vay để tạo sức ép cho những người liên quan đến cuộc sống, công việc… buộc khách hàng phải trả nợ khoản vay.

Nếu khách hàng không trả tiền, các bị can sẽ cắt ghép hình ảnh khách hàng, người thân khách hàng vào các hình ảnh đồi trụy, các thông tin không đúng sự thật. Sau đó, các đối tượng tạo lập, dùng các tài khoản facebook, zalo ảo để đăng tải, bình luận lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, tạo sức ép buộc khách hàng phải trả tiền.

Hằng tháng, Công ty sẽ cấp cho mỗi nhân viên thu hồi nợ từ 400 - 500 hợp đồng vay (gồm toàn bộ thông tin liên quan của khách hàng) để đòi nợ. Công ty giao cho mỗi nhóm phải đòi được số tiền nhất định (khoán doanh số) theo từng thời điểm đưa ra.

Nếu hai tháng liên tiếp nhân viên không đòi đủ số tiền theo quy định sẽ bị cho nghỉ việc. Do đó, các đối tượng là trưởng nhóm luôn đốc thúc nhân viên tích cực đòi nợ để đạt được doanh số. Ngoài ra, để khuyến khích nhân viên thu hồi nợ, Công ty sẽ có thưởng % theo khoản nợ đòi được.

Để quản lý và đốc thúc nhân viên thu hồi nợ, hằng tháng, Thống và Tiến đều tổ chức cuộc họp gồm lãnh đạo công ty và trưởng các bộ phận. Tại cuộc họp, đối tượng yêu cầu báo cáo số liệu trong tháng, phổ biến cách thức đòi nợ để đạt doanh số.

Trong trường hợp khách đồng ý trả tiền thì có thể trả tiền trực tiếp tại trụ sở văn phòng công ty hoặc chuyển khoản vào 4 tài khoản ngân hàng của đơn vị. Nhân viên thu hồi nợ sẽ gửi thông tin cho bộ phận kế toán để cập nhật vào dữ liệu truy thu nợ của từng cá nhân và từng nhóm. Khi khách hàng trả nợ xong, Công ty sẽ ký thông báo kết thúc khoản nợ gửi cho khách hàng.

Đối với các khách hàng bị cắt, ghép hình ảnh sau khi thực hiện xong việc thanh toán tiền cho Công ty, nhân viên thu hồi nợ hoặc Bộ phận kỹ thuật sẽ hỗ trợ xóa toàn bộ các hình ảnh cắt, ghép trên hệ thống máy tính. Mỗi nhân viên sẽ được Công ty cấp cho máy tính để nhận và tìm kiếm dữ liệu khách hàng, phục vụ việc cắt, ghép hình ảnh và những việc liên quan.

Ngoài ra, Công ty còn trang bị hệ thống tổng đài gọi tự động Volare để gọi cho khách hàng, phần mềm chuyển giọng nói qua điện thoại để nhân viên gọi cho khách hàng. Số tiền thu được của khách hàng nợ tiền, Công ty dùng để chi trả các chi phí hoạt động như trả lương nhân viên, tiền thuê mặt bằng…

Trong vụ án này, các đối tượng đã bàn bạc, thành lập các bộ phận: Bộ phận lãnh đạo công ty gồm Thống là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tiến là Giám đốc điều hành, quyết định mọi vấn đề; bộ phận nhân sự (do Nguyễn Thị Ái Vân, sinh năm 1985, ở Tiền Giang làm Trưởng phòng); bộ phận kế toán; vận hành Accout, kỹ thuật, thu hồi nợ…

Quá trình điều tra, cơ quan Công an đã xác định được 26 bị hại bị các đối tượng sử dụng thủ đoạn trên đe dọa, cưỡng đoạt tổng số tiền hơn 904 triệu đồng.

Kim Anh (TTXVN)
Bắt 7 đối tượng cưỡng đoạt tài sản dưới hình thức bảo kê bán đào Tết
Bắt 7 đối tượng cưỡng đoạt tài sản dưới hình thức bảo kê bán đào Tết

Công an tỉnh Thanh Hóa vừa đấu tranh, triệt phá và bắt giữ 7 đối tượng cưỡng đoạt tài sản dưới hình thức bảo kê bán đào Tết tại khu vực Đại lộ CSEPD thuộc địa bàn các phường Đông Vệ, Quảng Thắng và An Hưng, thành phố Thanh Hóa…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN