Thủ đoạn tinh vi, phức tạp của tội phạm “tín dụng đen”
Trước đây, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh là địa bàn có tình hình tội phạm “tín dụng đen” phức tạp. Với đặc thù là huyện tập trung khu công nghiệp với lực lượng công nhân lao động lớn, vì vậy, nhu cầu cần vay tiền gấp, nóng của người dân nơi đây cao. Lợi dụng tình hình đó, các đối tượng tội phạm “tín dụng đen” cho vay bằng tín chấp, giấy tờ tùy thân với lãi suất cao từ 3 đến 5 nghìn/1 triệu đồng/ngày.
Đánh giá về mức độ nguy hiểm của loại tội phạm này, Đại tá Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh khẳng định: Đây là loại tội phạm rất nguy hiểm, là nguyên nhân gây ra các loại tội phạm khác. Các đối tượng này cho vay lãi nặng, khi người vay không trả được, chúng có thể uy hiếp, bắt, giữ người trái pháp luật, chiếm đoạt tài sản, ném chất bẩn vào nhà nạn nhân... gây mất trật tự xã hội.
Chia sẻ về các thủ đoạn của đối tượng “tín dụng đen”, Trung tá Phạm Văn Ngư, Phó trưởng Công an huyện Yên Phong, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết: Các đối tượng tội phạm hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau rất khó phát hiện và thường núp bóng dưới hình thức kinh doanh dịch vụ tài chính, cầm đồ, cho vay lãi, thực chất là cho vay lãi suất cao để hoạt động “tín dụng đen” gây khó khăn cho công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý tội phạm.
Đặc biệt, các đối tượng thường treo, dán các tờ rơi, biển quảng cáo trên cây xanh, tường, cột điện, nơi công cộng (với nội dung quảng cáo, cho vay ưu đãi, hấp dẫn, thủ tục nhanh gọn) vào ban đêm, buổi trưa, thời gian vắng người đi lại và thường hẹn sẵn để tư vấn các khoản vay làm thủ tục, giấy tờ khiến cho công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, các hành vi phạm tội của hành vi cho vay lãi nặng không biểu hiện ra bên ngoài như những tội phạm khác mà ẩn chứa bên trong. Đòi hỏi công tác thu thập tài liệu, chứng cứ phải dài ngày, công phu. Theo đó, để phát hiện các đối tượng cho 1 người vay thì không khó, tuy nhiên để chứng minh cho nhiều người vay, thu lời bất chính trên 30 triệu đồng với lãi suất cao mới có thể xử lý theo quy định pháp luật.
Không chỉ vậy, tội phạm tín dụng đen còn sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội. Thiếu tá Nguyễn Đình Hùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết: Qua rà soát cho thấy các đối tượng “tín dụng đen” mở rộng kênh cho vay bằng các ứng dụng trên internet. Chúng sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, lập trang 20 trang web, tài khoản zalo, facebook thực hiện hoạt động cho vay, thế chấp mang tính chuyên nghiệp, hoạt động tinh vi.
"Với các thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, công tác đấu tranh với tội phạm tín dụng đen còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Thực tế, việc chứng minh hành vi phạm tội để đưa đối tượng ra xử lý hình sự rất khó khăn do các đối tượng tận dụng tối đa sơ hở, thiếu sót của pháp luật để thực hiện các chiêu trò biến tướng trong quá trình hoạt động “tín dụng đen” thành các giao dịch dân sự để lách luật. Bên cạnh đó, để phát hiện ra các vụ việc liên quan đến tội phạm “tín dụng đen” còn gặp nhiều khó khăn do ban đầu bên cho vay và bên vay có thỏa thuận dân sự tự nguyện. Khi người vay không có khả năng trả nợ, bị các đối tượng bắt giữ, gây thương tích, chiếm đoạt tài sản… người bị hại không dám trình báo và không hợp tác giúp cơ quan công an điều tra trong việc xác định ranh giới giữa quan hệ dân sự với hành vi phạm tội. Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước liên quan đến “tín dụng đen” còn bộc lộ nhiều sơ hở, lỏng lẻo" - Ông Nguyễn Đình Hùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Bắc Ninh khẳng định.
Đẩy mạnh đấu tranh
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an và Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen”, Công an tỉnh Bắc Ninh đã triển khai 2 đợt cao điểm tấn công tội phạm “tín dụng đen”. Đến nay, tình hình tội phạm tín dụng đen giảm hẳn.
Theo đó, Công an tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo lực lượng Công an cơ sở tổ chức dọn dẹp, xóa, tháo dỡ trên 93.000 biển hiệu, tờ rơi, quảng cáo cho vay tín dụng không đúng quy định tại các địa bàn dân cư…
Trước khi triển khai kế hoạch tấn công tội phạm “tín dụng đen”, qua rà soát, toàn tỉnh có 39 cá nhân có dấu hiệu cho vay lãi nặng, 234 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, 251 cơ sở kinh doanh dịch vụ tư vấn tài chính. Sau khi quyết liệt đấu tranh, đến nay toàn tỉnh còn 161 cơ sở kinh doanh cầm đồ, 48 cơ sở dịch vụ tài chính, 15 cá nhân cho vay.
Thực hiện đợt cao điểm, từ ngày 20/2 - 30/9/2019, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Bắc Ninh đã đấu tranh thành công 1 chuyên án, khởi tố 2 vụ án bắt 20 đối tượng về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; phá 1 vụ bắt 6 đối tượng về tội “Bắt cóc người chiếm đoạt tài sản”; phá 2 vụ bắt 9 đối tượng phạm tội “Giữ người trái pháp luật” có liên quan đến tội phạm “tín dụng đen”...
Tiêu biểu trong đó có vụ đồng loạt kiểm tra 15 điểm kinh doanh dịch vụ tài chính, cho vay, dịch vụ cầm đồ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn hỗ trợ đầu tư Đại An, trụ sở chính tại số 42, đường Dương Quảng Hàm, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội do Trần Đình Quảng, sinh năm 1988 (thôn Nam Giang, xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) làm giám đốc. Qua điều tra xác định, tổng số tiền các chi nhánh của Công ty này cho vay 33 tỉ đồng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, tổng tiền lãi đã thu được 3,9 tỉ đồng, thu lợi bất chính khoảng 3 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, Công an các huyện, thị xã, thành phố tỉnh Bắc Ninh đã lập 12 chuyên án đấu tranh tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, khởi tố 23 vụ với 61 bị can về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; 9 vụ với 30 bị can về các tội khác liên quan đến “tín dụng đen”, xử phạt hành chính 43 vụ với 56 đối tượng.
Tuy nhiên, hiện nay, việc rà soát các cơ sở cầm đồ, cho vay tài chính và các cá nhân cho vay lãi nặng của một số đơn vị Công an cơ sở chất lượng còn hạn chế, chưa đi sâu làm rõ được phương thức, thủ đoạn, hình thức cho vay cũng như tính chất, hành vi vi phạm nên kết quả phòng ngừa, đấu tranh còn chưa cao, chưa phản ánh được thực trạng tình hình. Ngoài ra, công tác kiểm tra, xử lý đối với hoạt động này của một số đơn vị Công an cơ sở hiệu quả còn thấp, mang tính hành chính đơn thuần nên không phát hiện được sai phạm…
Mặc dù tình hình tội phạm “tín dụng đen” đã cơ bản được khống chế, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, nếu không có giải pháp quyết liệt sẽ gây nhiều hệ lụy khó lường. Các đối tượng hoạt động dưới các hình thức khác lạ, biến tướng, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống xã hội, trật tự an ninh.
Đại tá Phạm Văn Lương, Phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh nhận định: Thành phần tham gia “tín dụng đen” ngày càng gia tăng, mở rộng; mục đích tham gia ngày càng đa dạng, lãi suất huy động ngày càng cao, thủ tục ngày càng đơn giản với thủ đoạn tinh vi hơn. Trong thời gian tới, Công an tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, bám sát các quy định của pháp luật để chủ động tuyên truyền đến nhân dân về hành vi và tác động tiêu cực của “tín dụng đen”.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an các cấp chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch kiểm tra các cơ sở cầm đồ, dịch vụ tài chính, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm; tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính, cầm đồ… viết cam kết hoạt động theo đúng quy định pháp luật. Đặc biệt, lực lượng Công an thống kê, phân loại các ổ, nhóm cho vay, cầm đồ, hỗ trợ tài chính hoạt động có nhiều đối tượng, có quy mô lớn trên địa bàn để phân cấp quản lý…