Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải cho biết, từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, tỉnh đã kịp thời tuyên truyền, triển khai, quán triệt.
Nguồn vốn tín dụng chính sách là một trong những trụ cột an sinh xã hội quan trọng để thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước, là công cụ hữu hiệu trong việc điều phối các nguồn lực xây dựng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương. Tín dụng chính sách xã hội là công cụ để ngăn chặn tình trạng tín dụng đen đang phát triển theo chiều hướng phức tạp, nhức nhối trên địa bàn, vì vậy cần coi hoạt động chính sách xã hội, hoạt động tín dụng chính sách xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, thường xuyên của cả tỉnh cũng như của mỗi cấp ủy, chính quyền địa phương...
Tuy nhiên, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thái Bình cũng cho rằng, quá trình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh vẫn còn những mặt chưa được như mong muốn. Điển hình như, ngân sách tỉnh dành cho nguồn vốn này chưa cao so với nhiều địa phương; trong quá trình lãnh đạo triển khai vẫn còn sai sót, thiếu quan tâm, lơ là cần nghiêm túc rút kinh nghiệm...
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo người đứng đầu các cấp có chuyển biến tích cực về nhiệm vụ tín dụng chính sách xã hội. Các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị của tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong tổ chức thực hiện hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Các đối tượng trong quy định có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn đều được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ bảo đảm thuận tiện, kịp thời, công khai, minh bạch.
Trong 5 năm, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân vốn chính sách tín dụng ưu đãi cho trên 221.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, phục vụ hoạt động dịch vụ, sản xuất kinh doanh với doanh số cho vay hơn 4.100 tỷ đồng.
Thông qua nguồn vốn tín dụng đã giúp gần 60.000 hộ dân vượt qua ngưỡng nghèo; giúp trên 71.000 hộ dân xây dựng được trên 181. 000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh đảm bảo môi trường; hơn 8.000 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn Chương trình học sinh, sinh viên; cho vay hỗ trợ xây dựng được gần 440 ngôi nhà cho hộ nghèo...
Hiện, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách tỉnh đang triển khai thực hiện 9 chương trình tín dụng chính sách theo chỉ định của Chính phủ. Đến 30/6/2019, tổng dư nợ đạt trên 2.900 tỷ đồng, chất lượng tín dụng đảm bảo...
Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam nhận định, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh Thái Bình, điểm nổi bật là cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần, trách nhiệm cao, quyết liệt cùng chung tay chăm lo cho người nghèo, đứng đầu là cấp ủy Đảng, sau là Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, ngân hàng chính sách xã hội, đặc biệt với sự vào cuộc trực tiếp của người dân.
Thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị số 40-CT/TW. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các địa phương tiếp tục quan tâm, bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội để tăng cường nguồn vốn chính sách, giúp người dân có điều kiện thụ hưởng tốt hơn tín dụng chính sách.
Nhân dịp này, 26 tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị được tặng Bằng khen, Giấy khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình và Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam.