Với tội danh "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước", bị cáo Nguyễn Đức Chung bị phạt 5 năm tù
Ngày 11/12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm Vụ án "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Tòa đã tuyên án phạt 4 bị cáo trong vụ án này gồm: Nguyễn Đức Chung (sinh năm 1967, cựu Phó Bí thư Thành ủy, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội) 5 năm tù; Phạm Quang Dũng (sinh năm 1983, cựu cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an) 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Hoàng Trung (sinh năm 1983, cựu cán bộ Công an thành phố Hà Nội, biệt phái công tác tại Phòng Thư ký - Biên tập, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội) 24 tháng tù; Nguyễn Anh Ngọc (sinh năm 1974, cựu Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội, biệt phái công tác và giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Thư ký - Biên tập, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội) 18 tháng tù về cùng tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” theo quy định tại Điều 337 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tại phiên tòa, có 6 luật sư bào chữa cho các bị cáo. Riêng bị cáo Nguyễn Đức Chung có 2 luật sư bào chữa.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, bị cáo Nguyễn Đức Chung và vợ bị cáo là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến Vụ án Công ty Nhật Cường, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Để nắm được thông tin, tài liệu điều tra của Vụ án Công ty Nhật Cường, bị cáo Nguyễn Đức Chung liên hệ và đề nghị Phạm Quang Dũng (cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an) cung cấp thông tin, tài liệu về vụ án.
Trong thời gian từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020, thực hiện đề nghị của bị cáo Nguyễn Đức Chung, bị cáo Phạm Quang Dũng đã 5 lần chiếm đoạt 9 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Mật”, liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường. Trong đó, bị cáo Dũng đã chuyển cho bị cáo Chung 2 lần, gồm 6 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Mật”. Hai bị cáo Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc bị xác định đã một lần tham gia in, chỉnh sửa 3 tài liệu “Mật” cho bị cáo Nguyễn Đức Chung.
Vụ án được xét xử kín, tuyên án công khai.
Viện Kiểm sát đề nghị giảm hình phạt cho cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến
Sáng 11/12, Tòa án Quân sự Trung ương tiếp tục xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Văn Hiến (cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), Đinh Ngọc Hệ cùng các bị cáo khác liên quan đến vụ án sai phạm tại các khu đất quốc phòng trên đường Tôn Đức Thắng, Thành phố Hồ Chí Minh.
Nêu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương không chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo Nguyễn Văn Hiến nhưng đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Hiến.
Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương đề nghị không chấp nhận kháng cáo kêu oan của Đinh Ngọc Hệ (nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng). Theo quan điểm của Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương, đối với kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo Nguyễn Văn Hiến, ngoài những tình tiết giảm nhẹ như án sơ thẩm đã ghi nhận, trong giai đoạn phúc thẩm, luật sư của bị cáo đã cung cấp nhiều tài liệu mới.
Cụ thể, luật sư bào chữa đã cung cấp giấy xác nhận gia đình bị cáo được Chủ tịch nước tặng Bảng Gia đình vẻ vang, anh trai của bị cáo là liệt sỹ, gia đình được tặng Bằng Tổ quốc ghi công. Bị cáo có thời gian tham gia chiến trường ở Quảng Trị từ năm 1972-1973. Nhiều cán bộ, chiến sĩ và người dân xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Đại diện Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương cho biết, những tài liệu mà luật sư đã cung cấp là tài liệu mới, đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Khoản 2, Điều 51 Bộ luật Hình sự. Những đơn của cán bộ, chiến sĩ, người dân xin cho bị cáo tuy không phải là tình tiết giảm nhẹ nhưng cần được xem xét khi lượng hình phạt.
“So với những bị cáo khác, bị cáo Nguyễn Văn Hiến có nhiều đóng góp hơn cho Quân đội, cho Tổ quốc. Bị cáo được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành ghi nhận, tặng thưởng nhiều huân, huy chương… Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng thêm những tình tiết nêu trên để giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo”, đại diện Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương nêu.
Đối với bị cáo Đinh Ngọc Hệ, đại diện Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương cho biết, bị cáo kháng cáo cho rằng không phạm tội, mình không liên quan đến Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh, không chỉ điểm bất cứ nội dung gì.
Tại phiên phúc thẩm, bị cáo lại nhận mình là chủ của các công ty. Tuy nhiên, bị cáo lại không thừa nhận mình là chủ mưu trong việc chiếm đoạt quyền sử dụng đất số 7, số 9 của Quân chủng Hải quân. Bị cáo đổ tất cả tội cho bị cáo Phạm Văn Diệt (nguyên Tổng Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần tập đoàn Đức Bình, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh) và Vũ Thị Hoan (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yên Khánh Hải Thành).
Căn cứ vào các tài liệu, đại diện Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương cho biết đủ cơ sở kết luận bị cáo Hệ chính là chủ mưu trong hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản quyền sử dụng đất số 7, số 9 của Quân chủng Hải quân. Án sơ thẩm kết luận bị cáo phạm tội là có căn cứ, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đinh Ngọc Hệ.
Đối với kháng cáo của bị cáo Bùi Như Thiềm (nguyên Trưởng phòng Kinh tế, Quân chủng Hải quân), theo đại diện Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương, bị cáo đã nhận thức được hành vi phạm tội, ăn năn hối cải, mắc nhiều bệnh… là những tình tiết giảm nhẹ những trách nhiệm hình sự cần được xem xét cho bị cáo.
Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương đề nghị không chấp nhận kháng cáo xin giảm án treo của bị cáo Bùi Như Thiềm, tuy nhiên đề nghị xem xét giảm nhẹ một phần mức hình phạt cho bị cáo. Đại diện Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương đề nghị không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo khác, gồm: Trần Trọng Tuấn (nguyên Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ và Du lịch biển đảo Hải Thành, Quân chủng Hải quân), Đoàn Mạnh Thảo (nguyên Trưởng phòng Tài chính, Quân chủng Hải quân), Bùi Văn Nga (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ và Du lịch biển đảo Hải Thành, Quân chủng Hải quân).
Chấp nhận một phần kháng cáo của Ngân hàng BIDV
Về các nội dung pháp lý liên quan khu đất số 7, số 9 trên đường Tôn Đức Thắng, Quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh), đại diện Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương cho rằng, bị cáo Hệ đã thế chấp đất cho ngân hàng BIDV. Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã tuyên trả lại tài sản này cho Quân chủng Hải quân. Ngân hàng BIDV kháng cáo, cho rằng tòa sơ thẩm tuyên hợp đồng vay vốn bằng tài sản đảm bảo là khu đất này vô hiệu là sai.
Tại phiên phúc thẩm này, đại diện Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương đề nghị Tòa phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của BIDV, cho phép ngân hàng thu hồi nợ từ các doanh nghiệp đã vay tiền thông qua tài sản đảm bảo là khu đất số 7, số 9.
Sau khi Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương trình bày quan điểm, phiên phúc thẩm bước sang phần tranh luận.
Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm bị đề nghị mức án từ 10-11 năm tù
Sáng 11/12, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) chuyển sang phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.
Theo đó, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án đối với các bị cáo: Nguyễn Nhật Cảm (sinh năm 1963, nguyên Giám đốc CDC Hà Nội) từ 10 - 11 năm tù; Nguyễn Vũ Hà Thanh (sinh năm 1979, nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, CDC Hà Nội) và Đào Thế Vinh (sinh năm 1975, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam - MST) từ 7 - 8 năm tù.
Hai bị cáo Nguyễn Trần Duy (sinh năm 1980, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá Nhân Thành) và Nguyễn Ngọc Nhất (sinh năm 1986, nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech) bị đề nghị mức án từ 6 - 7 năm tù.
Các bị cáo Nguyễn Thị Kim Dung (sinh năm 1973, nguyên Trưởng phòng Tổ chức hành chính, CDC Hà Nội), Nguyễn Ngọc Quỳnh (sinh năm 1975, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, CDC Hà Nội), Nguyễn Thanh Tuyền (sinh năm 1985, nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông) cùng bị đề nghị mức án từ 5 - 6 năm tù. Viện Kiểm sát cũng đề nghị xử phạt bị cáo Lê Xuân Tuấn (sinh năm 1982, cán bộ CDC Hà Nội), Hoàng Kim Thư (sinh năm 1987, nguyên Kế toán trưởng, Phó Trưởng phòng Tài chính Kế toán, CDC Hà Nội) từ 2 - 3 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị trả lại cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội số tiền đang tạm giữ là hơn 5,4 tỷ đồng, tịch thu sung công quỹ Nhà nước số tiền hơn 25 triệu đồng.
Bản luận tội nêu rõ, ngày 14/2/2020, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định về việc bổ sung kinh phí mua sắm máy móc, trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra trên địa bàn thành phố Hà Nội, bổ sung dự toán cho Sở Y tế Hà Nội.
Ngày 15/2/2020, Sở Y tế Hà Nội ban hành Quyết định giao CDC Hà Nội nguồn kinh phí bổ sung hơn 31 tỷ đồng, trong đó có danh mục mua các thiết bị của gói thầu số 15 gồm: 1 hệ thống Realtime PCR tự động; 1 máy tách chiết DNA/RNA tự động; 1 tủ lạnh âm -86 độ C, 1 tủ lạnh âm - 20 độ đến -30 độ C và 1 tủ mát từ 2 đến 14 độC; giao CDC Hà Nội làm chủ đầu tư gói thầu số 15 trên.
Quá trình thực hiện quy trình mua sắm hàng hóa theo hình thức chỉ định thầu thông thường, lợi dụng tình trạng dịch bệnh và vì động cơ vụ lợi, Nguyễn Nhật Cảm đã không thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu mà đã thực hiện các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu.
Cảm đã chủ động gặp, bàn bạc, thống nhất giá mua hàng hóa và xác định giá gói thầu là hơn 9,5 tỷ đồng với các bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất, Nguyễn Thanh Tuyền, Đào Thế Vinh thuộc các công ty tư nhân kinh doanh, trước khi thực hiện quy trình, thủ tục chỉ định thầu thông thường; câu kết với bị cáo Nguyễn Trần Duy (Tổng Giám đốc, Thẩm định viên về giá Công ty Nhân Thành) gian lận, hợp thức thủ tục thẩm định giá gói thầu trên theo đúng giá do CDC Hà Nội yêu cầu; chỉ đạo và giao cho các nhân viên dưới quyền là Nguyễn Vũ Hà Thanh, Nguyễn Thị Kim Dung, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Hoàng Kim Thư, Lê Xuân Tuấn hợp thức toàn bộ quy trình chỉ định thầu thông thường để Công ty MST trúng thầu theo giá thỏa thuận từ trước, vi phạm các quy định của Luật Đấu thầu năm 2003.
Đại diện Viện Kiểm sát xác định, hành vi phạm tội của các bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, Nguyễn Ngọc Nhất, Đào Thế Vinh, Nguyễn Trần Duy, Nguyễn Vũ Hà Thanh, Nguyễn Thị Kim Dung, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Hoàng Kim Thư, Lê Xuân Tuấn đã gây thiệt hại hơn 5,4 tỷ đồng cho Nhà nước. Bị cáo Nguyễn Thanh Tuyền tham gia thực hiện tội phạm trong việc thỏa thuận, gian lận về giá mua bán hệ thống Realtime PCR với Nguyễn Nhật Cảm nên chịu trách nhiệm về số thiệt hại gây ra là hơn 3,8 tỷ đồng.
Đại diện Viện Kiểm sát đánh giá bị cáo Nguyễn Nhật Cảm là chủ mưu trong vụ việc. Qua các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được trong quá trình điều tra và kết quả xét hỏi công khai tại phiên tòa, công tố viên khẳng định Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố đối với các bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực đấu thầu, cụ thể trong vụ án này là xâm phạm công tác quản lý hoạt động đấu thầu dự án mua bán thiết bị y tế, phòng chống dịch của Nhà nước.
Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các cấp và toàn thể xã hội đã nỗ lực và tập trung các nguồn lực để phòng chống dịch với với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, chấp nhận “hy sinh” lợi ích kinh tế để đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người dân. Song, các bị cáo lại gian lận, thông đồng với các đối tượng bên ngoài nâng khống giá trị gói thầu thiết bị y tế phục vụ chống dịch gây thiệt hại cho Nhà nước hàng tỷ đồng.
Hành vi phạm tội của các bị cáo đã làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của lực lượng y bác sỹ và các cá nhân, đơn vị đang trực tiếp phòng chống dịch bệnh COVID-19, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Sau khi đại diện Viện Kiểm sát trình bày bản luận tội và đề nghị mức án, các luật sư bào chữa, các bị cáo đã tham gia tranh luận với đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa.
Việt Nam ghi nhận thêm 6 ca mắc mới COVID-19 đều là ca nhập cảnh
Tính đến 18 giờ ngày 11/12, Việt Nam ghi nhận thêm 6 ca mắc mới COVID-19 đều là ca nhập cảnh; đã 9 ngày tại TP. Hồ Chí Minh không ghi nhận thêm ca mắc trong cộng đồng.
Như vậy, đến 18 giờ ngày 11/12, Việt Nam có tổng cộng 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 553 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 20.832 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 200 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 16.743 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 3.889 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 11/12, có thêm 13 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh gồm: BN1357, BN1245, BN1324, BN1328, BN1319, BN1318, BN1303, BN1304, BN1338, BN1282, BN1294, BN1256, BN1339.
Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 1 lần trở lên là 22 ca.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 là 35 ca, số ca điều trị khỏi là 1.237 ca.