Thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Thủ Đức
Chiều 9/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định, quá trình xây dựng đề án thành lập thành phố Thủ Đức và điều chỉnh đơn vị hành chính cấp huyện, xã đã được tiến hành rất kỹ; lấy ý kiến đông đảo của nhiều nhà khoa học, lão thành cách mạng; tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân và nhận được sự đồng tình của đa số người dân.
"Thành phố Thủ Đức được kỳ vọng là hạt nhân để dẫn dắt kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Sau khi thành lập, với mục tiêu trở thành một thành phố sáng tạo, Thành phố Thủ Đức có thể đóng góp tới 7% GDP cả nước", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, việc thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh đã có chủ trương cũng như đầy đủ các cơ sở pháp lý quy định tại Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh đó, Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa được Quốc hội thông qua cũng cho phép thành lập chính quyền đô thị thành phố trong thành phố; trình tự thủ tục hồ sơ được các cơ quan chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc, lấy ý kiến đông đảo cử tri trên địa bàn.
Với 100% số phiếu tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ 1/1/2021. Từ thời điểm này, Thành phố Hồ Chí Minh có 22 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 16 quận, 5 huyện, 1 thành phố); 312 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 58 xã, 249 phường, 5 thị trấn). Mô hình chính quyền địa phương ở thành phố Thủ Đức có cả HĐND và UBND thành phố; tuy nhiên các phường thuộc Thủ Đức sẽ không tổ chức HĐND.
Grab chưa thông tin rõ với cơ quan thuế lý do tăng giá cước và mức chiết khấu
Kết thúc buổi làm việc nội bộ giữa 2 bên vào chiều 9/12, đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng: Phía Grab chưa thông tin rõ ràng với cơ quan thuế lý do vì sao tăng giá cước và mức chiết khấu - khiến hàng loạt lái xe Grab bất bình trong mấy ngày qua. Việc điều chỉnh được phía Grab đưa ra vì liên quan tới Nghị định 126 là không hợp lý.
Tại cuộc họp, đại diện Tổng cục Thuế đã giải thích rõ cho Grab về Nghị định 126/2020/NĐ-CP không có thay đổi về chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT). Nghị định 126 quy định nghĩa vụ khai thuế GTGT đối với hoạt động hợp tác kinh doanh là do doanh nghiệp thực hiện.
Theo đó, Nghị định 126 quy định nghĩa vụ khai thuế GTGT đối với hoạt động hợp tác kinh doanh là do doanh nghiệp thực hiện. Doanh nghiệp phải khai thuế GTGT đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh.
Đối với Grab là hoạt động kinh doanh vận tải, đại diện Tổng cục Thuế nhấn mạnh: Doanh nghiệp khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì thuế suất thuế GTGT là 10% và doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định.
Trước đó, Grab Việt Nam cho biết sẽ tăng thuế GTGT từ 3% lên 10% với mỗi cuốc xe công nghệ với lý do thực hiện theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Do đó, Grab đã cân nhắc cẩn trọng để đề xuất giá cước mới phù hợp; đồng thời tiến hành khấu trừ nghĩa vụ thuế GTGT 10% từ cước phí chuyến xe mà người dùng hiện đang chi trả. Phí sử dụng ứng dụng (chiết khấu) áp dụng cho đối tác tài xế vẫn được giữ nguyên không thay đổi.
Việc tăng thuế này đã khiến cho hàng trăm tài xế chạy xe "ôm" công nghệ Grab đã diễu hành bằng xe máy tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng để phản đối mức khấu trừ mới này.
"Thông tin của Công ty TNHH Grab cho rằng, do tác động của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 dẫn đến Grab tăng giá cước từ 8% đến 18% đối với từng loại hình dịch vụ và ở từng khu vực khác nhau, đồng thời giảm tỷ lệ chia cho tài xế 7% là hoàn toàn không đúng", đại diện Tổng cục Thuế nói.
Trước đó, từ ngày 5/12, Grab điều chỉnh giá cước tối thiểu của GrabCar tại Hà Nội từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2 km đầu và tăng thêm 1.000 đồng (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng) cho mỗi km tiếp theo. Hiện tại, trong các hãng xe công nghệ như Grab đang hoạt động ở Việt Nam gồm Gojek, BE, VATO, FastGo, MyGo duy chỉ mới có Grab đã nhanh chân thực hiện việc tăng giá cước khi Nghị định 126/2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12.
Tương tự, GrabCar 7 chỗ sẽ áp dụng mức tăng từ 30.000 đồng lên 32.000 đồng cho 2 km đầu tiên và từ 10.000 đồng lên 11.000 đồng cho mỗi km tiếp theo.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, giá cước tối thiểu của GrabCar cũng tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu tiên và tăng thêm 500 đồng cho mỗi km tiếp theo. Giá các dịch vụ GrabBike, GrabFood, GrabExpress cũng được điều chỉnh tăng.
Mặt khác, Grab cũng tăng tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế GrabCar và GrabBike, trong đó tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế GrabBike tăng từ 20% lên 27,273% và và tăng từ 28,375% lên 32,841% đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%.
Đáng chú ý đối với dịch vụ xe GrabCar, Grab thu thêm 400 đồng/phút tính theo thời gian di chuyển. Đối với dịch vụ GrabCarPlus, Grab thu 500 đồng/phút tính theo thời gian di chuyển.
Diễn viên hài Chí Tài đột ngột qua đời
Nghệ sĩ Chí Tài bị đột quỵ vào sáng 9/12 tại Thành phố Hồ Chí Minh và đã qua đời ở tuổi 62.
Thông tin danh hài Chí Tài đột ngột qua đời đang khiến nhiều nghệ sĩ, bạn bè và cả các fan hâm mộ không khỏi bàng hoàng tiếc thương. Được biết, nguyên nhân nam danh hài qua đời là do đột quỵ. Quản lý cũ của Chí Tài cho biết danh hài phải nhập viện Hoàn Mỹ sau khi bị đột quỵ vào sáng 9/12.
Nghệ sĩ Chí Tài sinh năm 1958, tên thật là Nguyễn Chí Tài. Lúc sinh thời, nghệ sĩ Chí Tài nổi bật nhất với vai trò diễn viên hài, ông được rất nhiều đồng nghiệp và người hâm mộ yêu mến.
Chí Tài hoạt động tại hải ngoại và trong nước và là bạn diễn ăn ý với nghệ sĩ ưu tú Hoài Linh. Trước đó, ông cũng được biết đến như một nhạc công ghi-ta, nhạc sĩ hòa âm hàng đầu tại hải ngoại trong giai đoạn thập niên 90, ngoài ra ông còn là nhạc sĩ sáng tác và viết lời Việt cho một số ca khúc.
Tuyển người tình nguyện tham gia thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19 từ ngày 10/12
Từ ngày 10/12, Học viện Quân y sẽ khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19 và thông báo tuyển người tình nguyện tham gia nghiên cứu.
Ngày 9/12, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đã họp thẩm định và thông qua hồ sơ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1- 2 đối với vắc xin Nanocovax do Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược NANOGEN sản xuất và giao cho nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y làm chủ trì đề tài nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng này.
Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đã thông qua kế hoạch thu tuyển người tình nguyện tham gia nghiên cứu giai đoạn 1.
Ngày 10/12, Học viện Quân y sẽ khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19 và thông báo thu tuyển người tình nguyện tham gia nghiên cứu; ngày 17/12 sẽ tiêm mũi vắc xin đầu tiên cho người tình nguyện tham gia nghiên cứu giai đoạn 1.
Số lượng, tiêu chuẩn lựa chọn, loại trừ người tham gia nghiên cứu và nội dung thông tin cung cấp cho người tình nguyện tham gia nghiên cứu đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thông qua.
Theo đó, giai đoạn 1 sẽ có 60 người tình nguyện khỏe mạnh từ 18 đến 50 tuổi tham gia và được phân ngẫu nhiên vào 3 nhóm, bao gồm nhóm 1a với 20 người dùng mức liều 25 mcg sẽ được thu tuyển đầu tiên; tiếp theo là nhóm 1b gồm 20 người dùng mức liều 50 mcg và sau đó là nhóm 1c gồm 20 người dùng mức liều 75 mcg. Tất cả các đối tượng tham gia nghiên cứu giai đoạn 1 sẽ được tiêm bắp 2 mũi vắc xin, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 28 ngày.
Để đảm bảo tính an toàn cho người tham gia nghiên cứu, giai đoạn thu tuyển 60 đối tượng tham gia đánh giá an toàn theo thiết kế dò liều tăng dần.
Quy trình thu tuyển đối tượng tham gia vào giai đoạn 1 sẽ được bắt đầu với 3 người thuộc nhóm liều 25 mcg. Trên cơ sở kết quả theo dõi đánh giá sau 72 giờ sau tiêm vắc xin trên 3 người đầu tiên này mới quyết định mức liều và số người tham gia tiếp theo. Thời gian nghiên cứu cho mỗi người tham gia là khoảng 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên.
Việt Nam thêm 4 ca mắc mới là ca nhập cảnh
Tính đến 18 giờ ngày 9/12, Việt Nam thêm 4 ca mắc mới, đều là ca nhập cảnh. Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh không ghi nhận thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng trong 7 ngày qua.
Ca bệnh 1378 (BN1378) tại Ninh Bình: Nữ, 47 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại xã Tam Văn, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa.
Ca bệnh 1379 (BN1379) tại Ninh Bình: Nữ, 32 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Phòng khám Đa khoa Khu vực Cầu Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Ca bệnh 1380 (BN1380) tại Quảng Nam: Nam, 26 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại phường 14, quận 10, TP Hồ Chí Minh và đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam.
Ca bệnh 1381 (BN1381) tại Đà Nẵng: Nam, 25 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại xã An Phú Trung, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 9/12, Việt Nam có tổng cộng 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 553 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 21.485 người, trong đó: cách ly tập trung tại bệnh viện 161 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 17.192 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 4.132 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 9/12 có thêm BN1317 được công bố khỏi bệnh.
Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 1 lần trở lên là 23 ca.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 là 35 ca, số ca điều trị khỏi là 1.225 ca.
Khởi tố bị can Jeong In Cheol về tội 'Giết người' và 'Cướp tài sản'
Ngày 9/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Jeong In Cheol (sinh năm 1985, quốc tịch Hàn Quốc, Giám đốc Công ty Creata Việt Nam) để điều tra về hai tội "Giết người" và "Cướp tài sản".
Trước đó, vào 18 giờ ngày 27/11, Công an TP Hồ Chí Minh nhận được tin báo về việc phát hiện một va ly màu hồng cùng lưỡi cưa, kìm cộng lực có dấu vết nghi máu tại nhà vệ sinh ở tầng 1 của Công ty Creata Việt Nam (địa chỉ số 24 đường số 3, khu dân cư Him Lam, khu phố 5, phường Tân Hưng, Quận 7). Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng triển khai lực lượng đến hiện trường kiểm tra và xác định có vụ án mạng xảy ra. Ngoài va ly màu hồng và các dụng cụ nói trên, ở lầu 1, lực lượng chức năng còn phát hiện thêm 3 túi nilon màu đen trong nhà vệ sinh tầng 3 của căn nhà. Bên trong va ly và các túi đen có chứa bộ phận cơ thể người.
Vào cuộc điều tra, Công an xác định đối tượng nghi vấn thực hiện hành vi phạm tội là Jeong In Cheol và nạn nhân là Han Tong Duk (sinh năm 1987, quốc tịch Hàn Quốc) là bạn của Jeong In Cheol. Sau khi gây án, Jeong In Cheol đã rời khỏi hiện trường bằng xe ô tô hiệu KIA màu đen.