Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Tiếp thu các ý kiến xác đáng, hoàn thiện dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Ngày 8/12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị để tiếp thu ý kiến đóng góp của các Đảng bộ trực thuộc Trung ương, các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân; thảo luận, cho ý kiến hoàn chỉnh dự thảo lần cuối các văn kiện, chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương 14, Khóa XII xem xét, quyết định, hoàn tất việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện tại Đại hội XIII của Đảng.
Bộ Chính trị đã nghe các đồng chí Tổ trưởng Tổ Biên tập Báo cáo Chính trị, Tổ trưởng Tổ Biên tập Báo cáo Kinh tế - Xã hội, Tổ trưởng Tổ Biên tập Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng; trình bày các báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Từ sau Hội nghị Trung ương 13 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, các Tiểu ban và các cơ quan liên quan đã khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Trung ương, tiếp tục hoàn thiện thêm một bước dự thảo các văn kiện, gửi xin ý kiến của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng vào ngày 20/10/2020 để xin ý kiến rộng rãi của toàn dân.
Văn phòng Trung ương đã chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẩn trương, nghiêm túc tổng hợp ý kiến góp ý của 67 Đảng bộ trực thuộc Trung ương, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đồng bào ta định cư ở nước ngoài đối với dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Các Tiểu ban, đặc biệt là các Tổ Biên tập đã dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, phân tích các ý kiến góp ý; nhiều lần tổ chức họp, thảo luận, nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến hợp lý để tiếp tục hoàn thiện dự thảo các văn kiện.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoan nghênh, cảm ơn các đồng chí lão thành cách mạng, các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu, tâm huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với Đảng, với nhân dân và đất nước. Các Tiểu ban và các cơ quan liên quan đã khẩn trương hoàn thiện, công bố dự thảo lấy ý kiến của nhân dân; nghiêm túc tổng hợp, phân tích, tiếp thu các ý kiến đóng góp xác đáng và phù hợp, xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình và hoàn chỉnh dự thảo các văn kiện trình Bộ Chính trị.
Kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, các báo cáo khác phải thống nhất với báo cáo trung tâm. Thời gian còn lại rất ngắn, các Tổ Biên tập, các Tiểu ban cần tập trung, khẩn trương hoàn thiện các dự thảo văn kiện, bảo đảm nội dung chuẩn xác.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, các Tổ Biên tập phải hết sức trân trọng, lắng nghe và nghiêm túc tiếp thu ý kiến xác đáng của các nhà khoa học, trí thức, các tầng lớp nhân dân, góp phần hoàn thiện dự thảo các văn kiện; cần thận trọng cân nhắc kỹ lưỡng, chuẩn xác, tập trung cao nhất cho công việc này, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu.
Cán bộ, đảng viên, nhân dân rất quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm, thể hiện quyền dân chủ thực sự.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chân thành cảm ơn các ý kiến đóng góp, đồng thời nhấn mạnh “hết sức tiếp thu các ý kiến xác đáng”. Báo cáo tại Đại hội, tức là báo cáo về các văn kiện trình Đại hội, phải tổng hợp được tất cả các báo cáo khác, chính xác, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu. “Văn kiện là văn bia, lưu lại mãi về sau”, vì vậy việc xây dựng, hoàn thiện văn kiện phải phản ánh tiếng nói chung, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Đảng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dự thảo văn kiện Đại hội lần này được chuẩn bị kỹ lưỡng, góp phần vào thành công Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới.
HĐND TP Hà Nội chất vấn về những bất cập trong quản lý khai thác cát, sỏi
Ngày 8/12, bước sang ngày làm việc thứ hai kỳ họp thứ 18 Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội khóa XV, các đại biểu bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Vấn đề quản lý khai thác cát sỏi, lòng sông được nhiều đại biểu HĐND chất vấn sáng 8/12.
Các đại biểu chất vấn một loạt vấn đề quản lý khai thác cát, sỏi như thành phố (TP) Hà Nội còn 13 điểm khai thác cát trái phép, gây bức xúc dư luận, gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách, cơ chế phối hợp với các tỉnh giáp ranh ra sao để xử lý triệt để vi phạm? Xử lý của huyện Đan Phượng về tình trạng khai thác cát trái phép tại 6 xã ven sông Hồng? Tình trạng cát tặc trên sông Cà Lồ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân?...
Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng cho biết: Hiện TP có 7 tuyến sông chính giáp ranh với 8 tỉnh, thường có các đối tượng hoạt động khai thác cát lén lút ở các khu vực giáp ranh các địa bàn huyện. Hàng năm, Công an TP đều có kế hoạch yêu cầu các đơn vị các cấp điều tra cơ bản, qua đó phát hiện 13 điểm khai thác cát trái phép trên địa bàn.
Tình đến tháng 11/2020, trên địa bàn TP có 14 giấy phép hoạt động, trong đó có 11 giấy phép do UBND TP cấp; 8 tổ chức được khai thác cát nổi còn thời hạn. Xác định trên các tuyên sông 207 bãi tập kết khoáng sản đang hoạt động, trong đó có 57 bãi có thủ tục hoạt động, 150 bãi chưa có thủ tục hoạt động trên các địa bàn quận, huyện.
“Lực lượng Công an TP có phân công Phòng cảnh sát môi trường, Phòng cảnh sát giao thông đường thủy, giao cho công an các quận huyện thị xã quản lý lĩnh vực này. Thời gian tới, khi lực lượng công an chính quy về xã thì sẽ giao cho lực lượng này. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt, trọng tâm để phát hiện để phối hợp đấu tranh có hiệu quả vấn đề khai thác cát”, Phó Giám đốc Công an TP cho biết.
Đối với thủ đoạn hoạt động, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, các đối tượng được cấp các mỏ cát để khai thác các bãi nổi; tự ý đưa các tàu khác không đăng ký vào mỏ cát. Các đối tượng thường xuyên thay đổi quy luật thời gian và địa bàn khai thác, chủ yếu là vào ngày nghỉ, ngày lễ của các cơ quan chức năng.
Đối với đề xuất của các địa phương về cung cấp xuồng, Phó Giám đốc Công an TP cho rằng việc này rất khó, vì khi bị phát hiện khai thác cát ở các khu vực giáp ranh, thì đối tượng lại nhổ neo đi sang chỗ khác. Đối với 13 điểm khai thác cát trái phép được nêu là các điểm phức tạp. Công an TP kiến nghị Sở Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp kiểm tra các tàu chưa đăng kiểm. Công an đã có 25 kiến nghị đối với các Sở, quận, huyện; xem xét xử lý dứt điểm đối với các bến bãi không phép. Tăng cường kiểm tra, phối hợp với các lực lượng các tỉnh giáp ranh. Công an TP cũng đề nghị Thanh tra giao thông tiếp tục phối hợp với lực lượng công an giải quyết kiểm tra những phương tiện vi phạm.
Trả lời về việc kiểm soát tải trọng phương tiện hoạt động tại các tuyến đê, Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Trần Nhật Quang cho biết: Thành phố hiện có 20 tuyến đê dọc sông vừa là đê ngăn lũ, vừa là đường giao thông. Với chức năng nhiệm vụ được giao, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải thành phố đã đề xuất xây dựng nhiều kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tại quận, huyện, thị xã phối hợp tổ chức kiểm tra, xử lý. Qua tổng kiểm tra, đơn vị đã xử phạt 13 doanh nghiệp vi phạm từ đầu mối bốc xếp, xử phạt số tiền 70 triệu đồng đối với các trường hợp chở quá tải trọng ngay từ đầu nguồn; xử phạt 184 trường hợp mở bến thủy không phép với số tiền gần 1 tỷ đồng tại quận Long Biên và các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Phú Xuyên, Mê Linh, Sóc Sơn.
Bên cạnh đó, ông Trần Nhật Quang cũng cho biết, đơn vị cũng gặp phải nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm, như với mức xử phạt lớn thì sự chống đối của lái xe xảy ra thường xuyên, nhiều trường hợp khóa xe bỏ đi gây cản trở giao thông, Thanh tra Giao thông phải mất cả ngày để thuyết phục lái xe. Đồng thời, Thanh tra Sở cũng không có công cụ hỗ trợ, thẩm quyền tạm giữ phương tiện còn hạn chế, việc dừng kiểm tra phương tiện trọng tải lớn trên các tuyến đê có khổ đường hạn chế càng khó hơn; thiếu phương tiện để cưỡng chế các phương tiện trọng tải lớn, Thanh tra Sở quân số còn mỏng, địa bàn quản lý rộng khiến công tác gặp nhiều khó khăn…
Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội kiến nghị tăng cường chế tài xử lý hình sự trách nhiệm của chủ phương tiện, lái xe, đồng thời cho phép tạm giữ phương tiện, đặc biệt là các phương tiện chở quá tải trọng.
Về bãi chứa và trung chuyển vật liệu xây dựng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường (TN&MT) Nguyễn Trọng Đông cho biết, qua rà soát, trên địa bàn TP hiện có 214 điểm tập kết, trong đó có 43 điểm có thủ tục cho thuê đất, 197 chưa có thủ tục thuê đất. Các quận huyện sở ngành giải tỏa được 73 điểm, còn 123 điểm hoạt động chưa xử lý được.
TP Hồ Chí Minh có hai Phó Chủ tịch UBND thành phố mới trúng cử
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh và ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã trúng cử làm Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2016-2021.
Chiều 8/12, kỳ họp thứ 23 HĐND TP Hồ Chí Minh khoá IX bước vào buổi làm việc thông qua các tờ trình giới thiệu và bầu bổ sung hai Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh mới trong giai đoạn 2016-2021.
Bà Phan Thị Thắng năm nay 44 tuổi, quê ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Bà Phan Thị Thắng có trình độ chuyên môn Thạc sĩ Kinh tế, Cử nhân Luật, Cao cấp lý luận chính trị. Bà Phan Thị Thắng từng giữ các chức: Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân, Phó giám đốc rồi Giám đốc Sở Tài chính. Tháng 7/2019, bà được bầu làm Phó Chủ tịch HĐND thành phố khoá IX.
Ông Lê Hòa Bình, sinh năm 1970. Quê quán ở tỉnh Quảng Ngãi. Trình độ chuyên môn Kỹ sư Xây dựng, Thạc sĩ Kỹ thuật, Cử nhân Kinh tế. Trình độ lý luận chính trị là Cao cấp Lý luận chính trị. Ông từng giữ các chức vụ như: Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND quận 7. Tháng 4/2019, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh.
Chiều 8/12, Việt Nam thêm 10 ca mắc mới COVID-19, đều là ca nhập cảnh
Tính đến 18 giờ ngày 8/12, Việt Nam ghi nhận thêm 10 ca mắc mới COVID-19, đều là ca nhập cảnh.
Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 8/12, Việt Nam có tổng cộng 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay 553 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 20.262 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 164 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 16.271 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 3.827 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1 trở lên là 17 ca.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 là 35 ca, số ca điều trị khỏi là 1.224 ca.
Sau khi ghi nhận các ca mắc COVID-19 do lây nhiễm từ người cách ly tại TP Hồ Chí Minh, đến nay đã 6 ngày không ghi nhận thêm ca cộng đồng mới.
Đà Nẵng: Hàng trăm lái xe Grab diễu hành gây mất an toàn giao thông
Trưa 8/12, hàng trăm tài xế chạy dịch vụ “xe ôm công nghệ” Grab đã tổ chức diễu hành bằng xe máy trên các tuyến đường trung tâm quận Hải Châu (thành phố Đà Nẵng) để phản đối mức khấu trừ mới của Công ty TNHH Grab.
Đáng lưu ý, hành vi dàn hàng ngang lấn chiếm toàn bộ làn đường, bấm còi, hò hét của những tài xế này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông trên các tuyến đường.
Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Đà Nẵng, cho biết: Lực lượng Công an sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp tài xế cố tình dàn hàng ngang, diễu hành, gây cản trở giao thông. Từ sáng 8/12, nhận được tin báo về việc các tài xế kêu gọi tập trung đông người, đơn vị đã phối hợp với lực lượng công an địa phương giữ gìn an ninh trật tự tại khu vực quanh trụ sở Grab trên đường Nguyễn Hữu Thọ (thành phố Đà Nẵng). Đến trưa cùng ngày, khi trở về, một số tài xế đã tổ chức diễu hành trên đường, đây là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Trước đó, từ sáng 8/12, hàng trăm tài xế Grab tại thành phố Đà Nẵng đã tập trung ở trụ sở hãng này để phản đối việc tăng chiết khấu VAT lên 10% mà Grab vừa áp dụng đối với các tài xế. Theo các tài xế, việc chiết khấu lên tới 30% cho mỗi cuốc xe là không hợp lý, nhất là trong hoàn cảnh người lao động đang chật vật mưu sinh sau dịch COVID-19 như hiện nay. Vì không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ đại diện của hãng Grab, hàng trăm tài xế đã tắt ứng dụng, diễu hành phản đối, gây náo động nhiều tuyến đường trung tâm thành phố Đà Nẵng như Nguyễn Hữu Thọ, Lê Duẩn, Bạch Đằng...
Đại diện Grab cho biết, từ ngày 5/12, ứng dụng này sẽ tăng 5-6% giá dịch vụ taxi, “xe ôm công nghệ” trên cả nước sau khi Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12, quy định mức thuế giá trị gia tăng (VAT) với xe công nghệ là 10% trên doanh thu. Tỉ lệ chiết khấu tài xế GrabCar áp dụng từ 28,375% lên 32,841% (bao gồm phí ứng dụng + phí VAT + thuế thu nhập cá nhân) đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%. Ngay sau đó, các tài xế Grab tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng đã lần lượt tập trung phản ứng.
Sở GTVT TP Hồ Chí Minh tiếp tục kiến nghị 'khai tử' xe thô sơ và xe cơ giới 3, 4 bánh
Trong năm 2021, TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện "Đề án kiểm soát và tiến tới chấm dứt hoạt động đối với xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3, 4 bánh".
Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh đề xuất UBND Thành phố phương án điều chỉnh tổ chức giao thông đối với xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3, 4 bánh.
Theo báo cáo Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, hiện nhu cầu sử dụng loại phương tiện này là có thật do tính cơ động cao, thuận tiện trong việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng… trên các tuyến đường có mặt cắt ngang nhỏ, đường hẻm, đường cấm xe tải lưu thông… Do đó, việc chấm dứt hoạt động đối với loại phương tiện này sẽ ảnh hưởng rất lớn, làm thay đổi thói quen, tập quán của một bộ phận người dân đang sử dụng, chủ yếu tập trung vào những người dân có thu nhập thấp.
Đầu tháng 12, Sở GTVT đề xuất giai đoạn hiện nay giữ nguyên phương án tổ chức giao thông đối với xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3, 4 bánh trong khu vực nội đô và trên một số tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh.