Tin nổi bật ngày 10/12

Ngày 10/12, dư luận đặc biệt quan tâm tới những vấn đề thời sự như: Khai mạc Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X; Việt Nam có thêm 4 ca mắc mới COVID-19 đều là ca nhập cảnh và bắt đầu thu tuyển người tham gia thử nghiệm vắc xin Nanocovax phòng dịch COVID-19; xét xử vụ án tại CDC Hà Nội; xét xử phúc thẩm vụ án Đinh Ngọc Hệ.

Khai mạc Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X

Với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X khai mạc trọng thể sáng 10/12/2020 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự Lễ khai mạc Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN.

Tại Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo, trong đó nêu rõ, “công tác thi đua khen thưởng có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần tạo ra động lực thúc đẩy các hoạt động cách mạng”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trong hoàn cảnh đất nước vô vàn khó khăn, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc; Trung ương Đảng đã thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc từ Trung ương đến địa phương và phát động phong trào thi đua để động viên mọi lực lượng tham gia kháng chiến, kiến quốc. Người đã căn dặn: "Thi đua là yêu nước; yêu nước thì phải thi đua, và những người thi đua là những người yêu nước nhất". Sự thành công trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta trong hơn 70 năm qua đã khẳng định giá trị đúng đắn, sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng chủ đạo của Đảng ta về thi đua yêu nước. Mọi thành quả của cách mạng nước ta đều gắn liền với việc tổ chức hiệu quả các phòng trào thi đua yêu nước.

Trải qua chặng đường dài lịch sử xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thi đua Ái quốc luôn phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, có nhiều đổi mới về nội dung và phương pháp; đã cổ vũ, động viên cả dân tộc nỗ lực thi đua thể hiện lòng yêu nước, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, vươn lên đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với các phong trào thi đua quy mô toàn quốc, tất cả các cấp, các ngành, các địa phương đều có những phong trào thi đua, với nhiều hình thức tổ chức phong phú, nội dung thiết thực, động viên và lôi cuốn đông đảo quần chúng nhân dân tích cực tham gia.

Các phong trào thi đua đã bám sát việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị gắn với "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", thi đua lập thành tích nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, đặc biệt là thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Các ngành, các cấp, các địa phương có các phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, tiêu biểu là phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; "Năng suất, chất lượng, hiệu quả"; "Tuổi trẻ xung kích, tình nguyện"; "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; "Dạy tốt, học tốt"; phong trào thi đua "Quyết thắng", "Vì an ninh Tổ quốc", "Dân vận khéo"; "Ngày vì người nghèo"; phong trào thi đua liên kết trên các công trình trọng điểm quốc gia…

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những kết quả, thành tích trong phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm 2015 - 2020; chúc mừng các đại biểu điển hình tiên tiến về dự Đại hội hôm nay, những bông hoa tươi thắm trong phong trào thi đua của cả nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn trong thời gian tới, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thi đua phải có phương hướng đúng và vững"; "Thi đua ái quốc là lợi ích cho mình, lợi ích cho gia đình mình và ích lợi cho làng, cho nước, cho dân tộc", phong trào thi đua yêu nước cần cổ vũ các bộ, ban, ngành, địa phương và nhân dân cả nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng tốt các cơ hội, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu…, đưa đất nước tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, ngày càng phát triển, phấn đấu thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).

Phát biểu khai mạc Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, cách đây 72 năm, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam bộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Người viết, “mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái, bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa". Người kêu gọi, "làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều". Thực hiện Lời kêu gọi thiêng liêng đó của Người, trải qua 26.460 ngày, kể từ ngày 1/6 năm đó, không ngày nào nhân dân ta không thi đua yêu nước. Từ những ngày đầu với phong trào thi đua diệt giặc dốt, diệt giặc đói, cho đến diệt giặc ngoại xâm, từ thi đua khôi phục kinh tế - xã hội ở miền Bắc, cho đến thi đua chi viện cho chiến trường miền Nam, từ thi đua đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước, đến thi đua kiến thiết lại nước nhà, thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế đưa đất nước tiến lên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thi đua làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thủ tướng cho rằng, các phong trào thi đua góp phần quan trọng vào việc động viên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; khơi dậy được tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, hun đúc ý chí mạnh mẽ khát vọng hùng cường của dân tộc ta. Thi đua giờ đây trở thành điều rất quan thuộc trong đời sống hàng ngày. Tinh thần thi đua vượt lên chính mình chính là cội nguồn sức mạnh của sự phát triển.

Theo Thủ tướng, mặc dù còn những tồn tại, hạn chế và gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự nỗ lực rất lớn và tinh thần quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn hiện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, tô đậm thành tựu của 35 năm đổi mới với những bước tiến vượt bậc. Liên tiếp trong 4 năm (2016-2019), chúng ta đã thi đua, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu kinh tế-xã hội đề ra, đứng trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất.

“Trong mỗi chặng đường phát triển của đất nước, phong trào thi đua yêu nước như những làn sóng trào dâng, kết tinh sức mạnh, mang theo khí thế lịch sử hào hùng của cha ông và dân tộc ta. Thi đua là động lực thúc đẩy mỗi cá nhân tự làm mới mình, luôn nỗ lực ngày thêm tiến bộ, tự giác vươn lên giành lấy thành quả mới trong lao động, học tập, sản xuất, kinh doanh”, Thủ tướng nêu rõ.

Việt Nam có thêm 4 ca mắc mới COVID-19 đều là ca nhập cảnh

Tính đến 18 giờ ngày 10/12, Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca mắc mới COVID-19, Việt Nam cũng bắt đầu thu tuyển người tham gia thử nghiệm vắc xin Nanocovax phòng dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Việt Nam bắt đầu thu tuyển người tình nguyện tham gia thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19. Ảnh: Lê Phú.

Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay 553 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 20.743 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 161 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 16.507 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 4.075 người.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 1 lần trở lên là 23 ca. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 là 35 ca, số ca điều trị khỏi là 1.225 ca.

Sáng 10/12, Lễ khởi động thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc xin Nanocovax phòng COVID-19 trên người đã diễn ra tại Học viện Quân y (Hà Đông, Hà Nội). Các tình nguyện viên đã bắt đầu đến đăng ký tham gia tiêm thử nghiệm vắc xin này.

Xét xử vụ án tại CDC Hà Nội: Các bị cáo gây thiệt hại hơn 5,4 tỷ đồng

Sáng 10/12, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội).

Các bị cáo trong vụ án này đều bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 222, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Mười bị cáo trong vụ án này gồm: Nguyễn Nhật Cảm (sinh năm 1963, nguyên Giám đốc CDC Hà Nội), Nguyễn Vũ Hà Thanh (sinh năm 1979, nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, CDC Hà Nội), Nguyễn Thị Kim Dung (sinh năm 1973, nguyên Trưởng phòng Tổ chức hành chính, CDC Hà Nội), Nguyễn Ngọc Quỳnh (sinh năm 1975, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, CDC Hà Nội), Hoàng Kim Thư (sinh năm 1987, nguyên Kế toán trưởng, Phó Trưởng phòng Tài chính Kế toán, CDC Hà Nội), Lê Xuân Tuấn (sinh năm 1982, cán bộ CDC Hà Nội), Nguyễn Ngọc Nhất (sinh năm 1986, nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển khoa học Vitech), Đào Thế Vinh (sinh năm 1975, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam – MST), Nguyễn Trần Duy (sinh năm 1980, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá Nhân Thành), Nguyễn Thanh Tuyền (sinh năm 1985, nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiết bị y tế Phương Đông).

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm có trách nhiệm chính trong việc mua sắm hàng hóa, thực hiện đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu thông thường; đã lợi dụng tình hình dịch bệnh, vì động cơ vụ lợi đã trực tiếp thỏa thuận, thống nhất giá mua sắm các máy, thiết bị y tế với các bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất, Nguyễn Thanh Tuyền, Đào Thế Vinh, ấn định mức giá gói thầu là 9,5 tỷ đồng trước khi thực hiện quy trình chỉ định thầu thông thường. Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm trực tiếp ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thẩm định giá với bị cáo Nguyễn Trần Duy để Duy giả mạo hồ sơ đấu thầu, chỉ định Công ty MST trúng thầu trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng.

Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm còn chỉ đạo các bị cáo Nguyễn Thị Kim Dung, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Hoàng Kim Thư thực hiện hành vi gian lận, giả mạo hồ sơ, hợp thức quy trình chỉ định thầu, ký các tài liệu hợp thức hồ sơ chỉ định thầu để bị cáo Nguyễn Nhật Cảm ký phê duyệt để chỉ định Công ty MST trúng thầu trái quy định pháp luật, gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng.

Xét xử phúc thẩm vụ án Đinh Ngọc Hệ

Sáng 10/12, Tòa án Quân sự Trung ương bắt đầu xét xử phúc thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Nguyễn Văn Hiến (từng là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân), Đinh Ngọc Hệ và các đồng phạm.

Sau khi xét xử sơ thẩm, có kháng cáo của 7 bị cáo và 7 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 01/2020/HS-ST ngày 21/5/2020 của Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân. Trong đó, bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng; Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng) kháng cáo kêu oan.

Tại phiên phúc thẩm sáng 10/12, Chủ tọa phiên tòa kiểm tra căn cước, lý lịch, trong đó có thông tin: bị cáo Đinh Ngọc Hệ còn có tên gọi khác là "Út Hệ". Tuy nhiên, sau đó, bị cáo Đinh Ngọc Hệ có ý kiến, phủ nhận tên gọi khác là "Út Hệ" hay "Út trọc" và cho rằng trong lý lịch, tên gọi ở gia đình, ngoài xã hội không có tên như vậy. Về vấn đề này, Chủ tọa nói sẽ có xác minh lại.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã xử phạt bị cáo Đinh Ngọc Hệ 20 năm tù; áp dụng khoản 1 Điều 56 Bộ luật Hình sự 2015, tổng hợp hình phạt 12 năm tù theo Bản án ngày 1/11/2018 của Tòa án Quân sự Trung ương, bị cáo Hệ phải chấp hành hình phạt chung là 30 năm tù. Bị cáo Nguyễn Văn Hiến bị xử phạt 4 năm tù. Bị cáo Đinh Ngọc Hệ bị xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; bị cáo Nguyễn Văn Hiến bị xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; bị cáo Bùi Như Thiềm (Tổng Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần tập đoàn Đức Bình, Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh) bị xét xử về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.

Đinh Ngọc Hệ, Phạm Văn Duyệt và Vũ Thị Hoan được xác định đã có hành vi gian dối, giả mạo chữ ký để chuyển quyền sử dụng đất từ Công ty Hải Thành sang Công ty Yên Khánh Hải Thành, thế chấp vay vốn ngân hàng. Tài sản mà Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm chiếm đoạt của Quân chủng Hải quân là 3 lô đất số 2, số 9 và số 11-13 đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Tin nổi bật ngày 9/12
Tin nổi bật ngày 9/12

TP Hồ Chí Minh thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Thủ Đức; Grab chưa thông tin rõ với cơ quan thuế lý do tăng giá cước và mức chiết khấu; tuyển người tình nguyện tham gia thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19 từ ngày 10/12; diễn viên Chí Tài đột ngột qua đời; khởi tố bị can Jeong In Cheol về tội 'Giết người' và 'Cướp tài sản'... là những thông tin nổi bật trong ngày 9/12.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN