Thung Mài vẫn yên bình trước "nanh vuốt" ma túy

Thung Mài là một xóm đặc biệt khó khăn của xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Do đất canh tác ít, đời sống người dân nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào cây ngô, dong giềng và cây mận hậu. Tuy vậy, trong những năm qua, nơi đây vẫn là một trong 6 xóm không để xảy ra tình trạng buôn bán và vận chuyển trái phép chất ma túy, mặc dù xung quanh xóm luôn nhức nhối tệ nạn “gieo cái chết trắng”.

Một góc xóm Thung Mài, xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.


Với địa hình phức tạp, nằm không xa đường biên giới với nước bạn Lào nên thung lũng Hang Kia, Pà Cò nhìn từ trên cao chỉ nằm lọt thỏm trong lòng bàn tay với gần 430 hộ dân và hơn 3.200 nhân khẩu. Chính vì cái hoang sơ, gập ghềnh đó mà hai xã người Mông luôn bị những thành phần xấu lợi dụng, biến nơi đây trở thành một cái “lô cốt” trung chuyển ma túy. Theo thống kê của lực lượng chức năng, trung bình mỗi năm có khoảng từ 4 đến 5 đối tượng bị bắt vì ma túy. Tính đến thời điểm này, cả xã Hang Kia có đến 8 đối tượng bị kết án tử hình, hàng chục đối tượng bị kết án tù chung thân và án tù có thời hạn từ 20 năm trở xuống vì tội buôn bán, vận chuyển và sử dụng ma túy.

Quãng đường từ UBND xã Hang Kia lên Thung Mài dài 8 km, xóm nằm ở đỉnh núi cao nhất xã, nên đường đi lại rất khó khăn, toàn dốc dựng đứng. Nhưng đến nơi, Thung Mài hiện ra thật đẹp và bình yên. Những nếp nhà gỗ cùng một lối kiến trúc như những bao diêm, với những hàng rào đá đặc trưng chạy dài, xung quanh được sắp xếp một cách kỳ công đẹp như một bức tranh thủy mặc.

Phó Trưởng Công an xã Hang Kia Giàng A Tráng cho biết: Đây là xóm ở nơi cao nhất xã. Cái tên Thung Mài theo tiếng Thái có nghĩa là vùng đất có nước. Tuy cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, nhưng cho đến giờ Thung Mài vẫn là xóm duy nhất trong 13 xóm của 2 xã đồng bào người Mông Hang Kia và Pà Cò không có người nghiện ma túy, không có người tham gia buôn bán, vận chuyển và liên quan đến ma túy.

Để giữ vững không cho ma túy xâm nhập vào địa bàn Thung Mài, trong những năm qua, các ngành đoàn thể xóm đã tích cực phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền về chính sách của Đảng và Nhà nước. Từ đó đã làm cho người dân tin vào đường lối chính sách, nghe theo cán bộ trong việc bài trừ ma túy ra khỏi cuộc sống. Nhờ vậy, từ năm 1993 đến nay sau khi thực hiện chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện, ở Thung Mài cũng “xóa” luôn người nghiện.

Phó Trưởng Công an Giàng A Tráng cho biết thêm: Trước đây người dân ở Thung Mài cũng trồng rất nhiều cây thuốc phiện và có nhiều người nghiện. Tính ra nhà nào trồng ít cũng vài nghìn mét vuông, còn nhà trồng nhiều thì lên tới hàng chục nghìn mét vuông. Cuộc sống người dân khi đó chủ yếu phụ thuộc vào cây thuốc phiện. Nhưng khi được vận động, người dân ở Thung Mài từ người già đến trẻ nhỏ đã tự nguyện nhổ phá vườn cây thuốc phiện, tự nguyện cai nghiện ma túy.

Do được tuyên truyền đầy đủ, kịp thời, người dân ở Thung Mài đã luôn có ý thức giữ gìn không vi phạm chủ trương, đường lối chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Người già bảo người trẻ, người trẻ bảo nhau không tham gia buôn bán, vận chuyển ma túy, không nghiện ma túy.

Cụ Sùng A Dễ, người xóm Thung Mài cho biết: Trong luật tục của người Mông không có những quy định, quy ước nào về tội buôn bán, vận chuyển ma túy. Nhưng trong quy ước bất thành văn của xóm Thung Mài thì nhà nào có người liên quan đến ma túy thì cả dòng họ, các chủ hộ phải nói được cho người vi phạm nghe, hiểu và phải làm cho họ từ bỏ con đường phạm tội, phải làm theo chính sách pháp luật của Đảng, không tham gia buôn bán, vận chuyển, không nghiện ma túy. Nếu không sẽ bị cộng đồng và cả dòng họ khinh miệt. Đây được coi là biện pháp hiệu quả trong việc ngăn chặn sự xâm nhập, thẩm lậu ma túy từ bên ngoài vào Thung Mài.

Bài và ảnh: Nguyễn Quốc Trị

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN