Theo đó, khoản 3 Điều 196 BLHS về tội “Đầu cơ” có mức hình phạt cao nhất đến 15 năm tù. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
“Đối với pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền cao nhất đến 9 tỷ đồng. Ngoài ra, pháp nhân thương mại phạm tội còn bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng; bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm”, luật sư Đỗ Minh Hiển cho biết.
Theo Văn phòng luật sư JVN, kit test nhanh COVID-19 thuộc trang thiết bị y tế buộc phải kê khai giá, niêm yết giá và không được mua bán cao hơn giá công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán. Việc tổ chức, cá nhân tự ý đẩy giá kit test nhanh cao hơn giá kê khai hoặc không kê khai giá nhằm trục lợi trên nỗi đau, sự lo sợ bệnh tật của người mua là hành vi đáng lên án.
Hành vi trên, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 78a Nghị định số 124/2021/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế) với mức xử phạt từ 15 - 20 triệu đồng.
Theo khoản 2, Điều 2 Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, kit test nhanh COVID-19 được xác định thuộc loại trang thiết bị chẩn đoán in vitro gồm: Thuốc thử, chất hiệu chuẩn, vật liệu kiểm soát, dụng cụ, máy, thiết bị hoặc hệ thống và các sản phẩm khác tham gia hoặc hỗ trợ quá trình thực hiện xét nghiệm được sử dụng riêng rẽ hoặc kết hợp theo chỉ định của chủ sở hữu để phục vụ cho việc kiểm tra các mẫu vật có nguồn gốc từ cơ thể con người.
Hiện, kit test nhanh COVID-19 không nằm trong danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được quy định tại Thông tư số 19/2019/TT-BYT ngày 30/8/2018. Do đó, kit test nhanh không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá theo Điều 15 - Luật Giá 2012.
Vì vậy, việc quản lý giá kit test nhanh được quản lý theo nguyên tắc: “Quản lý giá trang thiết bị y tế theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật” nhưng vẫn phải “Bảo đảm công khai, minh bạch giá trang thiết bị y tế khi lưu hành trên thị trường” và “Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, sử dụng và lợi ích của Nhà nước” (Điều 43 - Nghị định số 98/2021/NĐ-CP)
Đối với các cơ sở kinh doanh kit test nhanh COVID-19 phải “Niêm yết giá bán buôn, bán lẻ trang thiết bị y tế bằng đồng Việt Nam tại nơi giao dịch hoặc nơi bán trang thiết bị y tế của cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế; thông báo công khai trên bảng, trên giấy hoặc bằng các hình thức khác”.
Ngày 3/3, Bộ Y tế có Công điện 286 gửi đến UBND các tỉnh, thành phố về khắc phục tình trạng khan hiếm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo chất lượng sản phẩm với giá thành hợp lý. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các địa phương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn chủ động hoạt động sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế phòng, chống dịch.
“Kiểm tra và ngăn chặn các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán các trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19 bất hợp lý và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”, đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh.