Thấy gì qua việc bố trí phòng xét xử Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh và đồng phạm

Trong những ngày đầu năm 2018, hai phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh và đồng phạm đã cho thấy những nét mới trong cải cách tư pháp khi phòng xử án không có vành móng ngựa, đại diện Viện kiểm sát và luật sư bào chữa ngồi đối diện nhau.

Sáng 8/1/2018, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô tài sản" trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Phiên tòa dự kiến diễn ra trong hai tuần.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại phiên tòa. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Vụ án này có tổng số 22 bị cáo bị đưa ra xét xử, gồm 17 bị cáo bị tạm giam, 5 bị cáo tại ngoại. Trong đó, 12 bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 165, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 1999, trong đó có: Đinh La Thăng (sinh năm 1960, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN); Phùng Đình Thực (sinh năm 1954, nguyên Tổng Giám đốc PVN); Nguyễn Quốc Khánh (sinh năm 1960, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN); Nguyễn Xuân Sơn (sinh năm 1962, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN);… 8 bị cáo bị truy tố về tội "tham ô tài sản" theo quy định tại Điều 278, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 1999.

Riêng hai bị cáo Trịnh Xuân Thanh (sinh năm 1966, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị, nguyên Tổng Giám đốc PVC) và Vũ Đức Thuận (sinh năm 1971, nguyên Tổng Giám đốc PVC) bị truy tố về cả hai tội: “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “tham ô tài sản”. 

Tại phiên tòa, việc bố trí phòng xử án được thực hiện theo thông tư mới 01/2017/TT-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao. Phòng xét xử không đặt vành móng ngựa. Hội đồng xét xử ngồi trên cùng, ở vị trí cao nhất. Đại diện Viện Kiểm sát và luật sư bào chữa ngồi đối diện nhau. Khi khai báo trước Tòa, các bị cáo đứng trước bục mà không phải đứng trước vành móng ngựa. Những người tham gia tố tụng khác có thể đứng tại chỗ để khai báo…

Cũng trong sáng 8/1, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã xét xử sơ thẩm vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB – nay là CB). Phiên tòa dự kiến xét xử đến ngày 7/2.

Dẫn giải bị cáo Phạm Công Danh ra xét xử tại phiên tòa 8/1/2018. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Đây là giai đoạn hai của vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNCB, Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng cho VNCB. Ở vụ án này, Phạm Công Danh và đồng phạm bị cáo buộc làm thiệt hại cho VNCB hơn 6.100 tỷ đồng. 

Phiên tòa này cũng được bố trí phòng xử án theo Thông tư mới của Tòa án nhân dân tối cao.

 Thông tư 01/2017/TT-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao quy định về phòng xử án (ban hành ngày 28/7/2017) quy định về phòng xử án có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Theo đó, sơ đồ vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, tham dự phiên tòa, bục khai báo, hàng rào như sau:

Cụ thể các vị trí như sau:

 (1)Vị trí của Hội đồng xét xử (Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, nếu vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn) được bố trí trên bục cao nhất, phía dưới Quốc huy;

(2) Vị trí của Thư ký phiên tòa được bố trí dưới một cấp, quay lưng vào Hội đồng xét xử (Thẩm phán chủ tọa phiên tòa);

(3) (4) Vị trí của đại diện Viện kiểm sát và vị trí của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được bố trí đối diện với nhau và ở dưới vị trí của Thư ký phiên tòa;

(5) (6) (7) Vị trí bục khai báo của những người tham gia tố tụng khác, vị trí bục khai báo của bị cáo và vị trí của người phiên dịch, dịch thuật được bố trí ngang hàng và phía dưới vị trí của đại diện Viện kiểm sát và người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Người tham gia tố tụng khác cũng có thể đứng tại chỗ để khai báo theo sự điều hành của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa;

(8) Vị trí của bị cáo được bố trí phía sau bục khai báo của bị cáo;

(9) Vị trí của Cảnh sát bảo vệ phiên tòa được bố trí phía sau vị trí của bị cáo;

(10) (11) (12) Vị trí của những người tham gia tố tụng khác được bố trí phía sau vị trí của Cảnh sát bảo vệ phiên tòa;
(13) Vị trí hàng rào đặt giữa khu vực của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng với người tham dự phiên tòa;

(14) (15) Vị trí của những người tham dự phiên tòa được bố trí ngay sau hàng rào theo sự điều hành của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa;

(16) (17) Vị trí của Cảnh sát bảo vệ phiên tòa được bố trí ngay sau vị trí của người tham dự phiên tòa theo sự điều hành của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa;

(18) (19) Vị trí của phóng viên, nhà báo được bố trí phía sau cùng của phòng xử án theo sự điều hành của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa.

Hoàng Linh/Báo Tin tức
Chùm ảnh: Ngày thứ hai xét xử Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm
Chùm ảnh: Ngày thứ hai xét xử Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm

Sáng 9/1/2018, tại Hà Nội, TAND TP Hà Nội bắt đầu ngày làm việc thứ hai Phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, bị truy tố về tội "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN