Chỉ được đốt pháo không có thuốc nổ
Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo (pháo nổ, pháo hoa) của Chính phủ ban hành ngày 27/11/2020 thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý và sử dụng pháo có quy định mới cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa vào dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Tuy nhiên, không ít người dân đang lầm tưởng Nghị định 137/CP có thể đốt tất cả các loại pháo.
Quy định tại Điều 3, Khoản 1b, Nghị định 137/CP nêu rõ, loại pháo hoa mà người dân được phép sử dụng là: “Sản phẩm được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ”. Đây là loại pháo không có thuốc nổ, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người.
Nghị định 137/CP nghiêm cấm hoàn toàn việc sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ (quy định tại Khoản 1, Điều 3). Theo đó, pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng mầu sắc trong không gian; pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng mầu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ. Do vậy, người dân cần có sự phân biệt rõ giữa pháo hoa với pháo hoa nổ, tránh vi phạm pháp luật.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, Tổng cục QLTT đã ban hành văn bản số 110/TCQLTT-CNV ngày 17/1/2020 về tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ theo Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ.
Lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm bắt tình hình hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ trên địa bàn quản lý; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Biên phòng, Hải quan kiểm tra, xử lý kịp thời, triệt để các vụ việc buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo nổ, đặc biệt chú trọng các địa bàn khu vực cửa khẩu, biên giới và các tuyến đường từ khu vực cửa khẩu, biên giới vào nội địa.
Đồng thời, lực lượng QLTT cũng tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, xử lý việc kinh doanh, buôn bán pháo nổ trên môi trường mạng xã hội facebook, youtube đang có chiều hướng sôi động và phổ biến trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, Tổng cục QLTT đã phối hợp các cơ quan thông tin truyền thông tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn pháp luật; đồng thời, phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, tố giác, không bao che, tiếp tay cho các đối tượng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ.
Tăng cường xử lý từ “gốc”
Thời gian qua, lực lượng QLTT đã phát hiện xử lý nhiều vụ việc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ pháo nổ. Một số vụ việc điển hình như ngày 27/12/2020 Cục QLTT Lạng Sơn phối hợp với các cơ quan chức năng tại trạm kiểm soát liên hợp Dốc Quýt đã phát hiện và thu giữ 400 kg pháo nổ nhập lậu hay ngày 13/1 vừa qua, Cục QLTT Bắc Ninh phối hợp với Công an Tỉnh Bắc Ninh bắt giữ 200 kg pháo nổ trên Quốc lộ 1A từ Lạng Sơn vận chuyển vào nội địa tiêu thụ...
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Lê, tình hình vi phạm về pháo vẫn diễn biến khá phức tạp, các vụ việc vi phạm về pháo có chiều hướng năm sau cao hơn năm trước. Hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo trái phép chủ yếu diễn ra ở các tỉnh biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc; Bắc Trung Bộ giáp Lào và Tây Nguyên, nguồn pháo phổ biến được sản xuất tại Trung Quốc và Thái Lan. Các đối tượng qua biên giới mua và vận chuyển trái phép vào Việt Nam bằng các phương tiện giao thông đường bộ, đường biển. Thường mỗi dịp Tết Nguyên đán, các đối tượng đã có xu hướng tổ chức mua bán, vận chuyển pháo vào nội địa để cất giữ, tiêu thụ.
Theo đại diện Tổng cục QLTT, việc buôn bán, vận chuyển tàng trữ pháo vẫn xảy ra do phong tục, tập quán lâu đời của nhân dân, và quản lý còn lỏng lẻo ở một số nơi.
“Cùng với đó, tại khoản 3, khoản 4 Điều 3 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ chưa quy định rõ ràng, cụ thể, chưa tách bạch về pháo hoa gây tiếng nổ và pháo hoa không gây tiếng nổ, bởi thực chất, pháo hoa gây tiếng nổ là pháo hoa có sử dụng thuốc pháo nổ. Cùng với đó, tại khoản 41, khoản 42 Điều 1 Luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội chỉ quy định xử lý hình sự đối với các hành vi sản xuất , mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ, đối với pháo hoa và các loại pháo khác thì không bị xử lý hình sự. như vậy, các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra xử lý, đồng thời, hiệu quả răn đe, giáo dục không cao”, ông Nguyễn Đức Lê cho hay.
Theo nhận định của Tổng cục QLTT, thời gian tới, hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ pháo tiềm ẩn nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, có chiều hướng gia tăng. Lực lượng QLTT sẽ tăng cường triển khai kiểm tra, kiểm soát thực tế thị trường; đề xuất các cơ quan chức năng liên quan tham mưu trình Chính phủ xem xét, sửa đổi bổ sung văn bản pháp luật để kịp thời khắc phục khó khăn, bất cập, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về quản lý sử dụng pháo cũng như hạn chế tới mức thấp nhất việc lợi dụng kẽ hở pháp luật để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới pháo.
“Đặc biệt, Tổng cục QLTT sẽ tăng cường thực hiện các nội dung của Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ, kịp thời động viên khen thưởng các cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc, đồng thời kỷ luật, xử lý làm rõ trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân buông lỏng quản lý để xuất hiện hoặc tái diễn hoạt động buôn bán, vận chuyển tàng trữ pháo nổ xảy ra trên địa bàn mình quản lý”, ông Nguyễn Đức Lê cho hay.