Không để hình thành các băng, nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu "xã hội đen"; kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài... Đó là một trong 7 mục tiêu cụ thể được UBND thành phố Hà Nội đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2013-2015.
Tổ công tác Y8/141 (Công an Hà Nội) bắt giữ các đối tượng mang súng và ma túy đá lúc 22 giờ 30 ngày 10/11/2012, tại nút giao thông Minh Khai - Cầu Mai Động, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Cũng trong các mục tiêu nói trên, Hà Nội từng bước kiềm chế và hàng năm làm giảm các loại tội phạm nghiêm trọng, tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm do người chưa thành niên gây ra. Hàng năm giảm từ 3% đến 5% các loại tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm nghiêm trọng trong độ tuổi vị thành niên. Thành phố tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả điều tra, khám phá xử lý các vụ án, nhất là đối với các loại tội phạm nguy hiểm gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; phấn đấu hàng năm đạt tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án trên 70%, trong đó các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90%. Đồng thời, đấu tranh phòng, chống, bóc dỡ, triệt phá các loại các băng, nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, lưu manh, côn đồ, "đâm thuê, chém mướn", đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi; các đối tượng tội phạm sử dụng "vũ khí nóng", giết người, cướp tài sản.
Hà Nội cũng chủ động phòng ngừa các loại tội phạm kinh tế, tham nhũng ở các ngành, lĩnh vực trọng điểm; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ án kinh tế, không để thất thoát tài sản lớn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về môi trường. Hạn chế phát sinh đối tượng truy nã mới; hàng năm, truy bắt và vận động đầu thú trên 40-60% số đối tượng truy nã mới phát sinh, 30% số đối tượng truy nã hiện hành. Tập trung chuyển hóa địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự, phấn đấu đến năm 2015 giải quyết cơ bản các tụ điểm về tội phạm hình sự. Thành phố cũng phấn đấu hàng năm giảm từ 2-3% tỷ lệ tái phạm tội trong số phạm nhân được đặc xá, mãn hạn tù, ít nhất 80% số đối tượng vi phạm pháp luật hình sự, người được đặc xá tha tù, được các tổ chức, đoàn thể, xã hội bảo lãnh, giúp đỡ, cảm hóa, giáo dục tiến bộ tại cộng đồng dân cư...
Theo UBND TP Hà Nội, để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu này, thành phố sẽ triển khai 5 dự án, gồm: Đầu tư trang thiết bị phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị nghiệp vụ phục vụ công tác, chiến đấu của cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp; tăng cường năng lực phòng, chống tội phạm về môi trường; phòng, chống các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao; tăng cường năng lực, dạy nghề cho phạm nhân trong trại tạm giam; tăng cường công tác giáo dục, truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.
Trong các dự án đó, đáng chú ý là Dự án Đầu tư trang thiết bị phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị nghiệp vụ phục vụ công tác, chiến đấu của cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp. Khi dự án được triển khai thành công, lực lượng Cảnh sát điều tra Công an các cấp, nhất là lực lượng Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện, sẽ được trang bị phương tiện thiết bị nghiệp vụ chuyên dùng thực sự cấp thiết phục vụ công tác nghiệp vụ, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ phát hiện, điều tra, khám phá các vụ án hình sự, kinh tế, trật tự xã hội. Đặc biệt, đáp ứng yêu cầu hội nhập về công tác điều tra với các nước khối ASEAN.
Cũng theo UBND TP Hà Nội, tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2013-2015 là 38,2 tỷ đồng. Trong đó, có 21 tỷ đồng là nguồn vốn từ Trung ương, còn lại là vốn sự nghiệp ngân sách địa phương.
Hạnh Quỳnh