Phú Yên chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản

Mặc dù tỉnh đã ban hành định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, nhưng tình trạng quản lý, khai thác khoáng sản ở Phú Yên vẫn còn nhiều bất cập.


Trong 5 năm gần đây, tỉnh Phú Yên đã cấp giấy phép cho 78 tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, mặc dù thiếu thủ tục cần thiết theo quy định nhưng các tổ chức, cá nhân vẫn được cấp phép khai thác và sau đó không hoàn chỉnh thủ tục. Cụ thể, trong số 78 mỏ, có 8 mỏ không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, 22 mỏ chưa ký quỹ phục hồi môi trường, 8 mỏ chưa có hợp đồng thuê đất. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã hết phép khai thác nhưng không lập đề án đóng cửa mỏ hoặc khai thác ngoài diện tích được cấp phép.


Năm 2009, UBND tỉnh Phú Yên thông báo cho phép Công ty cổ phần Khai thác và Chế biến khoáng sản Hùng Dũng được khai thác thử nghiệm 100 m3 đá ốp lát tại Buôn Chung, xã Ea-Bar (huyện Sông Hinh) trên diện tích gần 3 ha với thời gian khai thác 6 tháng. Lợi dụng thông báo trên, công ty đã khai thác, chế biến đá ốp lát từ năm 2009 đến năm 2012. Tương tự, tháng 4/2010, UBND tỉnh Phú Yên cấp phép cho công ty cổ phần 504 nhận chuyển nhượng quyền khai thác mỏ đá vật liệu xây dựng thông thường Cầu Sắt từ Xí nghiệp Vật liệu xây dựng 719 trong thời hạn 5 năm, trong khi đó thời hạn được phép khai thác của mỏ vật liệu này chỉ còn 1 tháng. Nghiêm trọng hơn là việc quản lý, khai thác mỏ sắt Phong Hanh (huyện Tuy An) của Công ty TNHH Luyện kim Sơn Giang (100% vốn Trung Quốc). Theo đó, ngày 2/4/2007, Công ty TNHH Luyện kim Sơn Giang được UBND tỉnh Phú Yên cấp phép khai thác mỏ sắt Phong Hanh để phục vụ cho nhà máy luyện thép tại huyện Tuy An. Tuy nhiên, công ty này không xây dựng nhà máy như dự án, mà đã khai thác để xuất bán quặng trong và ngoài nước với số lượng 157.527 tấn quặng tinh tuyển, tương đương 393.000 tấn quặng nguyên khai. UBND tỉnh Phú Yên quyết định đóng cửa mỏ Phong Hanh và buộc doanh nghiệp trên đến tháng 6/2013 phải hoàn thành phục hồi môi trường hơn 18 ha. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang có biểu hiện trốn tránh trách nhiệm khi đến đầu tháng 1/2013 mới chỉ thực hiện 11% khối lượng cần san lấp với 41.000 m3. Ngoài ra, đến tháng 11/2012, Công ty Sơn Giang cũng chỉ ký quỹ phục hồi môi trường 2,2 tỉ đồng, trong khi thực tế giá trị khối lượng hoàn thổ lên đến 18 tỉ đồng; đó là chưa kể doanh nghiệp này còn nợ thuế, phí môi trường và tiền phạt do vi phạm môi trường.


Nguyên nhân của những bất cập trong quản lý, khai thác khoáng sản là do công tác điều tra cơ bản khoáng sản trên địa bàn tỉnh chưa đầy đủ nên số liệu đánh giá chưa đủ độ tin cậy. Các cơ quan chức năng không làm tròn chức trách hoặc cố ý trong việc lập thủ tục, thẩm định để tham mưu UBND tỉnh ra quyết định cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản không đúng thẩm quyền, trái quy định của pháp luật. Các huyện thiếu cán bộ chuyên môn về khoáng sản nên công tác quản lý còn bất cập. Luật Khoáng sản đã có hiệu lực nhưng đến nay việc tuyên truyền, phổ biến còn hạn chế.


Mới đây, Tỉnh ủy Phú Yên đã chỉ đạo UBND tỉnh và các ngành chức năng, các địa phương liên quan kiểm tra, thực hiện giải pháp xử lý và dừng một số dự án đang khai thác nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn nhưng vẫn tiếp tục khai thác và không được gia hạn; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bản đồ khoanh vùng cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản; chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm tham mưu của các cơ quan chức năng để xảy ra những sai phạm.


Từ nay đến ngày 31/1, các ngành chức năng, các địa phương liên quan xử lý dứt điểm những thiếu sót, sai phạm; trước mắt xử lý những doanh nghiệp vi phạm các quy định pháp luật về thăm dò, khai thác khoáng sản.


Thế Lập

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN