Ngày 23/12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 5 bị cáo đường dây làm giả chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học gồm: Trịnh Minh Hoàng (sinh năm 1973, trú tại phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội) 4 năm tù, Đỗ Thị Mận (sinh năm 1981, trú tại phường Khương Thượng, quận Đống Đa) 3 năm tù; ba bị cáo: Ngô Thị Hồng Nhung (sinh năm 1990, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội), Nguyễn Thùy Ninh (sinh năm 1991, trú tại phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Nguyễn Thị Huyền (sinh năm 1992, trú tại xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, Hà Nội) bị phạt từ 20 tháng – 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về cùng tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” theo quy định tại Điều 341, khoản 3 – Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, khoảng cuối năm 2017, Hoàng thấy nhiều người có nhu cầu mua chứng chỉ Ngoại ngữ tiếng Anh, Tin học để bổ sung hồ sơ nên nảy sinh ý định làm giả các loại chứng chỉ này. Bị cáo copy mẫu chứng chỉ, dấu tròn của Trung tâm Đào tạo tiếng Anh khoa học Jupiter rồi thuê phòng trọ, đăng quảng cáo bán các loại chứng chỉ trên.
Khi khách hàng đặt mua, Hoàng yêu cầu họ gửi ảnh chân dung, photo Chứng minh nhân dân và báo giá bán từ 70.000 đồng – 200.000 đồng/chứng chỉ Ngoại ngữ giả và 50.000 đồng/chứng chỉ Tin học giả. Sau đó, Hoàng tự điền thông tin, giả mạo chữ ký Giám đốc Trung tâm. Hoàng đáp ứng yêu cầu của các khách hàng có nhu cầu mua giấy chứng chỉ tiếng Anh, Tin học do các trường đại học cấp và giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh B1. Các chứng chỉ này bị cáo mua lại của một đối tượng tên Thắng (không rõ nhân thân) rồi bán lại để hưởng lợi.
Ngoài ra, Hoàng còn liên hệ với Mận (giáo viên dạy Tin học) để tìm khách hàng. Từ năm 2017 đến năm 2018, Hoàng đã bán cho Mận 23 giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh B1 giả, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ và 2 chứng chỉ tiếng Anh, Tin học trình độ C.
Trong vụ án này, Ninh, Nhung, Huyền được xác định có vai trò môi giới, trung gian. Bản thân Huyền trực tiếp đặt mua của Ninh giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh B1 để được xét điều kiện bảo vệ luận văn tốt nghiệp hệ cao học. Ngoài ra, Huyền còn mua hộ cho các bạn học và hưởng phần chênh lệch.
Cơ quan điều tra xác định Hoàng và Mận đã làm giả 27 loại giấy tờ giả, hưởng lợi bất chính tổng cộng 77 triệu đồng. Bị cáo Nhung làm giả 23 chứng chỉ giả, thu lợi 18,6 triệu đồng; Ninh làm giả 22 chứng chỉ, thu lợi 29,3 triệu đồng và Huyền làm giả 17 chứng chỉ, thu lợi 5,7 triệu đồng.
Quá trình điều tra, cơ quan Công an đã phát hiện có 22 học viên mua giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh và chứng chỉ năng lực ngoại ngữ giả, sau đó nộp cho Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội. Một học viên đã bỏ học và không đến làm việc với nhà trường. 16 học viên đã bảo vệ tốt nghiệp và được cấp bằng Thạc sỹ. Ngày 11/9/2019, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã xóa tên các học viên trên khỏi danh sách tốt nghiệp và thu hồi bằng Thạc sỹ. 5 học viên còn lại chưa bảo vệ tốt nghiệp, nhà trường đã có quyết định kỷ luật bằng hình thức đình chỉ học tập 1 năm và thông báo toàn trường.