Cùng ra trước vành móng ngựa với bị cáo Nguyễn Thiên Bắc còn có các bị cáo: Lưu Chung Tuyến (sinh năm 1989, trợ lý của Nguyễn Thiên Bắc), Trần Hoài Sơn (sinh năm 1984, kỹ sư Công ty TĐG), Trần Mạnh Hà (sinh năm 1983, ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) đều bị truy tố về tội “hủy hoại tài sản”.
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Tài Tùng (ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) và ông Lê Tiến Ngọ (ở Hà Nội) làm hợp đồng chuyển nhượng 9.360m2 đất tại khu đồng Hoa Cả, xã Thanh Liệt cho vợ chồng bà Phạm Thị Hảo (ở xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, Hà Nội - nay là phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm). Sau khi mua diện tích đất trên, bà Hảo đã đổ đất, san lấp, cải tạo khu đất và thuê người trồng, chăm sóc 4.800 cây cảnh trên diện tích đất trên, trong đó có 4.300 cây Xanh và 500 cây Lộc Vừng, trị giá gần 2,3 tỷ đồng. Khi vợ chồng bà Hảo mua và sử dụng mảnh đất trên, chính quyền địa phương và người dân khu vực đều biết rõ, cũng không xảy ra tranh chấp hay khiếu kiện gì.
Ba năm sau khi bà Phạm Thị Hảo sở hữu hợp pháp mảnh đất này, Nguyễn Thiên Bắc đã ký hợp đồng liên doanh, liên kết với ông Nguyễn Tài Tùng, trong đó có nội dung: “Công ty TĐG sẽ làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở lâu dài cho mảnh đất trên. Sau khi hoàn thành, ông Tùng có nghĩa vụ chuyển cho Công ty TĐG 50% diện tích đất, tương đương 4.680m2”.
Sau đó, Nguyễn Thiên Bắc và ông Nguyễn Tài Tùng tiếp tục ký một phụ lục hợp đồng có nội dung: “Công ty TĐG được toàn quyền chia lô, thửa, tiến hành xây dựng các công trình nhà ở, huy động vốn đối với nhà đầu tư thứ cấp trên phần diện tích mà Công ty TĐG được quyền quản lý”. Ngay sau khi ký phụ lục hợp đồng, Nguyễn Thiên Bắc đã triển khai dự án xây dựng khu biệt thự nhà vườn trên diện tích đất trên.
Khi tiến hành xây dựng, do khu đất trên có rất nhiều cây cảnh có giá trị do chủ sở hữu hợp pháp là bà Phạm Thị Hảo quản lý và sử dụng, Nguyễn Thiên Bắc đã chỉ đạo trợ lý của mình là Lưu Chung Tuyến chặt phá vườn cây. Tuyến liên hệ với Trần Mạnh Hà nhờ thuê người chặt cây và dọn sạch khu vườn của bà Phạm Thị Hảo. Nguyễn Thiên Bắc giao cho Trần Hoài Sơn trực tiếp chỉ đạo, giám sát việc chặt cây. Bản thân Nguyễn Thiên Bắc thuê máy xúc về san lấp mặt bằng.
Trong quá trình ông Nguyễn Tài Tùng và các đối tượng chặt phá vườn cây, gia đình bị hại và người dân khu vực đã liên tục can ngăn và nói rõ cho các đối tượng biết, đây là vườn cây do gia đình bà Phạm Thị Hảo trồng.Tuy nhiên, ông Tùng đã chửi những người ngăn cản đồng thời yêu cầu số công nhân được thuê tiếp tục chặt phá vườn cây.
Sau khi được nhân viên thông báo lại việc này, Nguyễn Thiên Bắc và ông Nguyễn Tài Tùng vẫn chỉ đạo nhiều người phá hủy trái pháp luật 1.232 gốc cây cảnh, trị giá gần 1,4 tỷ đồng của bà Hảo.
Trước khi diễn ra phiên tòa, ông Nguyễn Tài Tùng có giấy xác chứng nhận của bệnh viện đang điều trị bệnh tâm thần nên các cơ quan tiến hành tố tụng đã họp và thống nhất tách rút phần tài liệu liên quan đến ông Tùng để xử lý sau.
Tại phiên xử, người bị hại là bà Phạm Thị Hảo đã đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo vì phạm tội lần đầu. Quá trình điều tra, bị cáo Nguyễn Thiên Bắc đã có ý thức khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được pháp luật bảo vệ.
Mặc dù bị hại đã đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo nhưng Hội đồng xét xử nhận thấy, hành vi phạm tội của các bị cáo là nghiêm trọng nên cần phải có hình phạt nghiêm khắc để giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung.
Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thiên Bắc 4 năm tù; bị cáo Lưu Chung Tuyến 2 năm 6 tháng tù; các bị cáo Trần Hoài Sơn và Trần Mạnh Hà mức án 2 năm tù, cùng tội “hủy hoại tài sản”.