Phá rừng để nuôi tôm ở Hà Tĩnh: Dân biết thì chuyện đã rồi

Mặc dù chưa được sự đồng ý của UBND huyện nhưng chính quyền xã Xuân Đan, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh vẫn tự ý làm hợp đồng cho anh Nguyễn Viết Khánh (chủ đầu tư) triệt hạ rừng phi lao khu vực phía trong đê biển là rừng sản xuất để làm hồ nuôi tôm. Người dân địa phương bất bình vì khi biết chuyện thì mọi sự đã rồi.

Nhiều sai phạm trong việc phá rừng làm hồ nuôi tôm

Ông Lê Duy Việt, Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân khẳng định: Chính quyền xã Xuân Đan có nhiều sai sót trong việc cho anh Nguyết Viết Khánh thuê đất. Diện tích đất rừng xã Xuân Đan cho thuê là đất rừng sản xuất nên không được nuôi trồng thủy sản khi chưa chuyển đổi. Khi chưa có quy hoạch chi tiết về việc thực hiện quy hoạch nuôi tôm trên cát của huyện Nghi Xuân là 161 ha cho ba xã Xuân Trường, Xuân Đan, Xuân Phổ, thì xã Xuân Đan đã vội cho thuê đất; tiếp đến xã Xuân Đan chưa có đơn xin chuyển đổi đất rừng sang nuôi trồng thủy sản và "qua mặt" huyện để cho thuê đất sai với quy định của pháp luật. Ngoài ra, chủ đầu tư chưa có cam kết bảo vệ môi trường và các hồ sơ liên quan khác khi triển khai làm dự án.


Rừng phi lao bị phá để nuôi tôm. Ảnh: laodong.com.vn


Nhằm đón đầu trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với mô hình nuôi tôm trên cát, chính quyền xã Xuân Đan chỉ làm một hợp đồng cho anh Nguyễn Viết Khánh có địa chỉ số 47 đường Mai Hắc Đế thành phố Vinh (Nghệ An) thuê 4,8 ha để nuôi tôm mà chưa làm bất cứ thủ tục gì trước khi cho thuê, kể cả khi chưa có ý kiến của huyện Nghi Xuân. Hợp đồng cho thuê thực hiện dự án trong vòng 5 năm, mỗi năm phải trả cho chính quyền xã hơn 26 triệu đồng. Sau khi có hợp đồng thuê đất trong tay, ngày 16/2, anh Nguyễn Viết Khánh thuê nhân công đếm cây, đồng thời tiến hành chặt hạ rừng phi lau và san lấp mặt bằng để làm hồ nuôi tôm cho kịp thời vụ nuôi tôm sắp tới.

Chủ đầu tư đã chặt hạ 600 cây trong đó có 286 cây do xã Xuân Đan quản lý, 314 cây do 4 hộ dân xóm Bình Phúc trồng và cam kết hỗ trợ mỗi cây bị đốn hạ/15.000 đồng.

Sự việc trên diễn ra làm dư luận nhân dân không đồng tình, UBND huyện Nghi Xuân nhận được thông tin và yêu cầu xã Xuân Đan phải tạm đình chỉ không cho chủ đầu tư tiếp tục thi công, đồng thời thành lập các đoàn đến kiểm tra tình hình để có phương án giải quyết.

UBND huyện Nghi Xuân đã cử đoàn kiểm tra gồm: Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Hạt kiểm lâm đến xã Xuân Đan kiểm tra tình hình. Đoàn kiểm tra đã xác định khu vực chủ đầu tư đang thi công thuộc lô 1+2, khoảnh 2 tiểu khu 86C là đất rừng sản xuất (Bản đồ quy hoạch rừng của UBND huyện Nghi Xuân).

Chính quyền chưa quyết liệt thực thi nhiệm vụ

Sau hơn một tuần UBND xã Xuân Đan thực hiện sự chỉ đạo của huyện Nghi Xuân ra quyết định yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công hồ nuôi tôm ở thôn Bình Phúc, nhưng tại hiện trường, hai chiếc máy ủi, một máy xúc và rất nhiều công nhân vẫn làm việc coi như không có gì.

Ông Trần Bình Định, Chủ tịch UBND xã Xuân Đan phân bua: Chúng tôi đã quá nóng vội trong việc thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới nên đã xảy ra sai sót. Thực ra chúng tôi mong muốn thu hút các nhà đầu tư về địa phương xây dựng phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhân dân địa phương. Một bộ phận nhân dân chưa đồng tình bởi chúng tôi chủ quan không công khai, lấy ý kiến và tạo sự đồng thuận lòng dân trước khi cho thuê đất. Trách nhiệm này thuộc về chúng tôi, bản thân tôi và các đồng chí liên quan đã kiểm điểm trước đảng bộ xã về những sai sót trên và đã báo cáo toàn bộ sự việc lên huyện, chờ huyện có hướng dẫn giải quyết.

Huyện Nghi Xuân đã kiểm tra và khẳng định UBND xã Xuân Đan cho anh Nguyễn Viết Khánh thuê đất triển khai làm mặt bằng để thực hiện dự án nuôi tôm trên cát là hoàn toàn sai quy định theo khoản 3 điều 37 Luật đất đai năm 2003. Trước mắt, UBND xã Xuân Đan đã tạm đình chỉ việc thi công xây dựng công trình nuôi tôm trên cát do anh Nguyễn Viết Khánh làm chủ đầu tư, đồng thời làm những bước tiếp theo đảm bảo đúng quy trình.

Vùng đất với cây phi lau xanh tốt giờ đây đã được đào lên tạo thành từng ô vuông ngăn nắp, với hai căn nhà được xây mới cho công nhân ở. Gặp chủ đầu tư tại công trình, khi hỏi tại sao xã đã đình chỉ thi công công trình mà thấy máy móc, công nhân vẫn làm việc, anh Khánh trả lời: Tôi bỏ tiền thuê máy móc, công nhân mỗi ngày mất hàng chục triệu đồng, không làm thì phá sản, nếu các cơ quan chức năng đình chỉ thì tôi thôi luôn và đưa máy móc về chứ tạm đình chỉ thì vẫn phải làm.

Hiện tại, chủ đầu tư cùng chính quyền xã Xuân Đan đang làm các thủ tục như: làm đơn xin chuyển đổi đất rừng thành đất nuôi trồng thủy sản, đề án bảo vệ môi trường và các thủ tục liên quan để các cơ quan chức năng xem xét có phê duyệt hay không. Lúc này dù đã tạm đình chỉ thi công công trình nhưng chủ đầu tư vẫn cứ làm để “vừa chạy vừa xếp hàng” cho kịp thời vụ nuôi tôm sắp tới.

Thiết nghĩ, huyện Nghi Xuân, xã Xuân Đan chưa thật mạnh tay trong việc xử lý vụ việc, khi việc cho thuê đất chưa đúng thì phải có biện pháp mạnh để ngăn chặn, như vậy mới đảm bảo công bằng và đảm bảo đúng luật, thuận lợi trong việc thực hiện quy hoạch triển khai nuôi 161 ha tôm trên địa bàn huyện.

Công Tường

Miền Trung và Tây Nguyên: Phá rừng làm rẫy
Miền Trung và Tây Nguyên: Phá rừng làm rẫy

Tình trạng phá rừng trái pháp luật tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong năm 2011 có xu hướng tăng so với năm trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN