Ngày 16/4, Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ xét xử phúc thẩm vụ Phạm Lê Hoàng Uyển (42 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh, từng công tác tại báo Hòa nhập và Phát triển, Văn phòng đại diện phía Nam) và Võ Hoàng Hà (40 tuổi, ngụ thành phố Cần Thơ, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khử trùng châu Á).
Trước đó, phiên sơ thẩm tại Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều, Hội đồng xét xử đã chuyển tội danh của hai bị cáo Uyển và Hà từ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sang “Môi giới hối lộ”. Tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Uyển 4 năm tù, Hà 2 năm tù cùng về tội “Môi giới hối lộ”. Đồng thời, tòa sơ thẩm cũng kiến nghị cơ quan điều tra xem xét dấu hiệu tội đưa hối lộ đối với ông Long. Sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ có quyết định kháng nghị bản án nói trên của Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều.
Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ đề nghị Tòa án nhân dân thành phố xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng 2 bị cáo Phạm Lê Hoàng Uyển và Võ Hoàng Hà phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; tịch thu sung công quỹ Nhà nước số tiền 280 triệu đồng của ông Võ Thanh Long, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Cao Thắng và Công ty cổ phần Quốc tế Ước mơ Việt đưa cho Uyển; không kiến nghị xử lý ông Long tội “Đưa hối lộ”.
Hội đồng xét xử nhận định, ông Long do sợ các bài báo đăng trên báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh có nội dung phản ánh gây bất lợi cho công ty của mình nên liên hệ với Uyển để tìm cách gỡ các bài báo này. Mặc dù không có khả năng thực hiện được việc này nhưng Uyển vẫn yêu cầu ông Long đưa 700 triệu đồng để gỡ các bài viết nói trên.
Ông Long thỏa thuận đưa trước cho Uyển 280 triệu đồng, trong đó 30 triệu đồng là chi phí đi lại để thực hiện việc gỡ các bài báo. Số tiền còn lại sau khi Uyển thực hiện xong thì ông Long sẽ thanh toán. Do nghi ngờ việc các báo viết bài gây bất lợi để ép doanh nghiệp chi tiền ký hợp đồng truyền thông mới gỡ bài như từng bị trước đó nên ông Long đã trình báo công an việc Uyển ra giá gỡ bài.
Ngày 6/8/2017, Uyển và Hà xuống Cần Thơ nhận tiền theo lời hẹn với ông Long thì bị Công an bắt quả tang. Uyển thừa nhận sự việc nhưng cho rằng đây là do ông Long nhờ. Và bị cáo đã thông qua Nguyễn Lê Yến Thy (Trưởng Ban Kinh tế, Cơ quan đại diện phía Nam, báo Người tiêu dùng) là người đã nhận giúp đỡ cho Long. Thy ra giá 600 triệu đồng để gỡ 3 bài trên báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh và Uyển đã kê lên thành 700 triệu đồng để hưởng lợi.
Tuy nhiên, quá trình điều tra ban đầu thì Yến Thy chỉ nghe Uyển tường trình lại sự việc và nhờ giúp. Yến Thy không có khả năng và cũng như chẳng hứa hẹn gì về việc gỡ bài. Sau đó, Thy xuất cảnh sang Mỹ nên cơ quan Cảnh sát điều tra không làm việc được.
Hội đồng xét xử nhận định, trong phạm vi chứng cứ vụ án chưa có cơ sở chứng minh, xác định được vai trò, hành vi của Yến Thy; đồng thời cho rằng, qua xem xét lời khai của Uyển, Hà, Long và các tin nhắn trao đổi cho thấy 2 bị cáo trong vụ án này đều ý thức được việc công ty của ông Long gặp bất lợi do bị báo phản ánh, cũng như lúng túng trong việc tìm cách xử lý. Uyển có liên hệ nhờ người xử lý giúp Long nhưng không nói rõ danh tính về người này. Ngoài ra, trong các tin nhắn trao đổi giữa Uyển và Thy đều không đề cập đến số tiền mà Long sẽ chi trả.
Do vậy, không đủ căn cứ để cho rằng Yến Thy là người giúp gỡ bài như Uyển đã hứa với Long. Tòa cho rằng, hành vi của các bị cáo bị quy kết về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân quận Ninh Kiều là có cơ sở. Do không chứng minh được vai trò của Yến Thy trong vụ án và các chứng cứ khác nên tòa sơ thẩm tuyên các bị cáo tội “Môi giới hối lộ đã tuyên” là chưa chính xác.
Chính vì vậy, kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ đề nghị xét xử phúc thẩm theo hướng thay đổi tội danh đối với 2 bị cáo tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có cơ sở chấp nhận. Về nội dung kháng nghị tịch thu sung công quỹ Nhà nước số tiền 280 triệu đồng Long đưa cho Uyển, tòa phúc thẩm không chấp nhận.
Hội đồng xét xử cho rằng, tin báo tố giác của ông Long thể hiện hành vi sử dụng báo chí để ký hợp đồng quảng cáo. Từ quá trình xử lý tin báo tố giác này đã phát hiện, bắt quả tang hành vi của bị cáo Uyển và Hà. Theo Chủ tọa phiên tòa, do ông Long bị ép buộc nên đã thực hiện nghĩa vụ tố cáo với cơ quan Cảnh sát điều tra, chứ không phải qua quá trình điều tra mới phát hiện được Long đưa tiền cho các bị cáo nên không có cơ sở tịch thu số tiền này, vì vậy Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát.
Đối với các lý do kháng cáo của bị cáo Uyển nêu, tòa phúc thẩm cho rằng không phải là tình tiết mới so với giai đoạn xét xử sơ thẩm. Cụ thể, bản án sơ thẩm các bị cáo đã được Hội đồng xét xử tuyên tội “Môi giới hối lộ” với khung hình phạt nhẹ hơn mức truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân quận Ninh Kiều và đã vận dụng tình tiết giảm nhẹ có lợi cho bị cáo nên mức phạt đã tuyên đối hai bị cáo là phù hợp.
Hội đồng xét xử tuyên không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Uyển, chấp nhận một phần kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ, sửa một phần bản án sơ thẩm, quyết định tuyên phạt bị cáo Uyển 4 năm tù, Hà 2 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.