Nhưng cũng theo bản án, thì cả bốn người này không bỏ túi, tham nhũng lấy một đồng xu. Hay nói nôm na là tham nhũng không đồng. Hơn thế, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra cũng chẳng có thiệt hại gì cho ai. Bốn bị cáo lại tự nguyện nộp 650 triệu đồng khắc phục hậu quả mà cơ quan tư pháp bảo họ đã gây thiệt hại cho người dân. Nhưng người dân “bị hại” thì lại bảo “Không gây thiệt hại cho gia đình chúng tôi”. Thế là Tòa phải tuyên trả lại 650 triệu đồng cho “bốn tên tội phạm”.
Thực hư vụ việc
Tài liệu từ bản Kết luận điều tra của Cơ quan Công an, từ bản Cáo trạng của VKSND, và từ Bản án của TAND thị xã Quế Võ đã thể hiện: Khoảng cuối năm 2014, UBND xã Đức Long, huyện Quế Võ đã triệu tập các trưởng thôn, bí thư chi bộ các thôn lên xã, họp Hội nghị triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn. Trong cuộc họp, xã nêu ra nội dung về nguồn kinh phí làm đương giao thông nông thôn trong xã được Nhà nước hỗ trợ 70%, giao cho địa phương tìm nguồn vốn đối ứng là 30%. Bí thư Chi bộ thôn Vệ Xá Lê Văn Thụy đã tổ chức họp chi bộ để triển khai kế hoạch. Cuộc họp có Trưởng thôn Lê Văn Nhường tham gia. Do việc làm đường giao thông nông thôn là mong muốn của nhân dân, phù hợp với chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước, nên nội dung này được nhất trí cao. Chi bộ thôn Vệ Xá thống nhất giao cho cấp ủy, Ban quản lý thôn lên phương án cụ thể về việc tìm nguồn vốn đối ứng, sau đó báo cáo lại trước Chi bộ và Hội nghị xã viên.
Sau một thời gian thực hiện chủ trương trên, ông Lê Văn Nhường, trưởng thôn đã báo cáo phương án tìm nguồn vốn đối ứng cụ thể với Chi bộ là: Thanh lý các diện tích ao, thùng, gồ đất xen kẹt trước đây đã giao thầu, nay hết hạn, rồi giao thầu tiếp. Chi bộ thống nhất tổ chức họp bàn việc đưa ra giao thầu diện tích đất cho các hộ có nhu cầu. Chi bộ giao cho trưởng thôn triển khai Hội nghị xã viên họp bàn thống nhất cách thức tổ chức tìm nguồn vốn đối ứng cụ thể. Trưởng thôn Lê Văn Nhường tổ chức Hội nghị xã viên, bàn nội dung tìm nguồn vốn đối ứng để làm đường. Hội nghị xã viên thấy: Thôn Vệ Xá, xã Đức Long là vùng thuần nông, dân nghèo của huyện Quế Võ. Thôn có hơn trăm khẩu xã viên trong tuổi lao động làm nông nghiệp, còn lại là người già và trẻ em, không thể, không có khả năng huy động tiền tỉ từ sự đóng góp của bà con xã viên để làm vốn đối ứng 30%. Nguồn vốn chỉ còn là đất ao, thùng, gồ đất xen kẹt mà thôn đang có trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất. Do vậy, Hội nghị xã viên đã thống nhất: những hợp đồng giao thầu đất trước đó đã hết hạn, thì thanh lý và giao lâu dài cho các hộ có nhu cầu mới đủ tiền vốn đối ứng để công trình.
Hội nghị xã viên đã thống nhất bầu ra Ban thanh lý, gồm lãnh đạo thôn: Lê Văn Nhường, Nguyễn Văn Cử - Phó Chủ nhiệm, Lê Văn Phong - Kế toán, Nguyễn Thị Ngọc Oanh - Thủ quỹ và một số người lớn tuổi có uy tín đại diện các xóm trong thôn. Ban thanh lý tiến hành đo đạc, thống kê các diện tích ao thùng, bàn giá cả giao thầu cho phù hợp, rồi thông qua họp chi bộ, họp nhân dân, thống nhất triển khai thực hiện. Có bốn hộ dân nhận thầu 4 mảnh, với tổng diện tích là 1002m2. Bốn hộ đã nộp vào số tiền là 602.176.000 đồng. Số tiền này, ông Lê Văn Nhường - trưởng thôn, đã nộp vào tài khoản của xã tại kho bạc Nhà nước. Xã đã sử dụng số tiền này làm vốn đối ứng khi làm đường thôn, số còn dư vẫn nằm trong tài khoản của xã tại Kho bạc.
Làm đường thành công, việc xây nhà Văn hóa thôn theo thiết chế Nông thôn mới, theo chương trình chung của Đảng và Nhà nước được các cấp tại địa phương đôn đốc ráo riết, nhân dân thôi thúc. Bí thư chi bộ, cùng các đảng viên trong chi bộ, trưởng thôn tổ chức họp chi ủy, chi bộ, họp dân bàn chuyện tìm vốn đối ứng. Các cuộc họp đã thống nhất giao 5 lô đất ao, thùng xen kẹt cho 5 hộ dân có diện tích là 2.941,1m2. Năm hộ tình nguyện nhận đất đã nộp cho thôn 571. 830.000 đồng. Số tiền này, thôn đã nộp vào tài khoản của xã tại kho bạc Nhà nước. Khi xây dựng nhà văn hóa thôn, xã Đức Long đã dùng khoản tiền này chi vào mục vốn đối ứng 30%. Số tiền dư vẫn nằm trong tài khoản của xã quản lý.
Bốn cán bộ thôn Vệ Xá cùng một số đảng viên, 9 thành viên trong Ban thanh lý có nhiều người cao tuổi đầy uy tín trong dân được bầu ra (gồm các ông, bà: Nguyễn Hữu Chính, Hoàng Văn Giới, Nguyễn Minh Kế, Lê Xuân Mậu, Hoàng Công Chuẩn, Lê Văn Nhường, Nguyễn Văn Cử, Lê Văn Phong, Nguyễn Thị Oanh) cùng xã viên, nhân dân không hề sử dụng một đồng nào từ khoản tiền giao thầu đất, kể cả chi phí uống nước khi hội họp. Đến nay, tiền đóng góp của thôn Vệ Xá để góp vốn đối ứng làm đường, xây nhà văn hóa thôn trong Chương trình Nông thôn mới còn dư, vẫn nẳm trong tài khoản của xã tại kho bạc Nhà nước, hoàn toàn thuộc sự quản lý của UBND xã Đức Long, huyện Quế Võ.
Vì dân, hay vụ lợi…?
Chúng tôi phi xe về tận nơi xảy ra vụ việc – thôn Vệ Xá, xã Đức Long, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh để xem rõ ngọn ngành, thực hư. Cán bộ huyện ở đây cho biết: xã Đức Long, trong đó có thôn Vệ Xá ,đã từng là xã đặc biệt khó khăn, có tỉ lệ hộ nghèo cao của huyện Quế Võ. Khi thực hiện xây dựng nông thôn mới 2010 – 2020 (được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết Định 800/QĐ-TTG, ngày 04/6/2010), nhân dân địa phương đã dồn lực, dồn tâm, nô nức thi đua thực hiện 19 tiêu chí, trong đó việc làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa thôn là hai tiêu chí quan trọng để đạt chuẩn “Nông thôn mới”. Đây là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trong chiến lược phát triển kinh tế, nông nghiệp – nông thôn, nhằm đáp ứng nhu cầu tất yếu của nhân dân.
Câu chuyện về “Bản án kỳ lạ tham nhũng không đồng” vẫn đang “hot” trong thôn, trong xã và trong huyện. Bà con nông dân ở đây kể: Thời đó, vì là dân nghèo thuần nông, nên xã viên Vệ Xá không có tiền tỉ để để đóng góp vốn đối ứng 30% làm đường, làm nhà văn hóa. Bốn cán bộ bị đi tù ấy, và nhiều cán bộ khác nữa đã tích cực đứng ra cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng các công trình phúc lợi, con đường mới về thôn, nhà văn hóa thôn, chỉnh trang đình, chùa, đời sống văn hóa nông thôn theo chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Các tiêu chí về thiết chế nông thôn mới đạt chuẩn, đã nâng tầm đời sống của nhân dân ở đây ngày càng văn minh, hạnh phúc, hơn xưa rất nhiều. Cuối năm 2019, toàn huyện Quế Võ đã được Thủ tướng chính phủ công nhận đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới. Ngày nay, “Quế Võ đang chuyển mình đi lên”. Đảng bộ, chính quyền nhân dân trong huyện đã kế thừa, phát huy thành tựu của của các thế hệ đi trước… tiếp tục thực hiện chương trình nông thôn mới giai đoạn tiếp theo.
Như vậy, có thể khẳng định là 4 cán bộ bị Bản án kỳ lạ trên kết tội đã thực hiện theo sự lãnh đạo chung, vì mục đích chung, vì nhân dân, chứ không phải vụ lợi chỉ vì một nhóm người thôn Vệ Xá, hay vì tư lợi nâng cao quyền lực cá nhân. Việc làm của 4 cán bộ này đâu phải của cá nhân họ, mà là của toàn đảng, toàn dân thôn Vệ Xá và của cả xã Đức Long nữa. TAND Thị xã Quế Võ nhận định Chủ tịch xã, Thủ quỹ xã Đức Long quản lý tiền, chi tiền do cán bộ thôn Vệ Xá nộp lên, mà không biết việc làm của thôn Vệ Xá để quy kết trách nhiệm đơn phương cho cán bộ thôn Vệ xá là thiếu khách quan. Điều không ngờ nữa là: Ngày 22/4/2023, cơ quan pháp luật của thị xã Quế Võ lại có lệnh bắt giam những cán bộ thôn đã làm việc hết vì mục tiêu phát triển chung của toàn đảng, toàn dân, được nhân dân tôn trọng và quý mến.
Người dân thôn Vệ Xá đã trao cho chúng tôi lá đơn kiến nghị với 272 chữ ký của người dân trong thôn, đứng lên bảo vệ các “cán bộ thôn tham nhũng”.
Từ góc độ pháp luật
Trước hết, cần xem xét các dấu hiệu cấu thành tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ” được quy định tại Điều 356, Bộ luật Hình sự mà TAND Thị xã Quế Võ đã áp dụng với các bị cáo. Nội dung cấu thành được nêu trong điều luật như sau:
“1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 01 đến 05 năm”.
Như vậy, dấu hiệu về chủ quan bắt buộc cấu thành tội phạm này là “vụ lợi, hoặc động cơ cá nhân khác”. Cả bốn bị cáo trong vụ án này không có dấu hiệu về ý thức vụ lợi, hay vì lợi ích nhóm, hay động cơ cá nhân nào khác ngoài “việc giao thầu đất thùng, gò, ao xen kẹt để lấy nguồn kinh phí xây dựng đường giao thông liên xóm thôn Vệ Xá”, thực hiện chương trình Nông thôn mới của Chính phủ.
Lợi ích ở đây không bó hẹp trong thôn Vệ Xá của các bị cáo, mà của cả xã, huyện, tỉnh và của quốc gia. Tòa án viện dẫn khoản 7, Điều 3, Nghị quyết 03/2020/ NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán để kết luận hành vi của các bị cáo “Bán đất” để lấy tiền phục vụ công trình công cộng địa phương, chính là động cơ vụ lợi vật chất không chính đáng…
Buộc tội như vậy là trái với bản chất về ý thức của các bị cáo là thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, phục vụ nhân dân. Việc lấy một văn bản hướng dẫn chuyên môn có sau việc làm của các bị cáo, để đánh giá, quy kết ý thức chủ quan các bị cáo thực hiện hành vi ở thời gian trước đó là không khách quan, không sát thực bản chất.
Chưa kể đến về nguyên tắc áp dụng thời hiệu đối với văn bản pháp luật trong trường hợp này cũng hoàn toàn không phù hợp. Cho nên, có thể khẳng định: dấu hiệu về ý thức chủ quan cả 04 bị cáo không thể hiện họ có ý thức vụ lợi, hay vì một động cơ cá nhân nào khác. Đây là dấu hiệu cơ bản trong 4 yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 356 – tội "Tham nhũng".
Về dấu hiệu khách quan, các bị cáo không lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Việc thực hiện hành vi giao thầu đất ao hồ là của tập thể gần ba trăm xã viên trong thôn đã đồng tâm nhất trí. Trong quá trình diễn biến của vụ việc có người dân cả thôn tham gia, ký hợp đồng giao thầu đất có tới 9 người ký. Các bị cáo chỉ là người đại diện thực hiện, chứ không có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn nào cả.
Hành vi làm trái công vụ như án sơ thẩm đã quy kết là “Bán đất” cũng không đúng với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án.
Theo bút tích, chữ ký trong 9 bản hợp đồng giữa Ban Thanh lý thôn Vệ Xá với từng người dân đều ghi: “Hợp đồng giao thầu đất thùng gồ-ao”. Các bị cáo không có thẩm quyền làm việc này, đã làm trái công vụ, nhưng không phải “bán đất” như Tòa án đã quy kết. Chính người dân nhận thầu cũng lên tiếng: “Chúng tôi quản lý và sử dụng đúng quy định của Luật Đất đai”. Trong Luật Đất đai không hề có khái niệm mua, bán đất. Trên thực tiễn cũng diễn ra như vậy.
Về hậu quả là thiệt hại trong vụ án này, số tiền giao thầu thu được các bị cáo đều kịp thời giao lên xã để góp vốn đối ứng làm đường, xây nhà văn hóa. Xã sử dụng khoản tiền này đúng mục đích, đúng nội dung chi, phục vụ kịp thời chương trình xây dựng nông thôn mới. Chưa có tài liệu nào chứng minh bị thất thoát, hoặc tiền vào túi cá nhân…
Như vậy, hậu quả việc làm của các bị cáo không gây ra thiệt hại về kinh tế cụ thể. Mặc dù, họ tự nguyện bỏ tiền cá nhân ra “khắc phục hậu quả thiệt hại”, thì cũng không có ai là nạn nhân, thấy mình là người bị hại để đứng ra đòi bồi thường. Chính Tòa cũng phải tuyên trả lại số tiền gọi là hậu quả, “gây thiệt hại” cho các bị cáo.
Như đã phân tích ở trên, theo Điều 8 của Bộ luật Hình sự, thì các bị cáo không có hành vi nguy hiểm cho xã hội, ý thức chủ quan là vụ lợi không có, các hành vi không hội đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 356 - Nhóm tội tham nhũng được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Luật Đất đai 2013 có quy định về người có trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất, tại Điều 7, khoản 3 có nêu: “Người đại diện cộng đồng dân cư là trưởng thôn, làng, ấp, buôn, bản, phum, sóc, tổ dân phố, hoặc người được cộng đồng dân cư thỏa thuận cử ra đối với việc sử dụng đất đã giao, công nhận cho cộng đồng dân cư”.
Như vậy, Trưởng thôn và những bị cáo trong vụ án này đều có trách nhiệm trước Nhà nước với việc sử dụng đất, đã được Luật Đất đai 2013 quy định, chứ không phải họ tuyệt nhiên không có quyền gì trong vấn đề này. Tuy nhiên, việc ký hợp đồng giao thầu đất mà các bị cáo đã thực hiện chẳng rõ thể loại hợp đồng nào trong Luật Dân sự, cũng chẳng đúng quy định tại Luật Đất đai. Hợp đồng không có dấu, công chứng… Như vậy, đương nhiên các hợp đồng giao thầu với 9 người dân là vô hiệu - không có hiệu lực pháp luật. Trên thực tế, những người dân nhận thầu cũng có đơn gửi Tòa án. Trong đơn thể hiện người dân hiểu rõ việc quản lý và sử dụng đất giao thầu theo quy định của Luật Đất đai của Nhà nước. Mặc dù nhận đất xong, họ có san ủi, một vài người làm nhà xưởng để khai thác nhằm sinh lời, vì họ đã bỏ vốn ra phục vụ việc đối ứng làm đường. Đến nay, họ cũng sẵn sàng hoàn trả lại đất khi Nhà nước yêu cầu. Người dân cũng hiểu giao thầu, nhận thầu cũng chỉ là việc thuê khoán quyền sử dụng đất mà thôi.
Vậy các bị cáo có hành vi vi phạm trật tự quản lý đất đai không? Câu trả lời chắc chắn là có! Nhưng cần lưu ý: Việc giao thầu đất lâu dài không có nghĩa là giao đất vĩnh viễn, hay giao đứt, giao hẳn cho người nhận thầu. Khái niệm này ai cũng biết là vẫn có thời hạn, nhưng thời hạn không được xác định theo năm tháng cụ thể. Do vậy, việc tiếp tục ký các hợp đồng thuê đất trước đây đã hết hạn, ký thêm một số hợp đồng giao thầu mới vẫn là cho thuê đất, chứ đâu phải bán đất. Thực tế ở nông thôn, nhiều vùng quê việc bỏ hoang đất ao, hồ, gò xen kẹt, khai thác không có hiệu quả vẫn là thực trạng nan giải. Ngay tại Quế Võ cũng có nhiều nơi như vậy. Hành vi giao thầu loại đất này, chứ không phải giao thầu “đất bờ xôi ruộng mật” để lấy tiền xây dựng nông thôn mới của các bị cáo cũng không phải là nghiêm trọng. Nếu nhìn từ một góc độ nào đó thì, việc làm của các bị cáo đôi khi lại là năng động sáng tạo phát huy, khai thác tiềm năng ao, hồ, thùng xen kẹt chưa được khai thác, sử dụng có hiệu quả tại địa phương.
Tuy nhiên cần xem xét 4 bị cáo có phạm “Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai” theo Điều 229, Bộ luật Hình sự, hay không? Các yếu tố cấu thành loại tội phạm này, khoản 1 của điều luật quy định như sau:
“1. Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đất trồng lúa có diện tích từ 5.000 m2 đến dưới 30.000m2; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích có diện tích từ 10.000m2 đến dưới 50.000m2; đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 10.000m2 đến 40.000m”.
Đối chiếu với điều luật đã nêu trên thì, 04 bị cáo của thôn Vệ Xá, đã giao thầu tổng diện tích đất đã ký theo 9 hợp đồng là 3.943,1m2 thuộc nhóm đất “nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp”. Với số diện tích và loại đất đã giao, vụ việc này ở thôn Vệ Xá không có sự kiện phạm tội. Hành vi của 4 cán bộ thôn Vệ Xá chưa phạm vào bất cứ quy định nào về giới hạn diện tích vi phạm được quy định trong khoản 1, Điều 229 - Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Họ không phạm vào tội này.
Nhìn vào tổng thể vụ việc và tình hình thực tế xảy ra ở thôn Vệ Xá, xã Đức Long, Quế Võ, Bắc Ninh như đã phân tích ở trên, theo quan điểm của những người làm công tác pháp luật thì: Từ Bí thư Chi bộ, trưởng thôn và một số cán bộ đảng viên và người dân khác có việc làm xâm hại đến trật tự quản lý của Luật Đất đai. Nhưng họ đã mạnh dạn tháo gỡ khó khăn, vì lợi ích chung của tập thể, vì lợi ích của chương trình xây dựng Nông thôn mới Quốc gia. Quế Võ năm 2019 đã được Thủ tướng ký công nhận là đạt chuẩn Nông thôn mới. Trong thành tích này, có sự đóng góp của nhân dân thôn Vệ Xá và 04 bị cáo vừa bị TAND huyện tuyên phạt hơn hai mốt năm tù.
Gần đây, Thủ tướng chính phủ vừa ban hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thì có thể không bị xử lý trách nhiệm. Từ vụ án tham nhũng không đồng – vụ án kỳ lạ này, trên tinh thần chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta, các cơ quan tư pháp của Quế Võ và sắp tới là tỉnh Bắc Ninh rất cần soi chiếu lại quan điểm đấu tranh phòng chống tội phạm của mình, để không xảy ra hiện tượng thui chột năng lực năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ ở địa phương và quan trọng hơn là không làm oan người vô tội.