Dân bị “treo” ruộng
Gia đình ông Đỗ Văn Quyền (xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, Bắc Giang) có thửa ruộng 452 m2 nằm trong diện tích giải phóng mặt bằng (GPMB) của Nhà máy gạch ốp lát Cotto thuộc Công ty cổ phần Ngôi sao Bắc Giang. Tuy dự án được thực hiện từ năm 2009 và đi vào hoạt động từ năm 2011 nhưng đến nay, việc GPMB đối với thửa đất nhà ông Quyền vẫn chưa thực hiện xong. Mặc dù chưa được nhận đền bù nhưng gia đình ông Quyền không thể tiếp tục sản xuất do Công ty Ngôi Sao đã xây tường bao quanh và đổ đất san lấp nền. “Ban đầu phía công ty đưa ra mức giá đền bù 50 triệu đồng/sào (360 m2) nhưng chúng tôi không đồng ý. Sau nhiều lần thương lượng trong 7 năm, hiện gia đình tôi đã đồng ý nhận đền bù với mức giá 175 triệu đồng/sào nhưng đại diện công ty không tiến hành đền bù vì không có tiền. Mỗi năm họ đền bù cho 6 tạ thóc/sào. Đất đai không sản xuất được mà cũng không được đền bù khiến người dân rất bức xúc”, ông Quyền cho biết.
Ruộng bỏ hoang trong khuôn viên Nhà máy gạch Cotto do chưa thống nhất được giá đền bù GPMB. |
Cũng chung tình cảnh với gia đình ông Quyền, hiện còn 7 hộ dân vẫn chưa thực hiện xong GPMB với Công ty cổ phần Ngôi Sao. Hiện tất cả diện tích ruộng này đều nằm trong khuôn viên của Nhà máy gạch Cotto, cỏ mọc rậm rạp, người dân đều không canh tác được.
Ngay cạnh Nhà máy gạch Cotto, Công ty cổ phần Phúc Hưng hiện cũng còn chưa thỏa thuận được giá đền bù với 2 hộ dân. Ông Nguyễn Văn Hảo, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Dĩnh cho biết, vừa qua, 2 hộ dân có làm đơn lên UBND xã yêu cầu công ty thực hiện bồi thường, nhưng đại diện Công ty Phúc Hưng cho biết, họ nhận bàn giao mặt bằng từ Công ty Quang Minh nên không nắm được vấn đề này và cũng không sử dụng đến diện tích đất của các hộ dân.
Cũng trong tình cảnh bị “treo ruộng” vì chưa thỏa thuận được giá với chủ đầu tư, gia đình ông T.V.L tại Xã Định Môn (Thới Lai, thành phố Cần Thơ) có 400 m2 đất nông nghiệp thuộc diện tích bị thu hồi để thực hiện Dự án đường ống dẫn khí điện đạm Cà Mau. Từ năm 2009, UBND xã Định Công đã thông báo sẽ lấy đất của gia đình phục vụ cho dự án. Nhưng trong suốt 6 năm qua dự án vẫn chưa được triển khai. “Nhà đầu tư không thông báo thời gian nào sẽ họp dân để thống nhất giá bồi thường hay hỗ trợ. Trong khi đó, mấy trăm hộ dân của 3 xã trên nằm trong quy hoạch của Dự án đều không được để các vật nặng trên đất, không được chuyển đổi, chuyển nhượng hay sử dụng vào bất cứ giao dịch đất đai nào nên chúng tôi rất bức xúc”, ông L cho biết.
Ông T.V.L (Cần Thơ) kiến nghị nếu chủ đầu tư không đủ năng lực để thực hiện dự án thì Nhà nước nên công bố xóa quy hoạch để người dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn nếu thực hiện thì cần có thời hạn phải bồi thường GPMB cho người dân.
Khó thống nhất về giá đền bù
Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc trung tâm phát triển quỹ đất huyện Lạng Giang cho biết, DN thuê đất tại huyện chủ yếu là các DN vừa và nhỏ và cơ chế đền bù GPMB là tự thỏa thuận với người dân. Nhà nước quy định cơ chế tự thỏa thuận để đảm bảo lợi ích của người dân nhưng trong quá trình GPMB lại gặp nhiều vướng mắc. Các DN thường không thống nhất được giá với người dân. “Theo giá đất nền Nhà nước quy định tại Lạng Giang là 80 triệu đồng/sào. Nhưng người dân thường đòi giá cao hơn. Đã có trường hợp để GPMB nhanh, DN phải thỏa thuận “đi đêm” với một số hộ nên giá đất cao hơn mặt bằng chung. Các hộ dân nhận tiền đền bù sau thường đòi hỏi giá đền bù cao hơn giá đất nền của khu vực. Do DN và người dân không thỏa thuận được, có dự án GPMB mất gần 10 năm”, ông Nam cho hay.
Theo ông Đinh Quang Hào, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lạng Giang, việc khảo sát giá đất nền từng khu vực chưa được chính xác, bởi khi cán bộ đi khảo sát thì người dân thường cung cấp giá đất thấp hơn so với khi chuyển nhượng nhiều lần để giảm thuế trước bạ sang tên, đổi chủ. “Do vậy có tình trạng trong cùng một khu vực có 2 nhà đầu tư, có chung mục đích chuyển đổi đất làm dự án sản xuất mà lại có 2 giá khác nhau nên người dân thắc mắc và khó thỏa thuận với DN, gây chậm trễ trong GPMB”, ông Hào cho biết.
Ông Lê Văn Lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, công tác bồi thường, GPMB vẫn còn kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của các công trình, dự án; việc khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất vẫn xảy ra. Hiện, Bộ TN&MT đang xây dựng và lấy ý kiến về Nghị định quy định bổ sung một số nội dung liên quan đến quy hoạch, kế hoạch, thu hồi đất... nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp luật trong tổ chức thi hành Luật Đất đai. |
Không riêng Bắc Giang, theo đại diện nhiều địa phương, quy định mới của Luật Đất đai và các Nghị định hướng dẫn, giá đất bồi thường được áp dụng riêng cho từng dự án, điều này phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thu hồi đất, bồi thường GPMB. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện công tác GPMB một số dự án chuyển tiếp gặp phải vướng mắc do người bị thu hồi đất thắc mắc về chế độ, chính sách áp dụng giữa thời điểm trước luật và thời điểm sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành.
GS Đặng HùngVõ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nhiều trường hợp DN tự thỏa thuận giá đền bù với người dân đã gặp khó khăn, do một số hộ dân muốn đẩy giá cao gấp 3 - 4 lần giá thị trường. DN chấp nhận giá đó sẽ khó khăn về chi trả, nếu không tiếp tục dự án sẽ bị chậm tiến độ.
“Hiện ở nước ta đang tách bạch hai cơ chế là Nhà nước thu hồi đất và DN thu hồi. Cả hai cơ chế đều có những ưu thế và bất cập riêng. Ở các nước khác, họ sử dụng cơ chế hỗn hợp, nhà nước đưa ra quyết định thu hồi đất, sau đó DN đứng ra thỏa thuận nhưng không thỏa thuận với từng hộ gia đình mà thỏa thuận với cộng đồng một cách công khai, có sự tham gia của các tổ chức xã hội. Nếu 2/3 cộng đồng đồng ý thì giá đền bù sẽ được quyết định. Như vậy đảm bảo lợi ích của cả hai bên. Chúng ta nên học tập những cơ chế tốt mà các nước khác đã thực hiện”, GS Đặng Hùng Võ kiến nghị.