Theo thống kê của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, trong số 18.840 vụ án các loại được Tòa thụ lý trong thời gian qua, có tới 140 vụ án để quá hạn, 681 vụ bị sửa án, 187 vụ bị hủy án. So với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù giảm được 9 vụ án quá hạn nhưng số án bị sửa tăng 212 vụ, số án bị hủy tăng 22 vụ.
Các vụ án bị sửa, hủy và để quá hạn chủ yếu là án dân sự, án hôn nhân gia đình và án kiện hành chính. Trong số những vụ án bị sửa, hủy, có nhiều vụ án phức tạp, nhiều đương sự, nhiều quan hệ pháp luật, đã bị hủy đi hủy lại nhiều lần. Song bên cạnh đó, cũng có nhiều vụ án do thẩm phán được phân công giải quyết án vi phạm thủ tục tố tụng, điều tra xác minh chưa đầy đủ, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm. Đồng thời, lãnh đạo một số đơn vị Tòa án bị xác định là chưa sâu sát trong kiểm tra, đôn đốc, chưa có biện pháp tích cực để đẩy nhanh tiến độ giải quyết.
Theo đánh giá, nguyên nhân khách quan để tồn tại tình trạng nêu trên là do số lượng các vụ án ngày càng tăng, với tính chất phức tạp. Trong khi đó, một số quy định của pháp luật còn bất cập nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung hoặc chậm được hướng dẫn áp dụng. Các vụ án để quá hạn một phần do nhiều cấp, nhiều ngành lưu giữ chứng cứ không cung cấp cho Tòa án kịp thời, không trả lời xác minh của Tòa án theo quy định. Bên cạnh đó, còn một số vụ án có yếu tố nước ngoài, việc tống đạt, triệu tập và thu thập chứng cứ mất rất nhiều thời gian hoặc không có kết quả cũng làm chậm quá trình giải quyết vụ án.
Mặt khác, lãnh đạo ngành Tòa án Hà Nội cũng xác định, cần quy trách nhiệm đối với lãnh đạo đơn vị trong công tác quản lý, điều hành còn hạn chế, thụ động. Một số cán bộ, thẩm phán còn thiếu tinh thần trách nhiệm, gặp những vụ án phức tạp lo ngại bị hủy án nhưng không chủ động báo cáo lãnh đạo làm kéo dài quá trình giải quyết vụ án. Một số thẩm phán khác năng lực trình độ còn hạn chế, thậm chí còn làm sai nguyên tắc, vi phạm thủ tục tố tụng dẫn đến bị sửa, hủy án...
Kim Anh