Tại các huyện miền núi Nghệ An, có nhiều xã, muốn đi đến trung tâm huyện hoặc từ xã này sang xã khác chỉ có cách duy nhất là đi thuyền trên sông.
Tuy nhiên, hiện nay trên nhiều tuyến sông trong tỉnh, mặc cho những cảnh báo của chính quyền địa phương và các ngành chức năng, vẫn đang phổ biến tình trạng người dân và chủ thuyền không đem theo phao cứu sinh khi đi lại.
Thuyền độc mộc chở người và học sinh không đem theo phao cứu sinh (chụp trên sông Lam, đoạn qua xã Hữu Dương, huyện Tương Dương). Ảnh: Nguyễn Văn Nhật |
Trong tuần qua, phóng viên TTXVN có dịp đi vào các xã Lượng Minh, Hữu Khuông, Yên Na (huyện Tương Dương) là những xã vùng sâu, vùng xa, nằm dọc sông Lam và nằm trong vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Dọc đường đi chúng tôi chứng kiến cảnh người dân mưu sinh, đi lại trên sông, nhưng hầu như không mang theo phao cứu sinh.
Tại bến đò thượng nguồn thủy điện Bản Vẽ nằm trên địa bàn xã Yên Na, huyện Tương Dương, là nơi có hàng chục chiếc thuyền dùng vào việc vận chuyển người dân từ trung tâm huyện Tương Dương đi đến các xã dọc sông Lam, chúng tôi không thấy thuyền nào có trang bị phao cứu sinh. Hỏi một người dân tại đây thì được cho biết, từ trước đến nay không ai trang bị phao cứu sinh khi vận chuyển người, hàng hóa đi lại trên sông; có người coi việc đem theo phao cứu sinh khi đi lại là đồng nghĩa với gặp “đen đủi”.
Tại các huyện miền núi Nghệ An đã từng xảy ra các vụ tai nạn, chìm thuyền rất thương tâm. Các cấp chính quyền, ngành Giao thông vận tải và Công an tỉnh Nghệ An cần nghiêm khắc hơn trong việc bắt buộc người dân và chủ thuyền khi đi lại trên sông phải mang theo phao cứu sinh để đảm bảo an toàn tính mạng.
Nguyễn Văn Nhật