Nhiều hộ dân lấn chiếm khu vành đai thủy điện Sơn La

Sau khi công trình Nhà máy thủy điện Sơn La hoàn thành, một phần diện tích thuộc vành đai công trường thủy điện Sơn La không có nhu cầu sử dụng tiếp và sẽ được bàn giao lại cho chính quyền địa phương quản lý. Nhưng nay, diện tích khu vực vành đai này đang bị nhiều hộ dân tái định cư quay trở lại lấn chiếm.

 

Hiện trạng sử dụng đất

 

Trong quá trình xây dựng công trình thủy điện Sơn La, toàn bộ khu công trường gồm 1.700 ha được địa phương giao cho Ban Quản lý dự án thủy điện Sơn La sử dụng. Sau khi hoàn thành công trình Nhà máy thủy điện Sơn La, Ban Quản lý Dự án thủy điện Sơn La - Lai Châu đã trả lại cho tỉnh Sơn La khoảng 440 ha thuộc khu vực vành đai công trường để địa phương trồng cây cao su.


 

Vợ chồng ông Lò Văn Hặc tại điểm lấn chiếm bờ trái khu vực hạ lưu thủy điện Sơn La (bờ trái).

 

Theo đó, UBND tỉnh Sơn La đã có Quyết định số 1125/QĐ-UBND ngày 18/5/2011, trong đó ghi rõ tổng diện tích đất mặt bằng nhà máy thủy điện Sơn La còn lại vào khoảng 1.266 ha.


Ông Hoàng Trọng Nam, Giám đốc Công ty thủy điện Sơn La cho biết: Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/12/2012 thì công ty chỉ giữ lại phần diện tích đất thuộc phạm vi bảo vệ công trình với tổng diện tích khoảng 861 ha, gồm diện tích bảo vệ 2 bên thân đập chính, phần mặt nước và 2 bên bờ sông phía hạ lưu kéo dài đến vị trí cầu tạm cũ (gồm cảng Mường La), phần thượng lưu kéo dài đến điểm M4 bãi đá Bản Pểnh và khu vực dốc núi hai bờ sông.


Như vậy, số diện tích thuộc vành đai công trình còn lại gồm khu vực nhà ở công nhân, sân bãi vật liệu sau khi các đơn vị rút lên công trường thủy điện Lai Châu (rộng khoảng 40 ha) và một số diện tích phụ cận sẽ được Ban Quản lý dự án thủy điện Sơn La - Lai Châu tiếp tục trả lại (đợt 2) cho địa phương quản lý sử dụng.

 

Ý kiến của người dân


Hiện, tại khu vực vành đai thủy điện Sơn La đã có 3 điểm dân lấn chiếm gồm khu vực giáp khu nhà ở công nhân trước đây, khu vực bờ phải, bờ trái phần hạ lưu Nhà máy thủy điện Sơn La.


Ô ng Lò Văn Dịn, một trong 19 chủ hộ từ điểm tái định cư Bản Dọi, Bản Hoa, Bản Tôm (khu tái định cư Tân Lập, Mộc Châu), trở về lấn chiếm khu vực vành đai thủy điện Sơn La, cho biết: Sau khi chuyển nhà cửa đến điểm tái định cư mới Tân Lập, huyện Mộc Châu (năm 2004), ở đó khoảng 1 năm, do không đủ đất sản xuất, không quen khí hậu vùng lạnh nên một số bà con rủ nhau quay về quê cũ làm ăn. Nay bản Tát Phát mới gồm 19 hộ (dân từ khu tái định cư Tân Lập trở về), dựng nhà cửa khang trang tại khu vực này đã qua 8 cái Tết. Nguyện vọng của bà con là muốn ở lâu dài, không muốn quay trở lại vùng tái định cư Tân Lập nữa.


 

Tại khu vực bờ phải, phía hạ lưu thủy điện Sơn La đang bị nhiều hộ dân lấn chiếm.

 

Bà Lò Thị Nịt (vợ ông Dịn) đưa cho chúng tôi xem 2 bìa Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của gia đình và nói: Gia đình chúng tôi gồm 11 khẩu, khi chuyển đến khu tái định cư Tân Lập (huyện Mộc Châu) thì chỉ được nhà nước cấp cho 1.600 m2 đất ở và đất sản xuất, trong khi đất trong “sổ đỏ” tại quê cũ (cấp năm 2000) là 2,5 ha, số đất chênh lệch này đã hơn 9 năm nay hộ chúng tôi chưa được nhà nước đền bù. Nay chúng tôi muốn huyện cấp lại số đất ở quê cũ mà hiện nay công trường đang bỏ hoang.


Ông Cà Văn Thanh, một trong số hộ từ khu tái định cư Tân Lập quay trở về quê cũ, nói: Nguyện vọng của người dân là sau khi Ban Quản lý dự án thủy điện Sơn La - Lai Châu trả lại phần đất cho địa phương mà công trường không có nhu cầu sử dụng, tỉnh nên quy hoạch lại thành lô, khoảnh, trong đó chia một phần đất cho 40 hộ dân tái định cư đợt đầu đi Tân Lập, Mộc Châu. Vì 40 hộ này trước khi chuyển đi, họ không được hưởng chính sách đền bù về đất tại nơi ở cũ (lúc đó tỉnh Sơn La chưa có chính sách đền bù đất thu hồi cho hộ tái định cư - PV).


Chúng tôi đến khu vực bến cảng Mường La thuộc khu vực bờ trái phần hạ lưu Nhà máy thủy điện Sơn La, chứng kiến cảnh nhiều hộ dân đang dựng lán trại tạm bợ để mưu sinh. Tại điểm lấn chiếm này có 17 hộ từ điểm tái định cư Nà Nhụng, xã Mường Chùm, huyện Mường La quay trở về quê cũ đã hơn 3 tháng nay.


Gặp anh Vi Văn Thảnh vừa từ bờ sông trở về lán, vai vác mái chèo, một tay cầm lưới và giỏ cá bống đầy ắp, anh tâm sự: Mình về bản cũ (Bản Dạng dưới) để đánh cá, mỗi ngày mình đánh được khoảng 5 đến 6 kg cá bống, mang ra chợ bán cũng được 80.000 đồng/kg, thu nhập cao hơn trồng ngô ở quê mới bản tái định cư Nà Nhụng.


Ông Cà Văn Hặc giải thích rằng: Ở quê mới (khu tái định cư Nà Nhụng, xã Mường Chùm, huyện Mường La), bà con các hộ tái định cư thiếu đất sản xuất, đất được chia chủ yếu là đất dốc, bạc màu, nên trồng ngô năng suất thấp lắm, chỉ được 3 đến 4 tấn bắp/ha. Mùa khô này ở điểm tái định cư Nà Nhụng thiếu nước sinh hoạt, nhiều hộ thiếu cả lương thực, nên bà con nghe tin Nhà máy thủy điện Sơn La khánh thành rồi, số đất của bản trước đây, bà con nhượng lại cho công trường xây dựng thủy điện, nay công trường không sử dụng nữa, bà con muốn xin lại để sản xuất. Ông Hặc còn cho biết thêm: Bà con bản Dạng dưới, trước khi chuyển đi khu tái định cư mới Nà Nhụng có nhượng lại cho công trường 17 ha đất nương và 2,5 ha ruộng nước, cho đến nay chưa được Nhà nước đền bù, phần đất này bà con đều đang cầm sổ đỏ trong tay. Nay Công ty thủy điện Sơn La trả lại cho địa phương, nguyện vọng của người dân là muốn xin lại phần đất này để sản xuất.


Không chỉ có những hộ dân từ các điểm tái định cư Nà Nhụng, Tân Lập quay về quê cũ lấn chiếm đất đai khu vành đai Nhà máy thủy điện Sơn La, mà tại bờ phải phần hạ lưu khu vực nhà máy hiện có ít nhất 5 hộ đã dựng nhà cửa lấn chiếm, trong đó có 3 hộ từ điểm tái định cư Nặm Dôn (huyện Mường La) chuyển về mua đất “chui” tại khu vực này để mưu sinh. Ngay tại khu vực giáp ranh khu đất trồng cây cao su và phần đất thuộc quyền quản lý của Công ty thủy điện Sơn La cũng đã xuất hiện vài lán trại được dựng lên tận dụng đất còn bỏ hoang để trồng ngô, sắn và cây lương thực ngắn ngày. Cứ theo đà này, không chỉ các hộ dân tái định cư quay trở lại lấn chiếm đất mà ngay cả những hộ dân sở tại (thị trấn Ít Ong) cũng đang có ý định “nhảy dù” vào khu đất bỏ hoang thuộc vành đai Nhà máy thủy điện Sơn La.


Bài và ảnh: Điêu Chính Tới

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN